Giá USD tăng, chưa biết doanh nghiệp xuất khẩu mừng thế nào, vì họ cũng là những nhà nhập khẩu lớn, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu thì thiệt hại thấy rõ. Ít nhất, họ phải chi thêm khoảng gần 10% tiền Việt để mua một lượng hàng hóa tương tự.
Tất nhiên, câu chuyện giá cả hàng hóa ngoài thị trường “chưa gì đã tăng” không hẳn là do tỷ giá tăng, mà phần lớn là do yếu tố tâm lý, do “té nước theo mưa”. Nhưng với độ trễ chính sách, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ thực sự tăng trong một vài tháng tới, khi các đơn hàng mới cập cảng.
Khó có thể lập luận rằng, vốn dĩ doanh nghiệp đã phải chịu giá USD cao như vậy rồi, nên chuyện Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá liên ngân hàng không ảnh hưởng nhiều tới họ và cũng ít ảnh hưởng tới lạm phát. Thực tế là, một khi giá USD chợ đen vẫn chênh lệch lớn với USD trong ngân hàng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi vì tỷ giá.
Tỷ giá tăng cũng tất yếu tác động tới lạm phát. Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, việc tỷ giá tăng 9,3% như vừa qua sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng lên khoảng 2,3-2,4%. Rõ ràng, đây là một mức tác động không hề nhỏ.
Trên một khía cạnh khác, việc tỷ giá tăng, ít nhất trong thời điểm đầu tiên sẽ tác động lớn tới thị trường ngoại hối. Bằng chứng là giá USD đã tăng từng ngày. Giá vàng cũng tương tự, phần do giá thị trường thế giới tăng chóng mặt, phần do cộng hưởng bởi tỷ giá chợ đen đứng ở mức cao, giá vàng trong cuối tuần qua đã lên tới 38,5 triệu đồng/lượng, vượt cả mức kỷ lục hồi tháng 11 năm ngoái.
Đương nhiên, khó tránh khỏi những bất ổn định trong những ngày đầu quyết định điều chỉnh tỷ giá có hiệu lực. Điều này phần nhiều do yếu tố tâm lý, do kỳ vọng sự tăng giá tiếp tục của đồng USD của người dân. Chuyện ảnh hưởng tới lạm phát cũng là khó tránh khỏi. Vấn đề là, làm sao để hạn chế thấp nhất những hệ lụy tới nền kinh tế? Làm sao để ổn định thị trường ngoại hối và thị trường vàng?
Hơn một lần, các chuyên gia kinh tế đã nhắc tới câu chuyện có những quyết định đưa ra nhưng lại không có giải pháp đi kèm để giải quyết hệ lụy. Để tránh những vết xe đổ như đã từng, có lẽ, cần những giải pháp mạnh và đồng bộ, mang tính tổng thể, bao gồm cả tiền tệ, tài khóa, thương mại... Không thể giải quyết các bất ổn vĩ mô của nền kinh tế chỉ bằng một hay vài ba giải pháp đơn lẻ. Phải làm sao để quyết định tăng tỷ giá thực sự có ý nghĩa.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com