“Nút thắt” Thông tư 13 đã được “cởi” bằng Thông tư 19 thông qua việc nới lỏng tỷ lệ nguồn vốn cho các Ngân hàng Thương mại (NHTM). Các cơ quan quản lý hy vọng với việc điều chỉnh linh hoạt này, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm. Tuy nhiên, thời điểm này, kỳ vọng chưa có tín hiệu khả quan, bất chấp cả việc Hiệp hội Ngân hàng lại một lần nữa kêu gọi các thành viên hạ lãi suất.
Lãi suất thậm chí còn tăng
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề của Thông tư 19, mặc dù Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã “làm tất cả những gì cần phải làm”, mà đầu tiên là tháo gỡ trở ngại tại Thông tư 13, thông qua việc ban hành Thông tư 19, đó là những sửa đổi dựa trên tình hình thực tế, và rằng đó là những việc làm cần thiết nhất để giúp hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất huy động mới giảm ở một vài ngân hàng, trong khi đó một số ngân hàng lớn, thậm chí lãi suất không giảm mà còn tăng. Theo tính toán của một lãnh đạo ngân hàng, với sự bổ sung các khoản vào nguồn vốn huy động theo Thông tư 19 thì số vốn cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động chỉ tăng thêm khoảng 4 – 5% so cách tính của Thông tư 13, “một tỷ lệ chẳng đáng là bao”. Vì vậy khả năng tăng khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng là không được như kỳ vọng.
Mới đây nhất, sau khi NHNN cởi trói bằng Thông tư 19 với hy vọng hạ được mặt bằng lãi suất, tuy nhiên tính đến thời điểm này không có nhiều NHTM triển khai được việc hạ lãi suất. Ngân hàng TMCP Đại Á đã giảm lãi suất huy động đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường và “tiền gửi tiết kiệm siêu linh hoạt” ở cả hai loại tiền gửi VND và USD. Trong khi đó lãi suất huy động lẫn cho vay ở mức cao từ 11,2% - 16%/năm... vẫn được nhiều ngân hàng áp dụng. Theo ghi nhận, tốc độ hạ lãi suất trong tháng 9 khá chậm. Lãi suất huy động bình quân cuối tháng 8 là 10,6%, cuối tháng 9 bình quân 10,59%, chỉ giảm được 0,01% khiến lãi suất cho vay khó giảm.
Vẫn nhiều nút thắt cần được mở
Lãnh đạo cao nhất của NHNN đã lý giải rất nhiều nguyên nhân khiến lãi suất chưa thể giảm. Thống đốc cho rằng: Có tác động rất mạnh từ thị trường trái phiếu. Chưa bao giờ lượng trái phiếu được phát hành nhanh và lớn như trong năm qua, thu hút vốn từ các NHTM lên tới 48.000 tỉ đồng, với lãi suất rất cao. Lượng phát hành trên tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước tới 5-6 lần. Nếu năm trước phát hành 3.000-4.000 tỉ đồng, các ngân hàng huy động không có đầu ra buộc phải hạ lãi suất để cho vay, thì năm nay lại khác. Lãi suất trái phiếu cao, trở thành nơi kinh doanh an toàn của các ngân hàng, họ kinh doanh có lãi nên họ cũng không cần phải hạ lãi suất để cho vay.
Đó là còn chưa nói đến chuyện đặt ra vấn đề hạ lãi suất vào thời điểm này không thuận lợi do từ nay đến cuối năm thị trường tiền tệ, huy động vốn của các NHTM gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm rất lớn. Do đó, không ít các chuyên gia nhận định việc giảm dần lãi suất huy động và cho vay sẽ khó thực hiện được.
Trong khi đó, một lý do khác cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế “mổ xẻ” đó là tác động của chỉ số giá tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả) nhận định: việc CPI tháng 9 tăng ở mức 1,31%, đưa CPI của 9 tháng đầu năm tăng 8,64% so với cùng kỳ đã tạo ra tâm lý lo ngại không tốt về lạm phát. Đồng thời với một loạt những diễn biến của thị trường tiền tệ như: Sự tăng lên của lãi suất USD và tỷ giá hối đoái, giá vàng lên đỉnh tới 31,6 triệu đồng/lạng... cũng gián tiếp khiến lãi suất chưa thể hạ nhiệt. Vì thế, rõ ràng việc cởi trói của Thông tư 19 chưa đủ “lực” để át đi tâm lý về lạm phát.
Đưa ra một cách nhìn lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn V-Capital cho rằng, việc chỉnh sửa một số điểm tại Thông tư 13 là phù hợp với điều kiện hiện nay, mặc dù vậy mới chỉ giúp các ngân hàng nhỏ bớt khó khăn chứ không khiến tín dụng tăng lên làm cơ sở cho việc hạ lãi suất.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com