Chính phủ vừa thông qua gói giải pháp 1 tỷ USD kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm đối phó với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và những khó khăn của bộ phận dân cư có thu nhập thấp. Vấn đề đặt ra là làm sao để sử dụng có hiệu quả cao nhất khoản tiền này?
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra một số ý tưởng cho “bài toán” hiệu quả của khoản tiền 1 tỷ USD.
Cụ thể, VAFI cho rằng khoản tiền 1 tỷ USD nên dành để bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước và bất động sản... Thông qua đó, thu hút các nguồn vốn xã hội tiếp tục đầu tư cho các dự án loại này, vừa nhằm giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, vừa tạo nguồn sản phẩm giá rẻ cho xã hội.
Nói về vấn đề này trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI nói:
- Nhiều nước hiện nay đã dùng đến hai đòn bẩy kích cầu đầu tư và tiêu dùng để chống lại đà suy giảm của nền kinh tế. Ví dụ như Trung Quốc, Mỹ chẳng hạn, họ tăng chi tiêu của chính phủ vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó nhà nước là chủ đầu tư.
Theo tôi, Việt Nam cũng có thể xem xét tăng chi tiêu của Chính phủ lên. Trong điều kiện hạ tầng giao thông của ta còn kém, nguồn vốn đổ vào đây có thể là một giải pháp tốt.
"Thực ra đây cũng là vốn mồi thôi"
Nếu chỉ kích cầu đầu tư như thế thì có giải quyết được tất cả các vấn đề của nền kinh tế hiện nay không?
Nếu ngành xây dựng nhiều dự án được triển khai thì nó sẽ giải quyết được hàng triệu việc làm cho người dân. Hơn nữa, các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng... không bị tồn đọng. Giao thông vận tải phát triển thì cũng kéo theo hàng loạt các loại dịch vụ phát triển.
Tôi được biết có một số dự án điện đang phải tạm ngừng xây dựng vì thiếu vốn. Ngân hàng ngại ngần vì thời gian thu hồi vốn lâu. Như vậy là việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã rất cần rồi.
Hạn mức 1 tỷ USD nên được hiểu là khả năng của ngân sách hay nhu cầu của nền kinh tế?
Thực ra đây cũng là vốn mồi thôi. Chứ 1 tỷ của Nhà nước mà bảo chi cho cầu đường thì đáng gì, nó ít quá.
Khả năng ngân sách của ta không phong phú như các nước. Nếu 1 tỷ USD này cho doanh nghiệp vay để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thì khó có thể đủ được.
1 tỷ USD ấy là để kích thích huy động thêm nhiều tỷ USD khác nữa trong khu vực doanh nghiệp và dân cư.
Đầu tư hạ tầng là giải pháp!
Tức là ông cho rằng kích cầu vào cơ sở hạ tầng là tốt nhất?
Đúng. Nếu nói về kích cầu thì tôi cho rằng kích cầu vào cơ sở hạ tầng là kích cầu vào khâu then chốt, vì cơ sở hạ tầng của ta còn kém. Hơn nữa, nó sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Còn kích cầu vào tiêu dùng thì chỉ là giải quyết phần ngọn thôi.
Muốn giải quyết các khó khăn của nền kinh tế thì phải giải quyết phần gốc, phần nền tảng.
Liệu có ngành nào khả thi mà có thể kích cầu đầu tư nữa?
Ngành xây dựng cơ bản thì sức cầu lớn. Sức cầu ở đây là tôi muốn nói đến nhu cầu của xã hội, của người dân lớn, thế thì khả năng hoàn trả vốn đầu tư lớn.
Chứ còn những ngành như ngân hàng, hay chứng khoán hiện nay đã dư thừa, không thể bơm thêm tiền để thành lập ngân hàng mới, công ty chứng khoán mới được. Tôi chỉ thấy một ngành này là có triển vọng nhất.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện nay có thuận lợi hơn nhiều vì kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng. Thu nhập của người dân thì họ có khả năng chi trả được. Hơn nữa nguyên liệu cũng giảm, lãi suất ngân hàng cũng giảm.
Các dự án điện, dự án nước, hay cầu đường chẳng hạn vừa rồi cũng có một số dự án phải tạm dừng vì thiếu vốn. Thủ tục họ xong rồi, đất đai có rồi thì có thể xem xét đưa tiền vào triển khai để thành sản phẩm ngay.
Nói bất động sản đóng băng là vì bất động sản của ta không hướng vào người có thu nhập bình thường, mới chỉ hướng vào những người có thu nhập cao. Bây giờ hàng triệu người chưa có nhà thì đó là sức cầu rất lớn. Nhưng tầm tiền họ chỉ có khả năng mua những căn nhà 400 - 500 triệu đồng thôi.
Lĩnh vực nhà ở triển khai được thì thị trường rất rộng. Thế thì phải có khâu đột phá trong lĩnh vực này.
Cụ thể là đột phá thế nào?
Nhà 2-3 tỷ đồng thì dân khó có thể tiếp cận được. Nhưng nếu 400-500 triệu đồng thì dù cũng vẫn là cao so với thu nhập, nhưng tôi tin rất nhiều người có thể mua được. Với giá thành xây dựng hiện nay khoảng 15 triệu đồng/m2 thì loại 30-40 m2 là vừa túi tiền nhiều người.
Hồng Kông, Singapore cũng rất nhiều căn hộ 30-50m2. Ta thì rất ít. Những khu căn hộ mới xây dựng đa số đều từ 70-80m2 trở lên. Thu nhập của đại đa số người dân khó có thể kham nổi.
Cho nên các doanh nghiệp bất động sản cần phải cấu trúc lại sản phẩm, và phải làm ngay từ bây giờ. Nhưng làm ngay thì họ lại không có tiền. Bây giờ làm sao tiền chảy vào được các dự án bất động sản vừa túi tiền như vậy thì vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa phá băng được thị trường bất động sản.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì sản phẩm chậm được đưa vào lưu thông, trong khi tiền thì đã đưa vào thị trường rồi. Có những quan ngại rằng sẽ làm mất cân đối tiền hàng, như vậy lại gây sức ép lạm phát...
Theo tôi, khi có một sự thay đổi thì cũng cần một khoảng thời gian, có độ trễ của nó. Thế nên vấn đề đặt ra là đồng tiền đó phải được bơm vào nhanh chóng và hiệu quả thì mới có tích kích cầu trong năm 2008-2009.
Nếu 1 tỷ USD mà đưa cho một tổ chức nào đó thuộc Nhà nước đứng ra cho vay, thủ tục lại nhiêu khê thì việc giải ngân sẽ chậm. Mà khi giải ngân chậm, lại vào dự án không khả thi thì tác dụng kích cầu không có.
Trong khủng hoảng tài chính 1997-1998, chúng ta cũng đã kích cầu nhưng tiển khai rất chậm, cũng dùng ngân sách, nhưng từ khâu các tỉnh lập dự án, đến khi giải ngân cũng đến cả năm trời. Nếu giải ngân chậm thì chẳng có tác dụng kích cầu gì cả.
Vậy VAFI có ý kiến gì về tiêu chí, cũng như kế hoạch sử dụng khoản tiền này?
VAFI đề xuất những dự án có tiêu chí như trên sẽ đuợc nhà nước bảo lãnh tín dụng từ 20% - 30% trên tổng giá trị hợp đồng cho vay từ các ngân hàng thương mại. Trong phần bảo lãnh tín dụng, nhà nước có thể cấp bù lãi suất cho vay là 3%/ năm cho doanh nghiệp và hàng năm sẽ chuyển cho ngân hàng cho vay.
Vì sao lại giao cho các ngân hàng thương mại? Là vì đưa cho các ngân hàng thương mại, mấy chục tổ chức họ cùng làm thì nhanh hơn. Chậm thì chẳng có tác dụng gì.
Để tiến hành bảo lãnh tín dụng, Chính phủ nên giao cho Ngân hàng Phát triển thực hiện. Vai trò của Ngân hàng Phát triển chỉ thẩm định thủ tục giải ngân, không tiến hành thẩm định lại dự án để nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư nhanh chóng được bơm vào sản xuất.
* Các nhóm dự án VAFI đề xuất Chính phủ bảo lãnh vốn vay:
Xây dựng nhà chung cư cao tầng giá rẻ cho người thu nhập thấp và trung bình, cao ốc văn phòng và khách sạn tại thành phố Hà Nội, Tp.HCM; xây dựng các nhà máy điện, nhà máy nước; xây dựng các dự án làm cầu, làm đường có thu phí; xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển và cảng cạn ở các vùng kinh tế trọng điểm...
( Theo vneconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com