Thay đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế là một “nhiệm vụ bất khả thi” ít ra là trong một tương lai gần |
Vị trí thống lĩnh của đồng USD trong quan hệ kinh tế thương mại toàn cầu từ thế chiến thứ hai đến nay có vẻ đang bị thách thức nghiêm trọng bởi những động thái mới của Trung Quốc, và điều đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới mọi hoạt động kinh doanh.
“Đòi hạ bệ” đồng USD
Chỉ một tuần trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) lên tiếng đòi “hạ bệ” đồng USD khỏi ngôi vị đồng tiền dự trữ quan trọng nhất của thế giới. “Cuộc khủng hoảng bùng nổ và lây lan ra toàn thế giới phản ánh tính chất dễ bị tổn thương và những rủi ro mang tính hệ thống cố hữu của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay”, ông Chu viết trên trang web của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 23-3 vừa qua. Đáng chú ý là bình thường ông Chu chỉ viết bằng tiếng Hoa, nhưng lần này bài viết của ông được dịch sang tiếng Anh, dường như muốn hướng tới người đọc ngoài Trung Quốc.
Để tránh sự phụ thuộc hiện nay vào đồng USD, ông Chu đề nghị một “đồng tiền dự trữ siêu quốc gia” không bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của bất kỳ một quốc gia riêng rẽ nào. Tuy không trực tiếp nhắc tới đồng USD, song ông Chu yêu cầu “tạo ra một đồng tiền dự trữ Quốc tế không liên kết với bất kỳ quốc gia nào và có khả năng giữ ổn định lâu dài”. Theo đề nghị của ông, đồng tiền dự trữ quốc tế đó là SDR (Special Drawing Rights) – một đơn vị tiền tệ tổng hợp được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lập ra năm 1969 trên cơ sở giá trị của đồng USD, euro châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật. Hiện SDR chỉ được dùng chủ yếu trong kế toán giữa IMF và các chính phủ thành viên với tổng giá trị chỉ ở mức tương đương 32 tỉ USD.
Thật ra, ý tưởng thay thế đồng USD bằng một đồng tiền quốc tế không phải là mới. Năm 1944 nhà kinh tế học lỗi lạc Maynard Keynes từng đề nghị một loại tiền dựa trên giá trị của một rổ hàng hóa nguyên liệu, gọi là Bancor, nhưng không được hưởng ứng. Sau này nhà kinh tế học Mỹ được giải Nobel Joseph Stiglitz trong cuốn sách “Làm cho toàn cầu hóa hoạt động” (Making Globalisation Work) đã chỉ ra tính chất bất ổn của hệ thống dự trữ bằng đồng USD và đề xuất ý tưởng về “đồng USD toàn cầu” (global greenback). Lãnh đạo các nước Iran, Venezuela và Nga đã nhiều lần gọi đồng USD là “vô giá trị”, từng sử dụng đồng euro để thay thế nhưng không thành công.
Tất nhiên Mỹ là nước đầu tiên phản đối ý định của Trung Quốc. Và hầu như mọi nhà phân tích đều đồng ý rằng, thay đồng USD là một “nhiệm vụ bất khả thi” ít ra là trong một tương lai gần. Để thay thế được vai trò của USD, đồng tiền quốc tế mới phải được chấp nhận trong thương mại toàn cầu, phải được các công ty tư nhân sử dụng và đó là trở ngại hầu như không vượt qua được. “Ấn định tiền tệ (denominate) cho thương mại và đầu tư quốc tế chỉ có thể thực hiện với một đồng tiền cụ thể; để một đồng tiền không cụ thể sắm vai trò đó là một điều không tưởng”, ông Stephen Green, trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered China tại Thượng Hải, nhận xét.
Ẩn ý của Trung Quốc
Thế thì đề nghị của ông Chu có dụng ý gì? Trước tiên, nó cho thấy Trung Quốc không hài lòng với trật tự kinh tế thế giới hiện hành và muốn có một tiếng nói có trọng lượng hơn trong các vấn đề tài chính quốc tế. Chẳng hạn, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đòi gia tăng quyền bỏ phiếu của Trung Quốc trong IMF. Hiện nay theo cơ cấu của IMF, các nước thành viên EU có 32% quyền bỏ phiếu, Mỹ có 17%, trong khi Trung Quốc chỉ có 3,7% và Ấn Độ có 1,9%. Tất nhiên để được tăng quyền bỏ phiếu, Trung Quốc phải bỏ thêm tiền vào IMF. Cùng lúc với đề nghị nói trên của ông Chu, một người phó của ông cũng tiết lộ rằng, Trung Quốc sẵn sàng mua 100 tỉ USD trái phiếu mà IMF sắp phát hành để tăng vốn.
Và song song với việc đòi hỏi một vai trò lớn hơn, Trung Quốc cũng bộc lộ ý định đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ. Đề xuất của ông Chu phát ra sau một loạt sự kiện cho thấy Trung Quốc rất lo lắng trước chính sách tài chính-tiền tệ của Mỹ. Ngày 13-3 Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với báo chí rằng, ông “hơi lo” cho giá trị của kho tiền USD khổng lồ của Trung Quốc nếu đồng USD mất giá. Ngân hàng Standard Chartered dự tính, đến cuối năm ngoái Trung Quốc nắm giữ số trái phiếu và cổ phiếu Mỹ trị giá khoảng 1.450 tỉ USD trong tổng số 1.900 tỉ USD dự trữ ngoại tệ.
Đề nghị táo bạo của ông Chu, nếu được thực hiện, thì một trong những nước bị thiệt hại đầu tiên lại chính là Trung Quốc. Khi đồng USD bị gạt ra khỏi vị trí độc tôn trên thị trường tiền tệ quốc tế, giá trị của nó sẽ sụt giảm; và điều đó có nghĩa là quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng teo lại. Đồng USD yếu đi thì giá trị của đồng nhân dân tệ sẽ tăng, lĩnh vực xuất khẩu đang khốn đốn của Trung Quốc càng thêm mất sức cạnh tranh.
Và, "chính sách vết dấu loang"
Có điều, người Trung Quốc là bậc thầy trong việc thực thi một chiến dịch vết dầu loang, âm thầm mà hiệu quả. Song song với việc tiếp tục đầu tư vào các tài sản tính bằng USD, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách lẳng lặng ký kết những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước trên thế giới, mà mới nhất là thỏa thuận ký với Chính phủ Argentina hôm thứ Hai 30-3. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc và Argentina sẽ trao đổi đồng tiền cho nhau với giá trị khoảng 70 tỉ nhân dân tệ, tức khoảng 10 tỉ USD, để thực hiện thanh toán các hợp đồng thương mại mà không cần qua đồng tiền trung gian là USD. Thỏa thuận này, cùng với những thỏa thuận tương tự mà Trung Quốc đã ký với Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Belarus có tác dụng dần dần nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế. Cho đến nay đồng nhân dân tệ chỉ được sử dụng ở Trung Quốc và hệ thống tài chính của Trung Quốc tương đối biệt lập với dòng lưu chuyển vốn trên toàn cầu. Chính sách đó giúp hệ thống ngân hàng Trung Quốc né tránh được cơn bão tài chính đang diễn ra, đồng thời có khả năng ấn định mức tỷ giá có lợi cho xuất khẩu - yếu tố quan trọng làm nên sự tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc mấy thập niên qua và cũng mang lại cho Trung Quốc những lời phê phán nặng nề từ các đối tác thương mại.
Cuối cùng, theo ông Ben Simpfendorfer thuộc Ngân hàng Hoàng gia Scotland, tính phổ quát của đồng USD được thúc đẩy bởi tập quán chi tiêu phóng túng của người Mỹ; đồng nhân dân tệ sẽ không thể có được tính phổ quát đó nếu người Trung Quốc vẫn ra sức tằn tiện như hiện nay.
(Theo Huỳnh Hoa - Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com