Tỷ giá sẽ không phải là nguyên nhân làm thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc. Sự thay đổi đó phải đến từ sự thay đổi nội lực và định hướng của Việt Nam.
Giữa năm 2010, Trung Quốc điều chỉnh tăng giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thêm 0,44% so với USD. Tuy nhiên, các nước đòi hỏi Trung Quốc tiếp tục tăng giá NDT, và việc điều chỉnh này có thể còn diễn ra. Do đồng Việt Nam (VND) liên hệ khá chặt chẽ với USD nên NDT lên giá so với USD thì tương quan giá trị giữa NDT và VND cũng sẽ thay đổi và mang lại nhiều tác động đối với Việt Nam.
Đầu vào đắt đỏ
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu làm gia công như ngành dệt may, da giày... mà phần lớn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Sức thuyết phục của nguồn nguyên liệu từ thị trường này trước hết là giá rẻ, nguồn hàng dồi dào và đa dạng. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, dù NDT tăng giá nhưng các DN Việt Nam vẫn không thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí còn coi đây là sự lựa chọn có lợi hơn so với các nguồn khác trong ngắn hạn.
Dệt may - ngành xuất khẩu lớn nhất nhì Việt Nam - là điển hình cho câu chuyện trên. Số liệu từ Hiệp hội Dệt may cho biết, dệt may Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 10 tỷ USD/năm, nhưng hơn 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn.
Cụ thể, năm 2009, Việt Nam nhập 1,566 tỷ USD vải các loại. Bên cạnh đó là các nguyên phụ liệu, hóa chất, máy móc... khác phục vụ cho ngành may mặc lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Một số DN thành viên Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng thanh toán chủ yếu bằng USD nên khi NDT điều chỉnh thì giá bằng đồng USD sẽ tăng lên, ảnh hưởng lớn tới giá thành sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Đầu vào đắt đỏ hơn nhưng các DN Việt Nam không thể điều chỉnh giá ngay vì còn phải tính toán cạnh tranh với DN các nước.
Ngành da giày Việt Nam chẳng hạn và nhiều dự án đầu tư khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Giá nhập khẩu đầu vào cao, nhất là các nguyên phụ liệu sản xuất, máy móc, trang thiết bị nhập khẩu chính ngạch, thì sản phẩm làm ra cũng đắt theo. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đánh giá tác động của sự kiện này tới chi phí sản xuất, nhất là đối với những ngành phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Chính vì thế, trước mắt, với sự điều chỉnh nhỏ, các DN vẫn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, với sức ép từ các đối tác thương mại lớn, vấn đề tăng giá NDT còn đặt ra như yêu cầu trong các quan hệ chính trị.
Vì thế, về dài hạn dù giữ một thái độ thận trọng và điều chỉnh dần nhưng khả năng tiếp tục tăng giá NDT nhiều khả năng diễn ra. Vì thế, DN cần sớm có sự quan tâm đúng mức để có điều chỉnh phù hợp.
Nhập siêu khó giảm
Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Năm 2009, con số này đạt 11,53 tỷ USD. Tuy nhiên, dù NDT tăng giá nhưng việc giảm nhập khẩu từ Trung Quốc hay tăng xuất khẩu từ đó giảm nhập siêu là điều không dễ.
Theo lý thuyết, khi một đồng tiền một quốc gia tăng giá thì thì sản phẩm của quốc gia đó sẽ giảm sức cạnh tranh hơn vì giá bán sẽ đắt hơn; xuất khẩu của nước đó ra thị trường thế giới sẽ khó hơn và nhập khẩu vào sẽ nhiều hơn.
Việt Nam và Trung Quốc và kim ngạch thương mại rất lớn, ước khoảng 25 tỷ USD trong năm 2010, trong đó Việt Nam nhập siêu rất lớn. Trung bình, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lớn gấp 3,5 lần xuất khẩu, và thâm hụt thương mại từ Trung Quốc chiếm phần lớn trong thâm hụt thương mại của Việt Nam.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số 10 mặt hàng nhập khẩu chính, khoảng 70% nhập từ Trung Quốc là: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 4.155 triệu USD; vải các loại 1.566 triệu USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1.464 triệu USD; xăng dầu các loại 1.290 triệu USD; sắt thép các loại 816 triệu USD; phân bón các loại 596 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 407 triệu USD; hóa chất 399 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép 387 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô 314 triệu USD.
Về cơ bản, số liệu này cũng gần tương đồng về cơ cấu về nhập khẩu của Việt Nam hiện nay. Theo lý giải về nhập siêu của Bộ Công Thương, Việt Nam phần lớn nhập khẩu về máy móc, nguyên liệu... mà trong nước chưa thể đáp ứng và rất khó để giảm ngay. Cơ hội chuyển đổi sang nguồn hàng từ các nước khác cũng không lớn khi Trung Quốc là nơi có ưu thế vượt trội về giá, mà còn là mẫu mã và độ tiện lợi... nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, các DN làm gia công.
Trong khi đó, sự tăng giá của NDT đối với USD dẫn đến tăng giá hàng hóa tính theo VND chưa thực sự lớn, nhất là so với giá cả nhập khẩu từ các thị trường khác vốn đắt hơn nên các DN chưa có nhiều ý định chuyển đổi nhà nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc cũng không có sự đột biến nào. Ở khía cạnh xuất khẩu, 4 mặt hàng đứng đầu đều là khoáng sản và nguyên liệu thô. Giá cả của những hàng hóa này phụ thuộc nhiều vào giá thế giới, và khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này không bị tác động nhiều bởi yếu tố tỷ giá. Thậm chí, rất nhiều mặt hàng trong số này đang trong đà giảm khối lượng xuất khẩu.
Vì thế, dù có tác động ít nhiều, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nhận định, việc tăng giá của NDT hiện nay dường như ít tác động cải thiện kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Lợi ích mong muốn nhất từ tăng giá NDT là giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chưa thể diễn ra.
Thay đổi không đến từ tỷ giá
Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục chịu sức ép về việc điều chỉnh tăng giá đồng NDT. Và dù không muốn nhưng buộc Trung Quốc phải có những bước điều chỉnh dần. Bên cạnh đó, với tham vọng đưa NDT thành đồng tiền thanh toán quốc tế và cạnh tranh với các ngoại tệ mạnh khác, Trung Quốc đang nới lỏng việc kiểm soát tỷ giá và đang dần hướng đến việc thả nổi tỷ giá. Điều đó thể hiện một xu hướng tăng giá NDT.
Tuy nhiên, để NDT có mức tăng giá mạnh đến 10-20% là điều không thể trong tương lai gần. Bởi dù sao, Trung Quốc vẫn ưu tiên duy trì sự ổn định của NDT để đảm bảo sức cạnh tranh hàng hóa, sự ổn định của xã hội.
Và một khi NDT tiếp tục được điều chỉnh một cách thận trọng thì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không có thay đổi đột biến. Tỷ giá sẽ không phải là nguyên nhân làm thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc. Sự thay đổi đó phải đến từ sự thay đổi nội lực và định hướng của Việt Nam.
Rất nhiều biện pháp được đưa ra để giảm nhập siêu và sự lệ thuộc vào nhập khẩu Trung Quốc là đổi mới công nghệ, giảm giá thành, tăng năng suất lao động nâng cao tính cạnh tranh với hàng Tàu trên cả thị trường hai nước và quốc tế. Đổi mới cơ cấu đầu tư, chuyển hướng đầu tư sang các thị trường ngoài Trung Quốc; tăng cường thu hút nguồn vốn FDI với công nghệ cao của nước ngoài, giảm nguồn vốn FDI của Trung Quốc, nhất là các dự án đầu tư với công nghệ thấp. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu...
Đó không chỉ là một sự thay đổi để đối phó với những rủi ro thương mại mà quan trong hơn, đó chính là sự thay đổi về chất của một nền kinh tế mà chính chúng ta đang mong muốn. Một cơ cấu kinh tế mạnh sẽ cho phép chúng ta độc lập hơn trước nhiều biến động. Điều đó cần phải được thực hiện ngay trước khi quá muộn.
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com