Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo khi Trung Quốc nới tỷ giá

Đồng nhân dân tệ tăng giá khiến sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc phần nào suy giảm nhưng cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp bối rồi với bài toán đầu vào.

Theo ông Lê Bá Hoàng Quang, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô, Giám đốc phía bắc Công ty chứng khoán Sacombank (SBS), sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng đáng kể do tác động tỷ giá.

"Tỷ giá tăng cũng có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đắt lên. Sản phẩm cùng loại của Việt Nam, khi đó, không còn phải cạnh tranh quá quyết liệt về giá với đối thủ này. Trong khi đó, do giá nhân công Trung Quốc đắt lên, Việt Nam cũng sẽ có nhiều hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài".

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lo ngại lương tại Trung Quốc leo thang, nay thêm cú sốc điều chỉnh tỷ giá, họ sẽ cân nhắc hơn khi mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi nhân công giá rẻ vẫn là lợi thế của Việt Nam lâu nay.

Quan điểm này cũng được bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: "Hàng dệt may Việt Nam thường khó cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đồng nhân dân tệ đắt lên, sức cạnh tranh của Trung Quốc giảm đi một chút thì sẽ rất có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam".

Bên cạnh xuất khẩu, nhiều phân tích cho thấy hàng hóa Trung Quốc đắt lên do tác động của quyết định nới lỏng tỷ giá cũng là điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2010 đạt 7,37 tỷ USD, trên tổng giá trị nhập khẩu 31,6 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập siêu của toàn nên kinh tế từ Trung Quốc đã lên tới gần 5,05 tỷ USD, tức là xấp xỉ 90% tổng mức thâm hụt thương mại trong vòng 5 tháng.

Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhập siêu từ Trung Quốc thường chiếm khoảng 70-80% tổng lượng nhập siêu hàng năm của Việt Nam: “Nếu nhập siêu năm nay khoảng 12 tỷ USD như năm 2009 thì nhập siêu từ Trung Quốc cũng nằm trong khoảng 8-9 tỷ USD”, ông Ruệ nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lại lo lắng với động thái mới của Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc xuất siêu lớn sang Việt Nam, cơ cấu hàng đa dạng, nên việc họ điều chỉnh tỷ giá chưa chắc đã là tin vui.

"Cần bóc tách rõ ràng cơ cấu nhập khẩu để thấy được tác động của quyết định này. Với hàng tiêu dùng thì đương nhiên là tốt vì hàng hóa đắt lên sẽ hạn chế nhập khẩu. Nhưng nếu là các nguyên phụ liệu sản xuất, máy móc thì cần đánh giá lại tác động của sự kiện này tới sản xuất. Giá đầu vào cao thì sản phẩm làm ra cũng sẽ bị đắt lên", ông Thành nhận định.

Đang nhập tới 80% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, chế biến gỗ mỹ nghệ là một trong những ngành sản xuất sẽ phải chịu nhiều tác động nếu giá nguyên liệu từ Trung Quốc tăng cao. Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), lượng gỗ nguyên liệu mà các doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc trong năm 2009 là 110 triệu USD, đứng thứ 2 sau Malaysia.

Trong khi đó, chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, Tổng cục Hải quan cho biết lượng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đã lên tới hơn 60 triệu USD. "Sản phẩm của Trung Quốc tăng giá thì hàng Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn. Nhưng nếu giá nguyên liệu nhập từ Trung Quốc cũng tăng thì doanh nghiệp cũng phải thận trọng", ông Nguyễn Văn Vy, Chánh văn phòng HAWA chia sẻ.

Cùng với chế biến gỗ, ngành dệt may cũng đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (giá trị nhập khẩu khoảng 1,13 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trước đây thường nhập nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc chủ yếu là do giá rẻ. "Nếu nguyên liệu của Trung Quốc tăng giá, đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm đến những nguồn cung cấp khác", bà Dung cho biết.

Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Nhân dân tệ tăng giá cũng có thể kích thích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. "Sẽ rất tốt nếu các doanh nghiệp này đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, nếu họ cũng tham gia gia công hàng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt sẽ rất dễ bị cạnh tranh", bà Dung nhận định.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 22/6 nâng tỷ giá giao dịch chính thức giữa đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ thêm 0,43% lên mức 6,7980, đánh dấu lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 7/2005. Một số chuyên gia cho rằng, mức điều chỉnh 0,43% rất nhỏ và cả năm nay Trung Quốc sẽ không dám để đồng nhân dân tệ tăng giá quá 2% bởi sẽ khiến thị trường địa ốc thêm bong bóng và có nguy cơ sụp đổ. Biên độ tăng đó chưa đủ lớn để có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính, thương mại toàn cầu, ngoại trừ những tác động về mặt tâm lý.

(VnExpress)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!