Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nợ công nhìn từ nguồn vốn ODA

Trong bộn bề những sự kiện chính trị, kinh tế, an ninh, đối ngoại trong và ngoài nước năm 2010, có nhiều điều vui, nhưng cũng không ít nỗi lo âu. "Câu chuyện nợ công" là vấn đề được cả thế giới quan tâm.

Đầu năm cơn bão nợ công tàn phá Hy Lạp, cuối năm, Ireland, Bồ Đào Nha… "đau đầu" vì cơn bão nợ công. Câu chuyện nợ công ở Việt Nam (VN) trong năm 2010 cũng được nói đến nhiều. Bài viết này tản mạn đôi chút về một kênh vốn liên quan đến nợ công của VN, đó là vốn ODA.

ODA - kênh huy động vốn đầu tư quan trọng


Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là một trong những "kênh" vốn đầu tư phát triển quan trọng đối với các nước đang phát triển, trong đó có VN. Thực tế trong nhiều năm gần đây, nguồn vốn ODA đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn có vay có trả, do đó cần quan tâm nâng cao hiệu quả đồng vốn ODA.

Việt Nam cần cân nhắc tới vấn đề phát triển bền vững trong dài hạn, thay vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn..

Nguồn vốn ODA có những ưu thế như: Thời hạn vay dài, lãi suất thấp, thời gian ân hạn ưu đãi, có yếu tố tài trợ không hoàn lại... Với những nước có xuất phát điểm kinh tế thấp như VN hiện nay, nguồn vốn ODA có ý nghĩa hết sức quan trọng. Được biết, kể từ khi nối lại quan hệ với các nhà tài trợ từ tháng 11.1993, VN đã nhận được sự cam kết viện trợ vốn ODA của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Từ 1993 đến cuối 2010, tổng số vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết dành cho VN đạt tới hơn 64 tỉ USD. Riêng vốn cam kết của các nhà tài trợ tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) năm 2010 vào đầu tháng 12.2010 là 7,88 tỉ USD. Tổng số vốn đã được giải ngân đạt trên 28 tỉ USD (năm 2010 giải ngân đạt 3,5 tỉ USD). Theo số liệu thống kê, tỉ lệ giải ngân vốn ODA trong 4 năm (2006- 2010) cho thấy, tổng số giải ngân đạt hơn 12,5 tỉ USD, chiếm trên 40% tổng vốn ODA cam kết. Con số được giải ngân đạt được còn thực sự khiêm tốn. Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta chưa giải ngân hiệu quả nguồn vốn quý giá này?

Qua hơn 17 năm thực hiện nguồn vốn ODA ta thấy, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt mức khá cao, ngược lại tỉ lệ giải ngân của nguồn vốn ODA có hoàn lại ở mức còn thấp. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại không có những ràng buộc về trả nợ nước ngoài, nguồn vốn này chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội, cải cách hành chính... Còn vốn ODA có hoàn trả lại có điều kiện giải ngân rất nghiêm ngặt, do các nhà tài trợ đặt ra. Nguồn vốn ODA có hoàn trả lại thường được đầu tư vào các dự án có công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, mà các dự án này thường phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính của việc giải ngân và sử dụng vốn ODA còn thấp hơn mức trung bình của khu vực là do từ trước đến nay vốn ODA đều được sử dụng để đầu tư các dự án công lớn. Nhưng sử dụng cách nào thì cũng do các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp nhà nước quản lý và chi tiêu nên hiệu quả và tính minh bạch thấp, còn không ít những vấn đề cần tiếp tục được điều chỉnh.

Có thể nói, nguồn vốn ODA cam kết dành cho VN của các nhà tài trợ quốc tế là tương đối lớn và có xu hướng tăng lên qua mỗi năm. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế diễn ra hồi tháng 12.2009, các nhà tài trợ đã cam kết tiếp tục dành cho VN khoản vốn ODA trị giá khoảng 8,2 tỉ USD (bao gồm vốn vay và viện trợ không hoàn lại). Điều này cho thấy các nhà tài trợ quốc tế đang đánh giá rất cao về môi trường phát triển kinh tế - xã hội ở VN. Hiện nay, đối tác lớn tài trợ vốn ODA cho VN bao gồm: Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UN), các tổ chức phi chính phủ (NGO) và nhiều nhà tài trợ song phương khác. Nhật Bản đang là nhà tài trợ vốn ODA song phương lớn nhất cho VN trong hơn 17 năm qua (trong 7,88 tỉ USD vốn cam kết đầu tháng 12.2010, Nhật Bản có mức cam kết là 1,76 tỉ USD). WB giữ vị trí là nhà cung cấp ODA đa phương lớn nhất. Mức cam kết trong hội nghị tháng 12.2010 đạt tới 2,6 tỉ USD. ADB là 1,5 tỉ USD.

ODA - nguồn vốn có vay có trả


Thông qua nguồn vốn ODA, nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng, như: Cầu Mỹ Thuận, cầu Sông Gianh, dự án nâng cấp quốc lộ 1A, cầu Bãi Cháy... Thời gian tới, nhu cầu thu hút vốn - trong đó có vốn ODA của nước ta cần nhiều hơn nữa. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA, cần phải có những chính sách hợp lý, những giải pháp đúng đắn nhằm tháo gỡ các vướng mắc gây cản trở tốc độ giải ngân vốn ODA. Một số chính sách mang tính định hướng như: Vốn ODA cần được sử dụng có hiệu quả và cần nhận thức rằng, đây không phải là khoản "cho không" của nước ngoài, mà vốn ODA có vay ắt phải có trả; nguồn vốn ODA cần được cân đối thống nhất với các nguồn vốn khác trong chương trình đầu tư nhằm thực hiện chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; vốn ODA cần được tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên; tranh thủ mọi nguồn vốn ODA phù hợp với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, các biện pháp thu hút vốn ODA sau khi VN trở thành quốc gia có thu nhập trung bình chắc rằng phải thay đổi. Thay đổi từ điều kiện vay, mức độ vay và cả cách sử dụng đồng vốn vay được.

Từ những định hướng trên, chúng ta cần triển khai tổng thể đồng bộ một hệ thống các giải pháp, đó là: Hoàn thiện chiến lược thu hút vốn ODA; đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bao gồm cả quy hoạch huy động vốn ODA; hoàn thiện môi trường pháp lý, chú trọng tới cơ chế quản lý tài chính việc sử dụng vốn ODA; thực hiện nghiêm túc đầy đủ các cam kết với các nhà tài trợ; giải quyết tốt vấn đề giữa vay và trả nợ vốn ODA; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình giải ngân ODA; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ thực hiện dự án ODA; cho phép các doanh nghiệp dân doanh tham gia sử dụng nguồn vốn ODA, đây là khu vực có khả năng quản trị, sử dụng vốn hiệu quả, minh bạch...

Ngoài ra, như bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc WB tại VN - cho rằng, VN cần cân nhắc tới vấn đề phát triển bền vững trong dài hạn, thay vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn trước mắt thông qua việc ổn định các biến số của nền kinh tế vĩ mô. "Tăng tốc" tiến độ giải ngân và có những giải pháp quản lý linh hoạt, phù hợp đối với vốn ODA chính là những nhân tố tác động đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đáng quý này, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và đây là một cách làm khôn ngoan góp phần giải quyết hiệu quả bài toán "nợ công". Vì vay đầu tư đúng, trúng, hiệu quả, không thất thoát thì đến kỳ nào đáo hạn sẽ trả được và trả một cách sòng phẳng, đàng hoàng.

TS Phạm Thanh Hà
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I

 

(Báo Lao Động)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Nhân dân tệ tăng giá: Lo dần không quá muộn
  • Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”?
  • Sở hữu chung cư có thời hạn - hết cơ hội “ôm” chung cư
  • Giảm bội chi ngân sách xuống 5%
  • TTCK mới nổi đã hết thời?
  • Gần tết, chuyện cũ lãi suất lại xảy ra?
  • Trung Quốc lạm phát: Thời cơ vàng Việt Nam?
  • Bất ổn!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!