Bài 1: “Con tàu” FDI đã đi đúng hướng
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển TPHCM. Tính từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước. Thế nhưng, nguồn vốn đi về đâu, hiệu quả thế nào… là vấn đề “nóng” đang được đặt ra.
Đổ vào dịch vụ “cao”
Qua 20 năm triển khai thu hút vốn FDI, TPHCM hiện có hơn 3.100 dự án còn hiệu lực (chiếm 87% tổng dự án đã đăng ký) với số vốn đăng ký gần 26 tỷ USD. Giai đoạn “hưng thịnh” dòng vốn đổ vào ào ạt nhất là từ năm 2006 đến năm 2008 (thời điểm VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) với con số đầu tư đạt mức kỷ lục: 1.281 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD (về số dự án tăng bình quân 17%/năm nhưng về vốn tăng đến 134%/năm).
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, dự án thành công của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: THÀNH TÂM |
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu vốn, có đôi chút băn khoăn. Trong khi chúng ta mong đợi dòng tiền FDI đổ vào các ngành công nghiệp và dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì những năm gần đây, nguồn này lại chảy vào các dự án bất động sản, đẩy giá bất động sản trở thành bong bóng, làm rối loạn thị trường. “Nóng” nhất là trong năm 2008, tổng vốn FDI đổ vào bất động sản đến gần 3 tỷ USD, chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư.
Tuy thế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê vẫn tự tin nhận định: Nhìn cả quá trình 20 năm qua, “vốn FDI đã “đi” đúng hướng, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP”.
Ông chứng minh, vốn vào khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tập trung vào 2 ngành kinh doanh bất động sản (gồm 792 dự án - chiếm 25% tổng số dự án, với 7,15 tỷ USD - chiếm 27,8% về vốn) và các ngành dịch vụ (952 dự án - chiếm 30%, 11 tỷ USD - chiếm 43% tổng vốn đầu tư). Nếu xét cơ cấu vốn ở từng ngành thì cũng thấy số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng gia tăng. Cụ thể, vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 36,3%, nông lâm thủy sản chiếm 0,28%, kinh doanh bất động sản chiếm 14,9%, phần còn lại (48,5%) là các ngành dịch vụ khác.
Về góc độ hiệu quả kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, nguồn vốn FDI đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế. TP đã có nhiều công trình, dự án hiện đại, trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế từ nguồn vốn FDI. Cụ thể như các dự án đầu tư sản xuất vi mạch điện tử của tập đoàn Intel (vốn đăng ký 605 triệu USD, nay tăng lên thành 1,4 tỷ USD); khu đô thị đại học quốc tế Berjaya (vốn đăng ký 3,5 tỷ USD); khu công viên phần mềm Thủ Thiêm (vốn đăng ký 1,2 tỷ USD).
Ngoài ra, các dự án FDI cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp đã biến đổi trên 3.500 ha từ đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp thành đất công nghiệp có đủ cơ sở hạ tầng dịch vụ, giải quyết nhiều lao động cho TP và các tỉnh. Các dự án này đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, giúp TPHCM đạt tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (dự kiến năm 2010 đạt 58% và 2025 đạt 77%- 80%).
Đừng để “vốn đi trước, quy hoạch lướt thướt... theo sau”!
Công ty Nidec (Nhật Bản) tại Khu công nghệ cao TPHCM, sản xuất linh kiện máy tính xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM |
Thế nhưng, giá đất căng như bong bóng vừa qua cũng có nguyên nhân từ việc thiếu kiểm soát, dẫn đến để “nở” ra quá nhiều dự án bất động sản. Do vậy, thời gian tới, việc xúc tiến đầu tư sẽ điều chỉnh theo hướng tập trung vào những ngành nghề có giá trị gia tăng, phục vụ cho cộng đồng cao. Đồng thời, trước tình trạng nan giải về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… mà nguyên nhân có phần do thiếu sót của các ngành trong công tác quy hoạch, định hướng, nay trở thành “rào cản” trong thu hút đầu tư.
Sở Kế hoạch Đầu tư cho rằng, vấn đề cấp thiết là chấn chỉnh công tác quy hoạch. Cụ thể, phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về đất đai, thống kê quỹ đất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch, hình thức đầu tư…
Đồng thời, phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Sau đó công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất để các nhà đầu tư đầu tư đúng hướng, đúng quy hoạch, chấm dứt hiện tượng “vốn đi trước, quy hoạch lướt thướt… theo sau” như trước đây.
Dĩ nhiên, bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học đáp ứng cho việc phát triển các dự án công nghệ cao.
Qua 20 năm triển khai thu hút vốn FDI vào TPHCM: Số dự án có vốn dưới 1 triệu USD chiếm 61,13% tổng số dự án còn hiệu lực; vốn từ 1 - 10 triệu USD chiếm 29,67% và vốn trên 10 triệu USD chiếm 9,2%. Về hình thức đầu tư, 100% vốn nước ngoài chiếm gần 74% số dự án, 24% là liên doanh và 2% là hợp tác kinh doanh. Hồng Công là vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư vào TPHCM cao nhất với 3,4 tỷ USD (chiếm 15,9%), kế đến là Hàn Quốc với 2,7 tỷ USD (chiếm 12,7%) và Singapore 1,96 tỷ USD (chiếm 9,2%). (Nguồn: Sở KHĐT TPHCM) |
Bài 2: Vốn nhiều... “tiêu” chậm!
Sau 20 năm, giải ngân vốn FDI chưa tới 40%. Năm khủng hoảng tài chính - 2009, thêm nhiều dự án có nguy cơ… đóng băng! Giải pháp nào cho “bài toán” giải ngân?
“Hấp thụ” chậm = “xí” đất?!
Công nhân Công ty Natural - Chocie (vốn Australia) tại Củ Chi sản xuất bình gốm xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM |
Theo thống kê, không tính ở HEPZA (các khu công nghiệp – khu chế xuất TPHCM), vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào TPHCM trong 20 năm qua đạt gần 26 tỷ USD. Nhưng tính đến đầu năm 2009, số vốn đã thực hiện được chỉ 10,1 tỷ USD, đạt 39,62% tổng vốn đăng ký. Lý giải của các sở ngành về nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là chuyện… cũ rích!
Nào là do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao bởi ảnh hưởng của giá nhà đất “bong bóng” trong những năm vừa qua, do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu, do hạ tầng giao thông kém ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…
Và nay, với nhiều lý do môi trường đầu tư không còn thuận lợi, cơ hội sinh lời không cao, thời gian thu hồi vốn không nhanh như trước, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp không còn được ưu đãi thuế nên không còn hấp dẫn nhà đầu tư… càng khiến các dự án bị trì trệ. Thế nhưng, nhìn các dự án đất rộng lớn đang “ngủ yên” và giá cả vẫn còn cao, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng nhà đầu tư khó khăn thực sự hay “xí” đất để dành. Hiểu theo cách nào thì việc tiến độ đầu tư chậm ở các dự án cũng làm cản trở sự phát triển của TP.
Sau khi khảo sát tại một số dự án lớn của TPHCM - nơi được coi là tấc đất tấc vàng - chúng tôi thấy rằng, dự án nhiều nhưng giải ngân đạt quá thấp. Cụ thể, khu Thủ Thiêm có 2 dự án FDI với tổng vốn trên 600 triệu USD, dù đã “động thổ” từ giữa năm 2008 nhưng đến giờ chỉ mới giải ngân được 51 triệu USD.
Còn Ban quản lý Khu Tây Bắc cho biết, khu có 2 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD, đã qua 2 năm thực hiện, đến giờ chỉ mới giải ngân được… 37 triệu USD, tức khoảng 1% vốn đăng ký. Trong khi ở đó có dự án của Berjaya với số vốn đăng ký cực lớn, diện tích đất cũng lên hàng trăm ha ngay ở Hóc Môn nhưng đến giờ tiến độ đầu tư vẫn… rùa bò. Đó là chưa kể, đơn vị này còn đăng ký tiếp một dự án “đất vàng” ngay trung tâm thành phố. Nhưng giờ gần như vẫn chưa động tĩnh.
Giải “bài toán” giải ngân
Tình trạng giải ngân chậm không phải là chuyện cá biệt ở TP. Theo khảo sát của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì tình hình giải ngân trong quý 1-2009 rất khó khăn, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong quý 1, một số tỉnh lân cận TPHCM được coi là diện “top” về thu hút FDI thì mức giải ngân cũng đạt rất thấp. Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ mới giải ngân được 210 triệu USD, Đồng Nai 200 triệu USD, Bình Dương 60 triệu USD… Vì thế, chỉ tiêu giải ngân của cả nước trong năm 2009 lên đến 11 tỷ USD là khó có thể thực hiện.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị, để giải ngân nhanh đồng vốn, lãnh đạo địa phương phải theo sát, rà soát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để “kích” các dự án chuyển động. Bởi qua khảo sát thực tế, những địa phương nắm sát, nắm rõ từng dự án thì tiến độ giải ngân đạt con số cao.
Ở khu công nghệ cao có 19 dự án FDI (vốn 1,4 tỷ USD) thì đến nay đã giải ngân đạt 72% vốn đăng ký. Tình hình thực hiện các dự án gồm: 10 dự án đang sản xuất, 6 dự án đang xây dựng cơ bản và 3 dự án đang trì trệ. Vì vậy, Ban quản lý đang lao vào cuộc và kiến nghị TP tìm cách giải quyết. Để đẩy các dự án FDI thực hiện và giải ngân nhanh, ông Phan Hữu Thắng đề nghị, lãnh đạo TP rà soát lại và chọn khoảng 50 dự án trọng điểm để tập trung giải quyết, hỗ trợ, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Từ thực tế đơn vị mình, ông Hứa Ngọc Thuận, Trưởng BQL khu Nam cho biết, hiện khu có dự án với diện tích 32 ha nhưng do công tác đền bù gặp nhiều khó khăn nên đến nay nhà đầu tư chỉ mới đền bù, giải tỏa được 5 ha và không thể triển khai thực hiện dự án được. Ông đề nghị, TP cấp giấy chứng nhận đầu tư từng phần cho những dự án đầu tư lớn để nhà đầu tư có thể liên doanh, liên kết thực hiện từng hạng mục theo kiểu cuốn chiếu, để đẩy nhanh tiến độ “hấp thụ” vốn.
Thực tế có nhiều dự án lớn, đến hàng trăm ha đất mà chờ giải tỏa toàn bộ thì rất lâu (vì công tác đền bù, giải tỏa thường gặp vướng mắc, kéo dài thời gian), như vậy, tiền không lưu thông được. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín cho biết, TP sẽ rà soát và tập trung giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư, quyết tâm đẩy nhanh khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI trong thời gian tới.
Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI Để thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 7-4-2009 của Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung khắc phục các mặt tồn tại của môi trường đầu tư nhằm tận dụng cơ hội thu hút FDI. Theo đó, Sở KH-ĐT chủ trì việc rà soát các quy định, ưu đãi về đầu tư-kinh doanh còn chồng chéo, chưa phù hợp với cam kết WTO và đề xuất điều chỉnh hoặc kiến nghị bộ ngành trung ương xem xét điều chỉnh; đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sở KH-ĐT cũng chủ trì việc cập nhật và bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư cho phù hợp với tình hình mới. Sở TN-MT chỉ đạo tổ chức việc giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư theo đúng cam kết; tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích hoặc không hiệu quả, kiên quyết thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sai phạm. H.Liêm |
(Theo Hàn Ni / sggp online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com