Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng: Ba vấn đề chưa rõ

- Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) với 164 điều, 99 trang, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ trong tháng 6-2009. Dù được đánh giá là một dự luật được soạn thảo khá kỳ công và tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa rõ đối với các TCTD nói chung và với các ngân hàng thương mại nói riêng.

Chưa rõ về giấy phép thành lập và hoạt động

Với rất nhiều điều kiện về vốn, về người sáng lập và quản trị, về hồ sơ, thủ tục chặt chẽ (các điều từ 19-21), nhưng Dự luật mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề là cho phép thành lập TCTD. Còn để đi vào hoạt động, thì TCTD còn phải đáp ứng được ít nhất là 10 nhóm điều kiện khác về vốn, kho tiền, trụ sở, tổ chức, bộ máy, quản lý rủi ro, công nghệ thông tin, quy định quản lý nội bộ... (các điều 24 và 26).

Vị trí đặt quảng cáo

Như vậy sau khi được phép thành lập, TCTD còn phải được NHNN công nhận đã đáp ứng được một loạt các điều kiện khắt khe, phức tạp, thì mới được phép hoạt động. Đó là loại giấy phép “con” không thể thiếu và không hề kém phần quan trọng so với giấy phép “chính”. Điều đó cũng có nghĩa là, thời hạn cấp phép thật sự còn dài hơn nhiều con số “kỷ lục pháp luật” 360 ngày theo điều 22 của Dự luật.

Do đó, thay vì tuyên bố một giấy phép nhưng thực tế lại là hai, thì cần tách giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD thành hai loại là giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng và thực chất. Giấy phép thành lập chỉ là điều kiện ban đầu, làm cơ sở triển khai các điều kiện xin giấy phép hoạt động. Với việc cấp hai giấy phép này sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, phức tạp, rắc rối, nhưng như thế mới đúng với bản chất của vấn đề.

Đặc biệt cùng với đó là việc cần thay đổi quy định thu lệ phí cấp phép tại điều 23 theo hai giai đoạn, trong đó phần chủ yếu của lệ phí chỉ phải nộp sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động. Còn nếu với quy định cấp chung một giấy phép thành lập và hoạt động như hiện nay, sẽ là điều không thể chấp nhận được, nếu phải nộp lệ phí cấp phép tối thiểu lên tới 30 tỉ đồng (1% của mức vốn pháp định 3.000 tỉ đồng vào năm 2010 theo quy định hiện hành của Chính phủ), sau đó vì một lý do nào đó mà TCTD không đủ điều kiện khai trương hoạt động.

Chưa rõ về phạm vi được phép hoạt động

Khoản 2, điều 90 của Dự luật về Phạm vi hoạt động được phép của TCTD quy định: “TCTD không được phép tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác quy định trong giấy phép do NHNN cấp cho TCTD”. Như vậy, là hoạt động của các TCTD phải đúng với từng từ, từng chữ ghi trong giấy phép thành lập và hoạt động. Không rõ tại sao lại phải quy định quá chặt, quá khắt khe như vậy.

Đồng ý là TCTD không được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm như đối với các doanh nghiệp thông thường khác. Nhưng cũng không thể chấp nhận quy định: TCTD chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép như đối với NHNN và các cơ quan nhà nước. Quy định quá cứng này sẽ làm nảy sinh nhiều vướng mắc, bất hợp lý. Khó có thể đồng tình với lý lẽ: Không thể cho phép các TCTD được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, vì chưa thể đưa ra được hết những điều cấm, do sản phẩm dịch vụ ngân hàng quá nhiều và biến đổi liên tục. Như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không thể ghi trong giấy phép đầy đủ, cụ thể, chi tiết các hoạt động của TCTD. Và cơ quan quản lý sẽ tất bật “chạy theo” sự vụ sửa đổi, bổ sung giấy phép để giải quyết đòi hỏi yêu cầu kinh doanh hàng ngày của hàng trăm TCTD. Tất nhiên là khó tránh khỏi cơ chế xin cho tất yếu sẽ xảy ra.

Do vậy, cần đưa ra một giải pháp mới, theo hướng: TCTD được thực hiện các hoạt động kinh doanh đã được pháp luật cho phép hoặc không cấm, đồng thời phải được sự cho phép của NHNN trong trường hợp có quy định của pháp luật. Theo đó, nội dung giấy phép hoàn toàn không cần đưa cụ thể mọi nội dung được phép hoạt động, vừa thừa lại vừa thiếu như hiện nay. Ví dụ, sẽ không có ý nghĩa gì khi đưa vào giấy phép những câu chép nguyên văn Luật các TCTD như: “Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế theo quy định của pháp luật”, vì như vậy hoàn toàn không biết TCTD đã được hay chưa được thực hiện dịch vụ này. Do đó giấy phép chỉ cần nêu các đề mục lớn, ví dụ như: “Nhận tiền gửi”, “Cấp tín dụng”, “Cung ứng dịch vụ thanh toán”... còn cụ thể là những gì và được làm như thế nào, thì đã có các quy định của Luật, nghị định, thông tư và các giấy phép “con”.

Chưa rõ về nhiều nội dung cốt yếu khác

Còn nhiều nội dung cơ bản, cốt lõi, quan trọng chưa rõ, chưa biết phải trái thế nào, vì bị bỏ ngỏ hoàn toàn hoặc một phần như:

- Không biết điều kiện thế nào để có thể trở thành cổ đông sáng lập ngân hàng, mà chỉ biết chắc chắn là khác xa so với Luật Doanh nghiệp;

- Không biết mức vốn pháp định sẽ lên xuống, tăng giảm thế nào để thành lập các TCTD mới cũng như để hoạch định chiến lược phát triển của các TCTD cũ;

- Không biết TCTD có được phát hành trái phiếu thông thường như lâu nay vẫn làm hay không, vì Dự luật chỉ nhắc đến “trái phiếu chuyển đổi” và “chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu” (các điều 59, 63, 92 và 98); trong khi Luật các TCTD hiện hành quy định rõ việc được phát hành trái phiếu;

- Không biết hợp đồng tín dụng có bắt buộc phải gắn liền với mục đích vay vốn sản xuất kinh doanh như luật hiện hành hay không. Nếu vẫn đòi hỏi, thì không thể bỏ ngỏ hoàn toàn như Dự thảo;

- Không biết “Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng” bị cấm vay vốn là ai (điều 127 về Hạn chế cấp tín dụng) vì trên thực tế đang bị hiểu theo quá nhiều cách khác nhau: “Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng” đối với chính khoản tín dụng đó, hay là người thuộc phòng nghiệp vụ cấp tín dụng hay là người thuộc chi nhánh của TCTD hay là người trong TCTD hay là người đảm nhiệm công việc này trong tất cả các TCTD;

- Không biết việc “đảo nợ” theo Luật các TCTD hiện hành sẽ bị cấm hay được làm có điều kiện, vì không hề được nhắc đến ở Dự luật mới;

- Không biết tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của TCTD là bao nhiêu (điều 130). Trong khi đó, điều 146 lại quy định rất cụ thể một trong những trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt là: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu thấp hơn 4%;

- Không rõ tại sao lại “cấm tiệt” việc ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trong khi để thoái mái suốt nhiều năm và hiện nay đang khống chế tỷ lệ cho vay không quá 20% vốn điều lệ;...

Tất cả những nội dung như trên cần phải được quy định một cách cụ thể, rõ ràng; phải được chỉ rõ là cấm đoán hay được phép. Nên đưa ra các giới hạn, các điều kiện chặt chẽ để khống chế hợp lý, thay vì cấm đoán một cách tràn lan, không thật sự cần thiết, cứ khó quản là cấm. Những vấn đề “nhường”cho văn bản dưới luật, thì cũng phải được đề cập đến về mặt nguyên tắc để có đủ cơ sở pháp lý sau này.

(Theo Luật sư Trương Thanh Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Standard Chartered: Lạm phát ở Việt Nam không phải là mối đe dọa lớn
  • Khủng hoảng tài chính và ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á
  • Quan điểm của ADB: Việt Nam nên sớm kết thúc kích cầu
  • ANZ: Rủi ro kinh tế của Việt Nam đã giảm
  • Làm gì để doanh nghiệp không găm giữ USD?
  • Các ngân hàng TMCP: Lãi từ đâu ?
  • 6 tháng cuối năm: Ngành Ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng 25-27%
  • FDI trên thế giới sẽ phục hồi trong năm 2010 và tăng mạnh trong năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!