Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hỗ trợ vốn trung dài hạn: khó từ hai phía

Ảnh minh họa: Lê Toàn

Không như gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động được nhiều doanh nghiệp quan tâm và số vốn giải ngân tính đến cuối tuần qua đã được gần 400.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn được triển khai chỉ hai tháng sau gói thứ nhất nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh lại không được chú ý nhiều. Việc chậm giải ngân nguồn vốn này do cả hai phía: doanh nghiệp và ngân hàng.

Doanh nghiệp: thiếu tầm nhìn hay chưa mặn mà?

Trong buổi hội thảo về cơ hội sau khủng hoảng kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam do Công ty Quản lý quỹ VFM tổ chức vào tuần trước, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết ông đã làm việc với khá nhiều ngân hàng và điều đáng buồn là rất ít doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất trung dài hạn.


Ông nói, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng gói kích cầu về hỗ trợ lãi suất trung dài hạn của Chính phủ để tự tái cấu trúc và phát triển hoạt động kinh doanh. “Doanh nghiệp không có dự án để vay chứ không phải ngân hàng không có tiền”, ông Lịch phát biểu.


Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng năng lực lập dự án phát triển trong tầm nhìn trung và dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam đang có vấn đề, vì vậy họ không thể tận dụng được sự hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tìm kiếm thị trường.


Vấn đề này, được các ngân hàng, là người trực tiếp thẩm định các dự án xin vay vốn trung dài hạn của doanh nghiệp, thừa nhận.


Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt, cho biết vốn hỗ trợ lãi suất trung dài hạn của ngân hàng được giải ngân rất thấp và một trong những lý do là các dự án từ phía doanh nghiệp đưa lên chưa thuyết phục được ngân hàng.


“Một điều kiện cơ bản khi lập dự án để vay vốn ngân hàng là phải lập dự toán với khoản thu là tối thiểu và chi phải là tối đa. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều làm ngược lại, ước lượng khoản thu là tối đa và khoản chi là tối thiểu”, ông Hưởng nói.


Ông cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp thuê đơn vị bên ngoài lập dự án cho mình và đôi khi người chủ doanh nghiệp không thể trả lời được những câu hỏi liên quan đến dự án. Như vậy, ngân hàng khó có thể chấp nhận tài trợ vốn.


Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lý giải về việc chậm giải ngân nguồn vốn trung dài hạn là do trong bối cảnh kinh tế suy giảm, việc sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp chỉ nhắm đến mục tiêu là cố gắng để tồn tại; sau đó, khi tình hình kinh tế khá lên, hoạt động kinh doanh ổn định thì doanh nghiệp mới có thể nghĩ đến vấn đề đầu tư mở rộng.


Ông Nguyễn Chiến Thắng, Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM, cũng thừa nhận năng lực lập dự án dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam kể cả doanh nghiệp lớn cũng đang rất hạn chế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là doanh nghiệp phải có đầu ra tương đối ổn định thì mới dám đầu tư mở rộng.

 

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, việc sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp chỉ nhắm đến mục tiêu là cố gắng để tồn tại; sau đó, khi tình hình kinh tế khá lên, hoạt động kinh doanh ổn định thì doanh nghiệp mới có thể nghĩ đến vấn đề đầu tư mở rộng.

“Nếu có đơn hàng nhiều thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng bây giờ thị trường còn bấp bênh thì ai dám đầu tư thêm, mà đưa ra dự án dựa trên nền thị trường tiêu thụ chưa ổn định thì làm sao thuyết phục được ngân hàng”, ông Thắng nói.

Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết doanh nghiệp hiện chủ yếu tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động chứ nhu cầu đầu tư mới là không lớn trong tình hình hiện nay. Ông cũng nói, nhiều người cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư thêm máy móc thiết bị vì giá đang rẻ nhưng vừa rồi ông cùng đoàn của Bộ Công Thương đi một số nước châu Á, châu Âu thì thấy giá máy móc dành cho ngành nhựa chẳng rẻ hơn bao nhiêu so với trước.


Cùng ý kiến như trên, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình, cho biết các doanh nghiệp đều nhìn ra được vấn đề là phải đầu tư để phát triển trong dài hạn, nhưng họ phải cân nhắc hiệu quả của dự án nếu đầu tư trong năm nay so với đầu tư trong năm sau sẽ như thế nào. Hơn nữa, 30% vốn của dự án cũng phải do doanh nghiệp bỏ ra chứ không hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng.


“Doanh nghiệp phải cân đo, đong đếm rất kỹ về thị trường trong tương lai, về nguồn vốn và năng lực của mình trước khi quyết định lập dự án đầu tư”, ông Thanh nói.


Chính vì thế, vốn hỗ trợ lãi suất trung dài hạn chỉ tập trung vào các dự án đang thực hiện dang dở của doanh nghiệp chứ không có dự án mới. Hiện vốn hỗ trợ lãi suất trung dài hạn chỉ chiếm 5% tổng vốn hỗ trợ lãi suất đã giải ngân tại An Bình, ông Thanh cho biết.


Ngân hàng: khó về hiệu quả đồng vốn


Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có động thái chấn chỉnh việc cho vay trung dài hạn khi hạ tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% và các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ trên vào đầu năm 2010. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đang sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ cao hơn mức 30%. Vì thế, ngân hàng buộc phải chọn lọc hơn, và cân nhắc hơn khi chấp thuận tài trợ cho các dự án vay vốn trung dài hạn.


Ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết hiện Ngân hàng Liên Việt cũng đang tập trung cơ cấu lại việc huy động và cho vay trung dài hạn nên cũng hạn chế cho vay các dự án này.


Một điều được các ngân hàng đề cập đến là lãi suất huy động vốn trung dài hạn cao hơn lãi suất huy động ngắn hạn, trong khi lãi suất cho vay trung dài hạn cũng bị khống chế ở mức trần là 10,5%/năm như cho vay ngắn hạn. Đa số các ngân hàng của Việt Nam có nguồn thu chủ yếu là từ hoạt động tín dụng, vì thế nếu hoạt động cho vay không đem về lợi nhuận thì khó khuyến khích các ngân hàng giải ngân.


Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ cho biết ngân hàng ông không muốn cho vay trung dài hạn vì không có lời nên chỉ tập trung cho vay vốn lưu động. Ông khẳng định không riêng ngân hàng ông mà nhiều ngân hàng khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự vì tính hiệu quả của đồng vốn bỏ ra để cho vay trung dài hạn.


Các ngân hàng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại quy định về mức lãi suất trần trong cho vay, và đã đến lúc nên có sự phân biệt giữa lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn.

 

(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Gói hỗ trợ lãi suất: "Đệm" thế nào cho... êm ?
  • Cơ hội cho ngân hàng từ khủng hoảng tài chính
  • Bình luận: Một năm sau “cơn địa chấn” từ phố Wall: Trọng bệnh chưa qua
  • Hỗ trợ lãi suất: Cần thực tế hơn
  • Hy vọng sự đảo chiều của dòng vốn FDI
  • Năm 2009, nguồn vốn FDI toàn cầu giảm mạnh
  • ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2009
  • Trái phiếu Chính phủ: 6 hạn chế và 8 giải pháp phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!