Với ưu thế bảo mật cao hơn, một kế hoạch lớn nhằm chuyển đổi thẻ từ sang công nghệ thẻ chíp đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị. Dẫu thế nhiều ngân hàng chưa sẵn sàng đón nhận vì đối mặt khoản chi lớn, nguy cơ lãng phí.
Thẻ chíp được sử dụng sẽ làm tăng độ an toàn cho khách hàng. Ảnh: Khánh Huyền |
Quá tốn kém
Thông tin chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp mới được NHNN xáo lên, hầu hết cán bộ phụ trách thẻ của các ngân hàng đều cho hay: chưa có kế hoạch chuyển đổi gì.
Trưởng phòng thẻ một trong những ngân hàng có thị phần thẻ lớn chia sẻ: “Phải mất gần ba năm, chúng tôi mới thực hiện được chuyển đổi 200.000 thẻ từ phát hành ra quốc tế sang thẻ chíp theo chuẩn quốc tế. Còn thẻ nội địa sử dụng cho các máy ATM và POS, hiện chưa thể tính đến việc đổi ngay”.
Theo vị này, vấn đề không chỉ là chi phí 2 USD/thẻ bởi nếu vậy là quá rẻ, mà để chuyển đổi được, ngân hàng cần ít nhất năm năm, và tốn gần chục triệu USD cho nâng cấp hệ thống.
Giám đốc kinh doanh thẻ một ngân hàng khác lại nhận định: “Việc đổi thẻ không phải là thay thế toàn bộ ngay một lúc mà chỉ làm cuốn chiếu theo cách thẻ nào hết hạn sẽ thay”. Một số chuyên gia khi được hỏi cũng cho rằng việc chuyển đổi phải tùy thuộc điều kiện từng ngân hàng.
Bản thân NHNN khẳng định, phát hành một thẻ chíp không mất nhiều chi phí. Tuy nhiên, để tiến hành các giao dịch thẻ thông minh, phải nâng cấp hệ thống máy tính, cổng thanh toán để thích ứng với công nghệ mới.
Chi phí này cùng với đào tạo nhân viên là gánh nặng không nhỏ cho các ngân hàng, nhất là những ngân hàng mới tham gia thị trường, chưa thu nhiều lợi nhuận từ kinh doanh thẻ.
“Vấn đề ở chỗ các ngân hàng phải nghiên cứu chọn cho mình phương án có lợi, tiện ích nhất” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu lưu ý.
Thẻ từ |
Cần một lộ trình dài
Ông Ngô Ngọc Đông - Tổng Giám đốc Banknetvn cho biết: “Nếu chúng ta làm được việc chuyển đổi thì đây thực sự là cuộc cách mạng lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa việc chuyển đổi và chi phí bỏ ra”. Theo ông Đông, việc chuyển đổi này cần làm cuốn chiếu từng ngân hàng một.
Phản ứng của khách hàng đối với các dòng thẻ ứng dụng công nghệ chíp của VPBank là rất tích cực, đặc biệt khách hàng thường xuyên đi công tác nước ngoài rất thích sử dụng bởi tính an toàn, bảo mật và hạn mức tín dụng cao. Tôi nghĩ thẻ chíp sẽ rất phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới. - - Bà Dương Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc VPBank |
“Thẻ nội địa hiện tại của các ngân hàng trong nước đều đi lại (chi tiêu) được với nhau. Nếu đầu tư thẻ chíp, để các máy ATM có thể nói chuyện được, bản thân hệ thống chuyển mạch cũng phải nâng cấp. Nếu NHNN đã chấp nhận đứng ra làm đầu mối, bài toán phải tính đó là các ngân hàng phải cùng làm để có một tiêu chuẩn (hệ thống ISO)" - bà Nguyễn Thanh Hằng, Trưởng phòng thẻ Vietcombank nhận xét.
Theo bà Dương Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc VPBank, ngân hàng ứng dụng việc phát hành thẻ chíp theo chuẩn EMV (Europay – Mastercard – Visa) các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…cũng đã có chương trình chuyển đổi sang công nghệ thẻ chíp.
Một thẻ chíp có thể được sử dụng như một thẻ ngân hàng, chứng minh thư, thẻ tín dụng, lưu trữ lượng thông tin rất lớn và được bảo mật (thông tin y tế, bảo hiểm xã hội, thông tin cá nhân).
* Thẻ chíp là loại thẻ nhựa có gắn chip điện tử, khả năng kết nối với máy tính. Loại chíp này cho phép thẻ thực hiện được nhiều lựa chọn thanh toán và dịch vụ với độ an toàn cao, thuận tiện hơn, có khả năng chống gian lận, đặc biệt là chống thẻ giả. Hiện nhiều nước đã dùng thẻ chíp. Nếu không thay thẻ, tội phạm từ các quốc gia bảo mật thẻ cao hơn sẽ dồn sang Việt Nam. Thẻ chíp chịu được độ nóng, ẩm. Tuy nhiên, nhiều chủ thẻ vẫn e ngại về khả năng bị gỉ của con chíp điện tử. * Đến cuối tháng 6/2009, toàn thị trường có 8.800 máy ATM và 28.300 máy cà thẻ (POS). Có 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã phát hành hơn 17 triệu thẻ. Trong số 17 triệu thẻ nội địa hiện nay, đứng đầu bảng là Vietcombank với 3,6 triệu thẻ đã phát hành, Vietinbank có hơn ba triệu thẻ. |
(Theo Khánh Huyền // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com