Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp vay vốn “ngán”… thủ tục

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn 10% năm, có nghĩa trần lãi suất mà các ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay không được vượt quá 15%/năm. Đây được xem là tín hiệu vui, tuy nhiên, khi DN tiếp cận nguồn vốn vay thì vấp phải thủ tục của ngân hàng “cản trở”, và có người đã bỏ cuộc vì nhiêu khê...

“Chua lè” vì bộ hồ sơ!

Được tin Ngân hàng An Bình (ABBank) mở chương trình “Vốn Xuân DN” cho vay ưu đãi dành cho các DN sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, anh H.V., giám đốc một công ty đang cần vốn để nhập một số mặt hàng tiêu dùng về bán tết đã liên lạc với ngân hàng xin vay 500 triệu đồng. Ban đầu, bộ phận kinh doanh của ngân hàng hướng dẫn khá đơn giản, chỉ cần DN có tài sản thế chấp là được, hoặc thế chấp bằng chính hàng hóa nhập về.

Theo anh H.V., ngân hàng đưa ra điều kiện như vậy cũng dễ thở. Tuy nhiên, khi cán bộ tín dụng đưa bộ hồ sơ với những quy định để được vay thì anh không liên lạc với ngân hàng nữa, vì quá… nhiêu khê.

Cụ thể như hồ sơ pháp lý phải gồm: Điều lệ công ty, đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bổ nhiệm giám đốc, CMND của khách hàng, biên bản họp hội đồng thành viên về khoản vay; hồ sơ kinh doanh gồm: chứng từ đầu vào (hóa đơn, hợp đồng đã và đang thực hiện trong 3 tháng gần nhất), chứng từ đầu ra (hóa đơn, hợp đồng đã và đang thực hiện trong 3 tháng gần nhất); hồ sơ vay vốn gồm: Giấy đề nghị vay vốn, phương án vay vốn (trong phương án vay vốn công ty phải thể hiện được những thông tin về tính toán nhu cầu vốn lưu động trong năm 2007, kế hoạch sử dụng vốn vay ngân hàng, phương thức vay, nguồn trả nợ, tài sản đảm bảo); hồ sơ tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh (năm 2006, 2007 và 9 tháng năm 2008), các khoản thu, các khoản trả, hàng tồn kho, liệt kê nợ vay tại các ngân hàng trong hiện tại; hồ sơ tài sản đảm bảo gồm đất, nhà…

Anh H.V. cho rằng, chỉ vay có 500 triệu đồng và đã thế chấp tài sản mà phải làm cả hàng chục thứ giấy tờ thì quá… ngán! Chưa hết, phải chờ ngân hàng thẩm định thì đôi khi cơ hội đã qua đi, trong khi những ngày tết đã cận kề, hàng phải nhập về bán trước tết.

Không riêng gì ABBank, nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra những thủ tục khá gay. Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho khách hàng là DN vay với điều kiện có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; phải có vốn chủ sở hữu tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống; có tình hình tài chính lành mạnh, sản xuất kinh doanh có lãi, nếu lỗ thì phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận cấp bù lỗ; khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản là đối tượng vay vốn; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi kèm theo phương án trả nợ khả thi...

Còn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quy định: Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ (gốc và lãi) cho ngân hàng trong thời hạn cam kết; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi; có hiệu quả hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi kèm theo phương án trả nợ khả thi; BIDV có thể yêu cầu khách hàng phải có mức vốn nhất định để tham gia vào phương án/dự án xin vay vốn của mình.
 
Vì sao chưa “mở hầu bao”?

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng (nằm trên đường Trương Vĩnh Ký, Q Tân Phú) nói thật, sở dĩ hiện nay DN khó tiếp cận vốn là do trong năm 2007, ngân hàng cho DN vay quá dễ dãi, trong đó có nhiều DN làm ăn thua lỗ nên hiện nay khó thu hồi nợ. Riêng chi nhánh của ông, nợ xấu cho DN vay chiếm khoảng 7% trên tổng dư nợ. Dù số dư nợ này tuy vẫn nằm trong chỉ số an toàn, nhưng cũng khó đòi.

Hậu quả của năm 2007 để lại đã khiến nhiều ngân hàng không dám mạnh tay cho DN vay và vẫn “thủ thế” an toàn, chỉ cho vay đối với những DN kinh doanh tốt. Vì vậy mà bộ hồ sơ vay vốn của DN là màng lọc an toàn trong việc sử dụng đồng vốn vay.

Trả lời trên báo SGGP vào đầu tuần nay, ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho rằng, nhiều DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay là vì thiếu sự minh chứng cho ngân hàng trong việc triển khai dự án khả thi.

Bản thân mỗi DN cần phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có nợ xấu, nợ quá hạn, phải minh bạch khi tiếp cận vay vốn, nhất là các DN nhỏ còn mang tính chất gia đình; hợp tác với ngân hàng trong việc tìm hiểu tình hình SX-KD và tài chính của doanh nghiệp; thuyết phục được ngân hàng về tính hiệu quả và khả thi của dự án, phương án đang cần vay vốn trước những biến động của thị trường…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không ít DN cần nguồn vốn thật sự để SX-KD và họ đủ khả năng để trả nợ vay, nhưng chính những thủ tục trên và ngân hàng chưa thật sự mở “hầu bao” khiến không ít DN… nản.

Trên thực tế, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay và sắp tới tương đối dồi dào. Cụ thể là ngoài việc NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, còn có 20.300 tỷ đồng mà các ngân hàng mua tín phiếu hồi tháng 3-2008 và vài chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ mà các ngân hàng đã mua và đến hạn thanh toán... sẽ trở về “túi” các ngân hàng.

 

 

(Theo báo Sài gòn giải phóng )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tiền thật và tiền ảo
  • Các ngân hàng lớn cần hỗ trợ ít nhất 18 tháng nữa
  • Xu hướng thị trường vẫn là ẩn số
  • “Bất động sản sẽ được lợi từ chính sách kích cầu”
  • Thêm lời cảnh báo suy thoái mới đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới
  • Ba lý do chính FDI ít vào nông nghiệp
  • Xem xét miễn giảm thuế: DN sẽ bừng tỉnh
  • Kích cầu 1 tỷ USD, đầu tư thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!