Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DN nhỏ cổ tức khủng, đại gia khủng lợi nhuận bèo

Trải qua một năm đầy sóng gió, rất nhiều doanh nghiệp đã tuyên bố không trả cổ tức hoặc trốn tránh, khất lần. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao và công bố trả cổ tức hấp dẫn. Từ đây cho thấy, vấn đề đầu tư đúng hướng, hiệu quả với ngành nghề cốt lõi đang được các cổ đông đưa ra xem xét.

Giật mình cổ tức DN nhỏ


Ngày 28/2, Hội đồng quản trị CTCP CNG Việt Nam (MCK: CNG) vừa có quyết nghị thông qua các nội dung quan trọng để trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên tổ chức ngày 06/04/2012. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2011 là 70% (tương đương 7.000 đồng/cp) và kế hoạch cho năm 2012 là 35%.

Trước đó, CNG đã tạm ứng cổ tức 2011 với tỷ lệ 25% (trong đó 15% là tiền mặt). Đây là một trong những doanh nghiệp có mức trả cổ tức cao trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. So với mức giá hiện tại khoảng 26.000 đồng/cp thì mức trả cổ tức nói trên khá hấp dẫn.

Cổ tức cao là nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh 2011 khá tốt với doanh thu đạt 748 tỷ đồng (vượt 14% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng - một con số rất cao so với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng của công ty.

Một loạt các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ cũng đã công bố mức chi trả cổ tức 2011 cao bao gồm: ABT (đã trả 60%), DSN (52%), DVP (40%), AAM (đã tạm ứng 30%), GIL (đã chia 40%), SDG (tạm ứng 30%), NTL (tạm ứng 25%)...

Cho tới thời điểm này, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố chính thức tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 nhưng có thể thấy trong nghị quyết đại hội cổ đông năm 2011, không ít doanh nghiệp có kế hoạch trả cổ tức trên 30%.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp tạm ứng một phần cổ tức như  BHS (20%), DTL (20%), TIX (25%), AGF (10%), DPR (15%), DVP (20%), PHR (15%), RAL (15%), CMS (15%)...

Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều doanh nghiệp có thu nhập/cổ phiếu (EPS) đạt trên 10.000 đồng/cp trong năm 2011 như: HGM (25.000 đồng), BMC, KSB, NNC, DPR, TRC, PHR, AGD, ACL, KTS, VSC, HHS, D11. Các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ đưa ra mức trả cổ tức cao dựa trên kết quả kinh doanh tốt của mình.

Đây là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế 2011 gặp rất nhiều khó khăn với lạm phát đứng ở mức cao trên 18% và lãi suất lên tới trên 25%/năm.

Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư chứng khoán thì điều này càng rất có ý nghĩa khi năm qua, thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phiếu xuống thấp thì điều trông chờ lớn nhất của họ là cổ tức.

Hơn thế, theo các chuyên gia, trên một thị trường đầu tư dài hạn như cổ phiếu thì cổ tức luôn là vấn đề quan trọng. Nó đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả của DN trong thời điểm khó khăn nhất, chứng tỏ hướng đi đúng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của DN. Từ đó càng thu hút thêm nhà đầu tư đến và gắn bó với DN hơn. Đó mới chính là điều quan trọng nhất khi lên sàn chứng khoán.

Bực mình lợi nhuận DN lớn

Trái ngược với những doanh nghiệp làm ăn tốt, tiền mặt dư dả và tính thanh khoản cao nói trên, TTCK năm 2011 chứng kiến một làn sóng các doanh nghiệp tìm cách hạ chỉ tiêu lợi nhuận và không trả cổ tức, hoặc trả ở mức rất thấp.

Và thật đáng tiếc là trong đó có cả những doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn. Sóng gió suy giảm kinh tế đã khiến họ không trụ vững do quản trị rủi ro không hiệu quả.

Trong thông báo phát đi ngày 28/2, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) đã thông báo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2011 hợp nhất. Theo đó, năm 2011, SAM lỗ ròng 188,5 tỷ đồng, so với khoản lãi 118,08 tỷ đồng trong năm 2010.

SAM hiện tại có vốn điều lệ là gần 1.310 tỷ đồng, nhưng vốn hóa chỉ còn 693 tỷ do giá cổ phiếu hiện đang ở mức trên 5.000 đồng/cp. Với mức lỗ như vậy, kế hoạch trả cổ tức của SAM coi như đã phá sản.

Hai "đại gia" thua lỗ đáng tiếc khác là OceanGroup và Quốc Cường Gia Lai.

Tính lũy kế cả năm 2011, Quốc Cường Gia Lai lỗ 38,63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 283 tỷ đồng). Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) bất ngờ báo lỗ gần 18,4 tỷ đồng trong quý IV do chi phí tài chính tăng mạnh. Tính chung cả năm, OGC lãi lãi ròng 182,75 tỷ đồng, nhưng giảm 68,8% so với cùng kỳ.

Một loạt các đại gia khác cũng thua lỗ trong năm 2011 như SJS (lỗ 71 tỷ đồng, so với mức lãi 457 tỷ đồng trong năm 2010), TLH (lỗ ròng hơn 40 tỷ đồng), NVT (lỗ ròng 70,3 tỷ đồng), VSP (lỗ 535 tỷ đồng), HLA (-19,5 tỷ đồng), THV (-198 tỷ đồng)...

Với kết quả lỗ hoặc lãi không đáng kể như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không có tiền để trả cổ tức.

Khá nhiều doanh nghiệp lớn khác có lợi nhuận nhưng cũng không tính tới chuyện trả cổ tức hoặc trả ở mức thấp do "để lại kinh doanh hiệu quả hơn" như: Tập đoàn Minh Phú, Nhựa  Tiền Phong, Masan, Vinaconex ...

Chết vì ham đa ngành

Doanh nghiệp nhỏ nhưng trả cổ tức cao, trong khi doanh nghiệp lớn trả cổ tức thấp là một mảng và là hai phần đối lập của bức tranh TTCK trong năm vừa qua.

Không mang tính phổ biến nhưng có thể thấy, đa số các doanh nghiệp trả cổ tức cao thường có quy mô vừa và nhỏ và có hoạt động không dàn trải, đa ngành nghề như ABT, AAM, AGF, AGD, ACL chuyên về thủy sản; DPR, PHR, TRC chuyên về cao su; KTS, BHS chuyên về đường; còn BMC, KSB, NNC chuyên về khoáng sản...

Trong khi đó, các doanh nghiệp thua lỗ hoặc lãi tụt giảm trong năm vừa qua thường hoạt động trong nhiều lĩnh vực, hoặc/và có liên quan ít nhiều tới bất động sản.

Trường hợp Sacom (SAM) là một ví dụ điển hình. Mức giá hơn 5.000 đồng/cp hiện tại và kết quả thua lỗ trong năm 2011 khiến nhiều người cảm thấy xót xa khi mà hơn 10 năm về trước, khi TTCK Việt Nam mới thành lập, Sacom là một trong hai công ty cổ phần hoạt động hiệu quả được chọn thí điểm niêm yết đầu tiên. Trong 5 năm dầu tiên, trước khi các tên tuổi lớn như Vinamilk, Sacombank xuất hiện, cổ phiếu SAM vẫn là blue-chip dẫn dắt thị trường.

Kể cả khi Vinamilk và Sacombank xuất hiện, SAM cùng với REE và GMD vẫn được các nhà đầu tư trìu mến đặt tên là "big 3 ", do tầm ảnh hưởng của cả nhóm tới thị trường chung mà SAM được ví như người anh cả. Room 49% của SAM với nhà đầu tư nước ngoài luôn đầy ắp với nhiều gương mặt cổ đông lớn: Amersham Industries Ltd, Wareham Group Ltd.

Nhưng tất cả đã thay đổi từ 2007 khi nguồn vốn chủ sở hữu của Sacom đã tăng chóng mặt từ 738 tỷ đồng vào cuối năm 2006 lên 2.433 tỷ đồng vào cuối năm 2007 (nhờ phát hành tăng vốn).

Vốn tăng mạnh trong khi thị trường cáp đồng trong nước đã bão hòa. Sacom đã tính lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc mua đất xây cao ốc văn phòng, chung cư tại TP. HCM , góp vốn đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Sacom Resort (Đà Lạt) và cũng mở rộng các khoản đầu tư sang lĩnh vực tài chính.

Kết thúc năm 2008, lần đầu tiên kể từ năm 1998, lợi nhuận của Sacom tăng trưởng âm. Tới 2011, khi mà cả TTCK và bất động sản khó khăn thì việc Sacom gặp khó khăn là điều không tránh khỏi.

Mảng kinh doanh truyền thống của Sacom cũng đi vào bế tắc và có những năm đã thua lỗ trên chính mặt trận này như trong năm 2009.

Phong trào đầu tư đa ngành nghề đã diễn ra khá rầm rộ trong nhiều năm nay. Việc huy động vốn khá đơn giản trong nhiều năm trước đây đã khiến nhiều doanh nghiệp (như bộ ba SAM, REE, GMD) có cơ hội để xâm nhập vào các ngành nghề khác, trong đó có tài chính và bất động sản.

Chưa biết hiệu quả về sau sẽ như thế nào, nhưng hiện tại nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về hiệu quả mà các doanh nghiệp này đạt được cùng một lúc trong nhiều lĩnh vực như vậy. Rủi ro còn tăng cao hơn bao giờ hết nếu các thị trường như bất động sản hay chứng khoán gặp khó khăn do tăng nóng trước đó.

Ở chiều trái ngược, trên TTCK Việt Nam vẫn còn khá nhiều gương mặt lớn vẫn phát triển bền vững với ngành nghề cốt lõi của mình như ACB, VNM, PNJ.

Chính cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp này là những người hưởng cổ tức khủng nhất và bền vững. Những doanh nghiệp này đều chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mỗi năm, thậm chí hơn. Trong khi lợi nhuận tích lũy cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.

(VEF)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ông Trương Đình Tuyển: Thanh khoản nguy hiểm hơn lạm phát
  • Lãi suất kích lạm phát: Ai đang lũng đoạn nền kinh tế?
  • Dân đầu tư đang từ bỏ vàng?
  • Đầu tư thời suy thoái: Các đại gia, chuyên gia Việt khuyên gì?
  • Tổng giám đốc Citibank đánh giá kinh tế Việt Nam 2012
  • Kỳ vọng gì về đầu tư gián tiếp trong năm 2012
  • Đổi lãi suất lấy tỷ giá và lạm phát: Hai mặt của một đồng xu!
  • M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!