Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giảm nợ phi sản xuất, lực bất tòng tâm

Với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ năm 2011 dưới 20% được áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời giảm tín dụng phi sản xuất về tỷ lệ 22% trước ngày 30/6 và xuống 16% vào cuối năm nay, các nhà băng đang từng bước thương lượng với khách hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, không ít ngân hàng nhỏ và vừa cho biết, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng khó có thể về kịp thời hạn cho phép.

Trong nội dung Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành đầu tháng 3/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có đến 24 ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất chiếm từ 26% trở lên trên tổng dư nợ. Vì thế, các nhà băng này phải bằng mọi cách đưa về mức 22% trước ngày 30/6. Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, không ít ngân hàng cho biết khó có thể theo kịp hạn định.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần nhỏ cho rằng: "Mục tiêu giảm tín dụng phi sản xuất về tỷ lệ 22% vào cuối tháng 6/2011 và đến cuối năm nay là 16% đối với chúng tôi là tương đối cao mà chỉ được thực hiện trong thời gian cực ngắn". Trên thực tế, ngân hàng này đã ngừng hẳn việc cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất kể từ giữa tháng 3 vừa qua, đồng thời từng bước thương lượng với khách hàng để thu hồi nợ trước hạn cũng như cơ cấu lại nợ vay, nhưng do tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất chiếm đến 44% trên tổng dư nợ, nên rất khó giảm về 22% kịp ngày 30/6.

Một trong những lý do được các ngân hàng vừa và nhỏ đưa ra là do các khoản nợ cho vay ở lĩnh vực này thường trung và dài hạn. Trong khi đó, thời gian NHNN cho phép giảm tỷ lệ dư nợ chỉ có 3 tháng. Vì thế, các nhà băng muốn được Thống đốc NHNN cho thêm thời gian thực hiện. Hiện để có thể đáp ứng được yêu cầu giảm tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, không ít ngân hàng đã dùng thủ thuật đẩy mạnh vốn vào khu vực sản xuất - kinh doanh, khối DNVVN để nâng tổng dư nợ; từ đó, giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất xuống. Tuy nhiên, trước áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức cao hiện nay, tín dụng cũng khó tăng trưởng.

Tổng giám đốc DaiA Bank, ông Lê Huy Dũng cho biết, Ngân hàng đang cố gắng kéo tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất về 22%. Theo ông Dũng, ngay từ khi Chỉ thị 01 được ban hành, DaiA Bank đã dừng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Đồng thời, cơ cấu lại nợ vay và thương lượng với khách hàng để thu hồi nợ trước hạn. Song ông Dũng cho rằng, khó có thể về kịp đích trước ngày 30/6. Bởi dù đã nỗ lực, nhưng tính đến thời điểm này, DaiA Bank chỉ mới giảm được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất từ hơn 34% trên tổng dư nợ xuống còn 26 - 27%.

Còn theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HDBank, sau một thời gian cơ cấu lại nợ vay, từng bước thu hồi nợ cũ, hiện Ngân hàng đang nỗ lực để đưa tỷ trọng dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất về tỷ lệ cho phép của NHNN ở mức 22%. Tuy nhiên, DaiA Bank và HDBank còn là những đơn vị có tỷ trọng cho vay phi sản xuất ở mức thấp. Trên thực tế, có những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay trong khu vực này chiếm tới 40 - 50% tổng dư nợ. Việc gấp rút thu hồi nợ vay có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực giải chấp làm TTCK sụt giảm mạnh mấy phiên gần đây. Bởi so với bất động sản, tín dụng cho vay cầm cố thường ngắn hạn và khoản vay nhỏ hơn nên thu hồi nợ nhanh hơn.

Để đốc thúc các NHTM trong việc thực hiện Chỉ thị 01, vào đầu tuần này, NHNN tiếp tục có văn bản số 3976/NHNN- CSTT về việc kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2011. Công văn nhận định, bên cạnh hầu hết TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, giảm tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất, thì vẫn còn một số đơn vị xây dựng kế hoạch cao hơn mức này. Vì vậy, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt năm 2011. Bên cạnh đó, các nhà băng phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện việc thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện không đúng quy định của Chính phủ và NHNN về kiểm soát tăng trưởng tín dụng 20% trong suốt cả năm 2011.

Đối với dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, trước đó Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện giảm tỷ trọng cho vay và gửi báo cáo cho vay về Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN chậm nhất vào ngày 12/7 tới.  Trong trường hợp các ngân hàng chưa giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất theo đúng lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!