Báo chí vừa đưa tin, một cán bộ của ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ của các ngân hàng là khoảng 40%, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn của các ngân hàng từ dân cư trung bình chỉ khoảng 11%. Trong lúc đó, ngân hàng Nhà nước vừa giảm hạn mức dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 40 xuống 30%. Tìm đâu ra nguồn để bù đắp sự thiếu hụt do chính sách thay đổi?
Các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân không kể đến cho vay thấu chi và cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng chủ yếu bao gồm cho vay tín chấp, cho vay mua xe ôtô, và cho vay mua nhà; trong đó cho vay mua nhà để ở thông thường chiếm tỷ trọng hơn 50% trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Khoản vay mua nhà để ở có đặc trưng hiển nhiên là khoản vay trung dài hạn, đa số từ 5 – 10 năm. Điều này dễ hiểu bởi lẽ giá trung bình một căn nhà có thể gọi là vừa vặn cho một gia đình cơ bản có hai vợ chồng cũng khoảng 300 triệu đồng, gấp khoảng chín lần so với thu nhập bình quân năm của gia đình đó, với giả định thu nhập bình quân năm của một người bằng với GDP trên đầu người của Việt Nam cuối năm 2008 là 1.000 đôla Mỹ (17 triệu VND).
Rủi ro do huy động “ngắn”, cho vay “dài”
Như vậy, cứ mỗi khoản vay mua nhà để ở được phát sinh mới là gia tăng thêm một khoản vay trung dài hạn.
Tỷ lệ tổng các khoản cho vay trên tổng tiền gửi của Việt Nam là 0,98 theo dữ liệu thống kê của ADB vào tháng 2.2009. Do tỷ lệ này xấp xỉ 1 nên tạm giả định (1) hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thuần tuý chỉ huy động tiền gửi và cho vay, không có bất cứ hoạt động nào khác như đầu tư... và (2) cơ cấu bảng cân đối của ngân hàng với tài sản chỉ bao gồm các khoản cho vay, với nguồn vốn chỉ bao gồm các khoản huy động.
Cơ cấu nguồn huy động với tỷ trọng của tiền gửi ngắn hạn chiếm đa số sẽ khó thể thay đổi, do vậy cơ cấu phần nguồn vốn được cho là đứng yên. Trong khi đó các khoản vay mua nhà để ở tiếp tục tăng làm cho tỷ trọng của khoản vay trung dài hạn trong phần tài sản của ngân hàng cũng tăng tương ứng, giả sử các yếu tố khác không thay đổi. Tài sản ngày càng dài hạn, nguồn vốn ngày càng ngắn hạn, sự chênh lệch về kỳ hạn này càng kéo dài – trong trung dài hạn – sẽ rất dễ dẫn đến rủi ro về thanh khoản có tính hệ thống.
Nói là trong trung dài hạn vì thực chất tuy tỷ trọng nguồn huy động đa số là ngắn hạn, nhưng tính ổn định của việc duy trì các khoản tiền gửi ngắn hạn với hệ thống ngân hàng là rất cao, xác suất thống kê của số dư lõi (tạm dịch từ chữ “core balance”) thông thường trên 80% với độ tin cậy 99%. Con số này nghĩa là 80% trong tổng số các khoản tiền gửi ngắn hạn luôn được duy trì với ngân hàng, lý do có thể là (1) người gửi tiền tiếp tục gửi lại mặc dù kỳ hạn tái tục vẫn là ngắn hạn, và (2) lượng rút ra luôn được bổ sung bởi lượng gửi vào mới, bù trừ cho tiền rút ra.
Tuy nhiên, một khi đã thấy rõ mầm móng của nguy cơ thì cũng phải có hành động phù hợp.
Thay đổi thói quen người gửi tiền?
Hệ thống ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh huy động trung dài hạn, qua việc tăng cường thêm các giá trị gia tăng cho bộ sản phẩm huy động các kỳ hạn trên 12 tháng này. Tuy nhiên sự thành công không đơn thuần từ ý chí riêng của hệ thống ngân hàng, mà phụ thuộc rất nhiều nếu không nói là tất cả vào tâm lý và niềm tin của người gửi tiền, chủ yếu tập trung các kỳ hạn dưới 12 tháng, và điều này đòi hỏi thời gian để thay đổi.
Sự thành công của ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian qua ở Việt Nam cho một cái nhìn khác là nếu sản phẩm tài chính có tính chất huy động tiền gửi dài hạn được cơ cấu tốt, phù hợp thu nhập đại bộ phận người dân Việt, và quan trọng nhất là được kết hợp với một chính sách tiếp thị và bán hàng hiệu quả (đôi khi “quá khích”) sẽ tạo được thành công lớn.
Hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không nhiều những sản phẩm như thế. Nếu chọn sản phẩm có tính chất tiêu biểu trên thị trường ngân hàng Việt Nam hiện nay thì chúng ta thấy có các sản phẩm tích luỹ. Trong đó sản phẩm tiết kiệm tích luỹ vì tương lai là một hình thức tiết kiệm gửi tích cóp hàng tháng để có được khoản tiền lớn như mong đợi trong tương lai, và kết hợp được những đặc tính ưu việt của bảo hiểm và ngân hàng.
Một khi hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng cung cấp các sản phẩm huy động có tính chất kết hợp kể trên và thực hiện trên diện rộng sẽ giúp thay đổi dần tâm lý gửi ngắn của người gửi. Tuy nhiên đây cũng chỉ là kỳ vọng, sự thay đổi không thể diễn ra vào tháng sau hay năm sau được, nó đòi hỏi một quá trình.
Giải pháp cho tương lai: chứng khoán hoá?
Rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng bởi chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản chủ yếu dài hạn và nguồn vốn chủ yếu ngắn hạn đối diện với nhu cầu tín dụng nhà ở ngày càng tăng được mô tả trên đây với bối cảnh Việt Nam là thực tế cũng đã xảy ra ở Mỹ những năm 1970. Người Mỹ giải quyết tình trạng này bằng việc phát hành các chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản vay thế chấp nhà ở (residential mortgage-backed securities, viết tắt RMBS, tạm dịch là chứng khoán khoản vay nhà).
Tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính) cung cấp khoản vay mua nhà để ở cho khách hàng vay – gọi là nhà cung cấp khoản vay – sẽ bán các khoản vay mua nhà để ở cho một công ty có chức năng đặc biệt (special purpose vehicle) và công ty này sẽ tiến hành “đóng gói” hàng ngàn các khoản vay mua nhà để ở này nhóm lại với nhau thành một dạng chứng khoán nợ (trái phiếu) và bán ra cho nhà đầu tư.
Đối với đơn vị cung cấp khoản vay (ngân hàng, công ty tài chính), quá trình chứng khoán như mô tả đã giúp đem ra khỏi bảng cân đối của họ phần tài sản là các khoản vay trung dài hạn, và do đó giải quyết bài toán mất cân đối nguồn vốn đồng thời đảm bảo được nguồn vốn tài trợ cho các khoản vay phát sinh mới cũng như vốn để tài trợ cho các tài sản khác.
Đối với người đi vay thì với sự hiện diện của công cụ chứng khoán hoá các khoản vay như thế này sẽ luôn được đảm bảo về sự sẵn sàng cung ứng vốn cho vay mua nhà để ở từ hệ thống các tổ chức tín dụng mà không lo ngại về các giới hạn, tất nhiên với điều kiện là người đi vay đáp ứng được các tiêu chí xét cấp tín dụng...
Việt Nam có thể xây dựng một mô hình tương tự, nhưng tất nhiên sẽ lựa chọn những hình thức an toàn nhất để thí điểm và thực hiện từng giai đoạn một. Việc thành công trong phát hành chứng khoán khoản vay nhà ở sẽ mở ra một chương mới giải quyết tận gốc rễ tình trạng mất cân đối kỳ hạn trong cơ cấu nguồn vốn, từ đó hỗ trợ đắc lực cho tín dụng nhà ở góp phần thực hiện mục tiêu “người người có nhà”.
(Theo Đàm Thế Thái/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com