Trong một nỗ lực chung đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn cho biết tất cả các nước đã nhất trí với các biện pháp kích thích kinh tế và cho rằng cần phải loại bỏ các tài sản xấu đang đặt gánh nặng lên hệ thống ngân hàng.
Tuyên bố trên của ông Strauss-Kahn được đưa ra sau buổi làm việc của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế IMF trong khuôn khổ khóa họp thường niên mùa xuân của tổ chức này với Ngân hàng Thế giới (WB), hai định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới, diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ trong 2 ngày 25 và 26/4.
Ông Strauss-Kahn nêu rõ nhiều gói kích thích đã được triển khai khá hiệu quả và các nước đều hài lòng với kết quả này. Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục tung ra các gói mới và làm trong sạch hệ thống tài chính các nước cũng như hệ thống tài chính toàn cầu.
Tại các buổi làm việc, IMF và WB thống nhất sớm tìm tiếng nói chung về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Lâu nay giữa các nước tồn tại bất đồng cơ bản, đó là số tiền mà mỗi nước có thể tung ra để giải cứu nền kinh tế. Nền kinh tế đầu tàu thế giới Mỹ ủng hộ giải pháp chi tiền không giới hạn trong khi các cường quốc kinh tế ở châu Âu, đặc biệt là Đức, tỏ ra khá miễn cưỡng với ý tưởng này và cho rằng cần chờ đợi để có thể đánh giá triệt để hiệu quả các của các gói kích thích.
Về hoạt động của các ngân hàng, ông Strauss-Kahn nhấn mạnh cần phải "dọn sạch" những khoản nợ xấu vì đây là nhân tố quyết định sự phục hồi của nền kinh tế. Kinh tế thế giới sẽ không thể trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển nếu các ngân hàng không được tiếp tục vay tiền.
Đối với vai trò của IMF, Giám đốc Strauss-Kahn nêu rõ tổ chức này sẽ đóng vai trò trung tâm điều phối các chính sách đối phó với khủng hoảng. Ông đánh giá cao cam kết của các nước cung cấp thêm nguồn tài chính để IMF hỗ trợ các nước nghèo. Ông nhấn mạnh khả năng IMF có thể tăng nguồn quỹ thông qua bán trái phiếu cho các nước thành viên.
Tuyên bố của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế IMF khẳng định kết quả lớn nhất của ngày làm việc là tăng gấp đôi nguồn tiền tín dụng của IMF. Dự kiến trong giai đoạn đầu, IMF sẽ được bổ sung 250 tỷ USD để giúp các nước, và tiếp theo là 250 tỷ USD.
Tuyên bố nhấn mạnh các nước cam kết tiếp tục hành động để đảm bảo kinh tế thế giới hồi phục.
Cuộc gặp mùa xuân năm nay của IMF và WB diễn ra trong bối cảnh thế giới đang vật lộn trong cuộc suy thoái kinh tế. Trước đó, trong "Báo cáo Giám sát toàn cầu 2009: Tình trạng khẩn cấp về phát triển" công bố trước thềm hội nghị, cả hai định chế tài chính này đều cảnh báo khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang trở thành khủng khoảng về con người và phát triển.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009 là âm 1,3%, mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Mức tăng trưởng năm 2010 sẽ khoảng 1,9% so với mức dự báo trước đó là 3%./.
(Theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com