Kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010 đã không thể thực hiện được.
Việc hoãn hạn chót tăng vốn là điều không thể tránh khỏi, thị trường chứng khoán, theo đó, “quẳng” được sức ép trong ngắn hạn, nhưng...
Gia hạn tăng vốn điều lệ - chuyện chẳng đừng
Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước đã phải gia hạn việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại thêm một năm, một diễn biến quen thuộc và chẳng gây quá nhiều bất ngờ nếu theo dõi thường xuyên những động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Cho đến thời điểm có quyết định gia hạn, có khoảng 17 trên tổng số hơn 40 ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141. Mặc dù lộ trình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận ngay từ cuối tháng 9, vẫn có khá nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện kế hoạch gặp nhiều khó khăn ở một số ngân hàng.
Để tăng vốn điều lệ, các ngân hàng chủ yếu huy động từ 3 nguồn chính: phát hành ra công chúng qua thị trường chứng khoán, phát hành cho các cổ đông hiện hữu và phát hành cho các cổ đông chiến lược nước ngoài.
Tuy nhiên, bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước khiến thị trường chứng khoán trong năm trồi sụt và ảm đạm, các cổ đông hiện hữu là các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng lớn của nhà nước bị hạn chế góp vốn cho các hoạt động ngoài lĩnh vực chính, thậm chí còn bị yêu cầu thoái vốn từ các tổ chức tài chính, trong khi kinh tế thế giới phục hồi chậm lại khiến sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà.
Các nguồn huy động này còn đặc biệt khó khăn hơn nữa đối với các ngân hàng nhỏ, chưa có thương hiệu và còn đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Ước tính còn khoảng 10 nghìn tỷ đồng mà các ngân hàng này cần phải huy động thêm nếu muốn thực hiện đúng quy định, điều mà khó có thể hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2010.
Rõ ràng, việc giãn thời gian tăng vốn điều lệ là không thể tránh khỏi, nếu Ngân hàng Nhà nước không muốn những biến động khó kiểm soát trong hệ thống tài chính trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước năm 2010 vẫn chưa ổn định.
Ví dụ, ở thời điểm hiện tại, việc sát nhập những ngân hàng nhỏ và năng lực điều hành kém có thể sẽ là giải pháp mang lại nhiều xáo trộn, Ngân hàng Nhà nước khó giám sát phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro.
Ngắn hạn hưởng lợi
Tác động dễ thấy nhất của quyết định gia hạn trên thị trường chứng khoán là do không còn áp lực tăng vốn, hiện tượng phát hành ồ ạt thêm cổ phiếu hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu của các ngân hàng và áp lực bán tháo cổ phiếu ngân hàng để cổ đông có tiền cho những đợt tăng vốn sẽ không còn.
Ngoài ra, những dòng vốn từ công chúng hay cổ đông hiện hữu, thay vì phải được huy động vào hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ, thì nay có thể tìm đến thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Cộng với tâm lý không còn quá bi quan với cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ hưởng lợi từ việc hoãn hạn chót tăng vốn.
Mặc dù các ngân hàng vẫn phải tăng vốn cho đến 31/12/2011, nhưng với số vốn bổ sung thêm chỉ còn 10 nghìn tỷ đồng, hiện tượng cổ phiếu ngành ngân hàng bị pha loãng có thể sẽ không tái diễn, khi các ngân hàng có tới một năm để thu xếp các nguồn vốn cần thiết, trong kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể không còn quá thắt chặt vào quý 2 năm 2011.
Trong khi đó, các ngân hàng quy mô nhỏ có thể quẳng gánh lo tăng vốn điều lệ trong ngắn hạn để tập trung khả năng và nguồn lực để giải quyết những vấn đề nội tại như đảm bảo các điều kiện an toàn theo Thông tư 13, đảm bảo thanh khoản cho thời điểm cuối năm và giáp Tết, hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng và lợi nhuận và củng cố khả năng cạnh tranh trong bối cảnh lãi suất gia tăng.
Một phần nguồn tiền của các cổ đông hiện hữu, bên cạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán, cũng có thể tìm đến hệ thống ngân hàng như những khoản đầu tư tiết kiệm, và theo đó, sức ép thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm của hệ thống sẽ được giảm nhẹ, cuộc đua lãi suất có thể vì thế mà bớt đi căng thẳng.
Dài hạn khó khăn
Tuy nhiên, việc hoãn tăng vốn điều lệ đến một năm có thể phải trả giá trong dài hạn. Không phải vô cớ mà Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, và có lộ trình tăng lên 5 nghìn tỷ (năm 2012) và 10 nghìn tỷ (năm 2015).
Một hệ thống tài chính gồm quá nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu luôn là một rủi ro đến an toàn hệ thống. Những hiện tượng như cuộc đua lãi suất bắt nguồn từ những ngân hàng nhỏ do tình trạng khát vốn, cho vay lãi suất cao trong khi khả năng quản trị điều hành kém, vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay dài hạn và đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao... là những ví dụ cho thấy việc tồn tại song song những ngân hàng có quy mô khác biệt lớn có thể gây bất ổn đến hệ thống như thế nào.
Việc trì hoãn tăng vốn trong vòng 1 năm tới cũng đồng nghĩa với việc những hiện tượng trên nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tái diễn, và theo đó, nỗ lực giảm lãi suất và bình ổn thị trường vốn sẽ còn gặp rất nhiều cam go.
Ngoài ra, quy định hệ số an toàn vốn CAR trong Thông tư 13 sẽ tiếp tục là cản trở các ngân hàng không thể tăng mạnh được tài sản đã điều chỉnh rủi ro, nếu phần tử số - vốn tự có - vẫn ở quy mô thấp.
Do đó, mức lãi suất đầu ra ở các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nhỏ, sẽ tiếp tục gặp khó trong quá trình điều chỉnh giảm. Hơn nữa, động thái gia hạn thêm với thời gian tương đối dài là không cần thiết, khi các ngân hàng nhỏ đã có rất nhiều nỗ lực để tăng vốn điều lệ trong suốt năm qua, và số vốn mà các ngân hàng còn thiếu thực ra không quá lớn, nếu có với quy mô và khả năng của cả hệ thống tài chính.
Và cuối cùng nhưng chắc chắn chưa phải là hồi kết, những quan ngại “kinh niên” về tính nhất quán và hiệu lực của các quy định hay chính sách của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ám ảnh thị trường. Niềm tin, điều tối quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ có hiệu quả và theo đó ảnh hưởng đến ổn định trong dài hạn, vẫn tiếp tục là điều phải chờ đợi.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com