Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

HSBC: Hạ lãi suất không tác động đến lạm phát

Bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3 năm 2012 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đánh giá: Lạm phát vẫn tiếp tục là mối lo ngại của các nước Châu Á vào cuối năm nay, tuy nhiên tình hình tại Việt Nam gần như đang diễn biến theo một chiều hướng khác.

 
Sau đợt tăng nhanh năm ngoái, áp lực giá cả đang dần hạ nhiệt trong bối cảnh nhu cầu giảm dần và tăng trưởng tín dụng xuống thấp. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định cắt giảm lãi suất thêm 1%. Việc giảm lãi suất đã được tính hết vào giá vốn trên thị trường nhưng câu hỏi đặt ra là liệu động thái này có làm tăng áp lực lạm phát và làm mất ổn định tiền đồng Việt Nam hay không? Việc giảm các mức lãi suất cơ bản vào thời điểm hiện tại là còn khá sớm trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, tuy nhiên việc cắt giảm này khó có khả năng thay đổi xu hướng giảm dần của lạm phát tại Việt Nam hiện nay.

Tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 21.500 vào cuối năm

Dựa trên phân tích về chính sách tiền tệ tại Việt Nam của ngân hàng HSBC, việc hạ lãi suất không phải là điều ngạc nhiên. NHNN thực thi chính sách tiền tệ chủ yếu thông qua hai cách: 1) theo dõi tỷ lệ lạm phát cơ bản để xác định lãi suất cơ bản 2) sử dụng các biện pháp hành chính như một công cụ cơ bản nhắm đến lạm phát. Lạm phát cơ bản đã hạ nhiệt so với đỉnh điểm 15,2% vào tháng 8.2011 (chỉ số so sánh theo năm) xuống còn 12,7% vào tháng 2. Lạm phát toàn phần và  lạm phát cơ bản đều đã giảm xuống cộng với sự ổn định của đồng nội tệ chính là điều kiện thuận lợi cho NHNN cắt giảm lãi suất.

Mặc dù đã cắt giảm lãi suất nhưng lạm phát nên tiếp tục được kìm hãm xuống còn một chữ số từ nay cho đến cuối năm vì ba lý do: nhu cầu trong nước giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và mức giá cả phù hợp. Hiện tượng lạm phát tăng kéo dài trong năm 2011 đã khiến người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu trong năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát năm 2011 tăng nhanh là cơ sở cho việc lạm phát năm nay không thể tăng cao hơn thế. Nếu giá dầu không tăng quá 140 đô la một thùng, chúng tôi tin rằng việc tăng giá xăng này sẽ không có ảnh hưởng gì đến lạm phát 2012.

Các chuyên gia của HSBC cho biết, có nhiều lý do để chúng ta phải lo ngại về vấn đề tiền tệ như: lạm phát hai con số, lãi suất thực âm và thâm hụt thương mại quá lớn. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang có những chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này vẫn chưa thể kết luận những rủi ro đó có làm suy yếu đồng nội tệ hay không, và chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 21.500 vào cuối năm. Tuy nhiên nếu những chỉ báo này vẫn tiếp tục được cải thiện thì đồng nội tệ sẽ trở nên thu hút hơn với các nhà đầu tư.

Tại sao giá dầu sẽ không thay đổi xu hướng của lạm phát

Bản báo cáo cho thấy, là một quốc gia xuất khẩu dầu thô tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 9,7 tỉ USD dầu trong năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc khi giá dầu tăng như gần đây, Việt Nam sẽ thu lợi từ hoạt động xuất khẩu nhưng vẫn chịu thiệt từ phía nhập khẩu. Việc giá xăng dầu leo thang gần đây buộc Nhà nước phải tăng trợ cấp xăng dầu hoặc đẩy chi phí cao đó cho người tiêu dùng. Bộ Tài chính đã tăng giá xăng lên 10% vào ngày 7.3 vừa qua do quỹ trợ cấp đang cạn dần. Động thái này diễn ra cùng lúc với việc cắt giảm 1% lãi suất.

Theo quan điểm của các chuyên gia HSBC, giá dầu tăng không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng đi xuống của lạm phát toàn phần. Một điển hình phản ánh giá cả xăng dầu đó chính là chi phí vận chuyển, chiếm 8,9% trong danh mục hàng hoá của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, mức tăng 10% của giá xăng dầu lần này chỉ có tác động rất nhẹ đến chỉ số giá tiêu dùng toàn phần. Hơn nữa, Chính phủ vừa qua đã miễn giảm một số thuế cho hoạt động nhập khẩu năng lượng. Vào ngày 2.3 Bộ Tài chính đã miễn giảm thuế nhập khẩu cho gas (trước đây là 5%), dầu diesel (3%), dầu lửa (3%) và xăng động cơ (4%). Điều này có nghĩa là các nhà phân phối sẽ giảm được chi phí nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới nếu như giá cả không tăng lên nữa. Thêm vào đó, giá cả thực phẩm vốn chiếm 40% danh mục hàng hoá của chỉ số giá tiêu dùng cũng đã giảm mạnh bù lại cho việc giá dầu leo thang. Mặc dù trong một vài tháng tới việc tăng giá dầu sẽ còn tạo ra những hiệu ứng phụ nhưng nhu cầu tiêu thụ thấp cũng sẽ bù lại cho những ảnh hưởng này.

Nhu cầu trong nước giảm dần

Về cơ bản, nhu cầu vay vốn thấp do việc thắt chặt tiền tệ trước đây cũng sẽ làm giảm áp lực lạm phát. Biểu đồ 5 cho thấy lãi suất qua đêm đã ở mức thấp so với hiện tượng tăng đột ngột vào thời điểm Tết Nguyên Đán. Các chuyên gia HSBC hy vọng chiều hướng này sẽ tiếp tục cho đến hết năm. Điều này chứng tỏ mặc dù NHNN đã nỗ lực bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua kênh mua lại nhưng nhu cầu vay vẫn còn thấp, do đó sẽ không tác động đáng kể đến thanh khoản trong hệ thống tài chính. Thêm vào đó kể từ sau dịp Tết Nguyên đán mức tiêu dùng trên thị trường cũng nguội dần. Trong biểu đồ 6, doanh số bán lẻ đại diện cho tiêu dùng – cũng giảm rõ rệt. HSBC dự đoán nhu cầu vay vốn và tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức thấp trong năm nay.

Hiệu ứng lạm phát cao năm ngoái sẽ giúp lạm phát giảm

Trong sáu tháng tới, lạm phát cao năm ngoái với tốc độ tăng trung bình mỗi tháng 2% (có sự điều chỉnh yếu tố mùa vụ) từ tháng 3 đến tháng 5.2011 sẽ giúp kiềm chế lạm phát năm nay xuống. Biểu đồ lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11.2012 khi chỉ số lạm phát theo năm dự kiến sẽ có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên nếu nhu cầu vay vốn vẫn thấp, đồng nội tệ vẫn ổn định và không có cú sốc nguồn cung đáng kể nào thì lạm phát mục tiêu toàn phần có thể sẽ giảm trước tháng 11. Trong giai đoạn này, các chuyên gia HSBC cho rằng riêng hiệu ứng về lạm phát cao năm ngoái sẽ có tác động làm giảm mạnh chỉ số lạm phát năm nay. Sau đó, những yếu tố khác như giá điện và giá xăng dầu tăng cũng như những thay đổi đột biến về nhu cầu và tiền tệ sẽ có ảnh hưởng đến lạm phát.

Lạm phát tháng 2.2012 giảm xuống mức 16,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, và so với tháng 1 là 17,3%. Về sự điều chỉnh yếu tố mùa vụ, giá cả tháng 2 đã giảm trung bình 0,4% mỗi tháng so với 0,6% của tháng 1. Lạm phát giá cả thực phẩm đã tăng trung bình 21% mỗi năm so với 23% trong tháng 1. Giá cả thực phẩm tháng 2 giảm trung bình 0,2% mỗi tháng so với tháng 1 là 0,5%. Việc giá cả giảm mạnh hơn dự kiến cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ (Nghị quyết 11), nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt sau Tết cùng với những hiệu ứng lạm phát cao năm 2011 sẽ cùng nhau duy trì áp lực lạm phát năm nay ở mức thấp. Và HSBC hy vọng lạm phát sẽ được kìm lại ở mức một con số trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng thấp đáng quan ngại hơn

Trước khi bàn về việc hạ lãi suất cơ bản, chúng ta nên nhìn vào tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam – một thước đo quan trọng về các điều kiện thanh khoản. Tín dụng đã tăng 10,9% trong năm 2011 so với 27,7% năm 2010. Chính phủ đặt trần tăng trưởng tín dụng ở mức 20% năm 2011 trong khi con số trên cho thấy nhu cầu tín dụng năm 2011 còn thấp và tăng trưởng thật sự vẫn dưới mức trần quy định. Năm nay trần tăng trưởng được áp ở mức 17%, 15%, 8% và 0% tuỳ từng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong các hoạt động cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán, bất động sản cũng như các khoản vay tiêu dùng bị giới hạn ở mức 16%. Khó mà vượt qua mức quy định tăng trưởng này trong điều kiện nhu cầu trên thị trường hiện rất thấp.
 
Việc hạ lãi suất chỉ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nếu lãi suất có thể kích cầu. Lãi suất trên thị trường mở OMO cũng đã giảm từ 14% xuống 13%, lãi suất tái cấp vốn giảm còn từ 15% xuống 14%. Chính phủ cũng hạ trần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13%. Cả hai động thái giảm lãi suất này đều nằm trong kế hoạch của NHNN nhằm phản hồi trước những than phiền của người tiêu dùng về lãi suất cao trong thời gian qua. Lãi suất qua đêm vẫn còn thấp đáng kể so với lãi suất trên thị trường mở OMO và được tiên đoán sẽ duy trì ở mức này cho đến hết năm thì việc giảm lãi suất khó có thể thay đổi nhu cầu trong nước. Do đó, các chuyên gia của HSBC vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát sẽ còn tiếp tục giảm trong năm nay. Tuy nhiên điều này không có nghĩa Việt Nam sẽ không phải chiến đấu với lạm phát bởi lạm phát cao trong năm qua đã tạo ra nhiều bế tắc trong cơ cấu nền kinh tế vẫn cần được xử lý. Về mặt ngắn hạn, nhu cầu thấp, tăng trưởng tín dụng kém và mức khởi điểm về giá thuận lợi sẽ giúp duy trì mức giá cả ổn định hơn trong năm nay. Một khi có mức tăng 10% trợ giá xăng dầu và những lợi ích từ giảm thuế năng lượng thì người tiêu dùng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi thấy giá cả giảm dần trong năm.
 
M.H // Diễn Đàn Doanh Nghiệp

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Nếu chiến tranh Iran xảy ra: Vàng sẽ là số 1
  • Thời của đại gia giấu mặt: DN bất ngờ vì thâu tóm
  • Phòng thủ trước M&A: Như thế nào là đủ?
  • Bong bóng tài chính: Việt Nam rủi ro hơn thế giới?
  • Ngân hàng yếu kém, liệu người dân có mất tiền?
  • Trung Quốc lo sợ bị “sập bẫy” đồng USD
  • Thị trường vàng: Những nhân tố đáng ngại
  • DN nhỏ cổ tức khủng, đại gia khủng lợi nhuận bèo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!