Trước khi các ngân hàng đẩy lãi suất vượt 17% một năm vào hôm qua, lãi suất cho vay trước đó cũng đã dâng lên rất cao với 17%-19% một năm cho vay sản suất, 19-23% cho vay phi sản xuất.
Giải thích cho sự leo tháng của lãi suất vay, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho rằng, hiện đa phần khách hàng gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn 1-2 tháng. Nhiều người sử dụng kỳ hạn một vài tuần, một phần vì cho rằng giá tiêu dùng có thể tăng tiếp, một phần đề phòng trường hợp lãi suất tiếp tục nhích lên thì sẽ dịch chuyển sang ngân hàng khác. "Nếu không tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng cầm chắc phần lỗ", ông lo ngại.
Ông này cho biết thêm, việc liên tục tăng lãi suất làm khó chính các ngân hàng, khiến nhân viên rất vất vả quản lý nguồn vốn khi phải liên tục thông báo điều chỉnh. Theo đó, lãi suất sẽ phụ thuộc mục đích vay vốn, kỳ hạn, lượng vốn cũng như định mức tín nhiệm của khách. Ngân hàng ông hiện có mức lãi suất kinh doanh khoảng 17% mỗi năm, cộng thêm một số mức phí, phụ thuộc vào các khoản vay.
Lãi suất quá cao vào thời điểm gần Tết Nguyên đán khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào cảnh khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động lâu năm trong ngành gỗ ở TP HCM than thở, tháng trước, lãi suất 14% một năm cộng chút đỉnh chi phí khác sẽ hơn 15% mỗi năm, doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng để giữ mối trên thị trường. "Nhưng lãi suất hiện tăng lên 16%-19% là quá sức chịu đựng", vị đại diện này cho biết.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất quá cao là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì bản thân các doanh nghiệp này đã gặp nhiều khó khăn nội tại. Hơn nữa, đây là thời điểm cuối năm, các công ty không chỉ cần vốn để chi trả tiền mua nguyên vật liệu mà còn phải chi trả lương thưởng cho công nhân.
Không chỉ thế, nhìn vào diễn biến lãi suất hiện nay, các doanh nghiệp đang rầu rĩ vì đà leo thang dường như vẫn chưa dừng lại. "Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp thì doanh nghiệp sẽ rất điêu đứng trong thời gian tới", ông Kiệt nói.
Không chỉ doanh nghiệp, người vay tiêu dùng cũng e ngại trước sự tăng cao đột biến của lãi, suất mặc cho các ngân hàng đang tích cực chào mời vay với thời hạn kéo dài đến 25 năm và giá trị khoản vay đến vài trăm triệu đồng.
Chị Hương (Tân Phú, TP HCM) bộc bạch, chị muốn sửa chữa nhà cửa cho dịp cuối năm, nhưng sau khi tham khảo một vòng lãi suất tại các nhà băng, đành quay về huy động tiền từ anh em bạn bè. Theo chị, lãi suất tối thiểu tại các nhà băng áp cho khoản vay tiêu dùng không dưới 18%. Có nhà băng sau khi cố định lãi suất ba tháng đầu, lãi suất điều chỉnh sẽ là lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 6% một năm. Khoản chênh lệch này dẫn đến số tiền gốc và lãi phải trả tăng thêm so với những tháng đầu tiên.
Trong khi đó, chị Thanh (Bình Tân, TP HCM) than thở, mới tháng trước vay 1 tỷ đồng, lãi suất 18%. Mỗi tháng chỉ phải đóng lãi khoảng 15 triệu. Thế nhưng, sáng nay chị đã nhận được thông báo điều chỉnh tăng lãi suất lên 22% từ nhà băng. "Như vậy, mỗi tháng phải tăng thêm 3 triệu đồng", chị ngao ngán nói.
PGS Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh Tế TP HCM cho rằng, để chống lạm phát tất yếu phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo ông Ngân, thắt chặt cũng cần phải cân nhắc ở một mức độ sao cho hợp lý để tránh tác dụng ngược. Mức lãi suất hiện nay là quá cao và không hợp lý.
Điểm không hợp lý được vị tiến sĩ chỉ ra rằng, hiện nay, mức lạm phát chỉ dao động dưới 10%, và có thể lên 11-12% vào cuối năm nhưng lãi suất cho vay đã tăng cao trên dưới 20% bằng với mức lãi suất tại thời điểm 2008 (lạm phát trên 22%).
Ông Ngân cho rằng, thời điểm này Chính phủ cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của nền kinh tế để tìm ra nguyên nhân chính gây nên lạm phát có phải là do cung tiền lớn hay không để có biện pháp điều hành hiệu quả. Nếu không, với mức lãi suất này, doanh nghiệp không thể chịu nỗi, và tất yếu sẽ dẫn đến sự đình trệ trong sản xuất, nguy cơ thất nghiệp tăng lên...
Năm 2008 lãi suất huy động có thời điểm tăng từng giờ rồi đạt đỉnh cao 20% một năm, cho vay lên 25%. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ tồn tại một thời gian ngắn và giảm ngay sau đó khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp. Hiện tại, lãi suất huy động đã lên 18%, cho vay trên dưới 20% là quá cao. Trong ngắn hạn, ông Ngân cho rằng cần phải có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp dân doanh.
"Giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ thế, giảm lãi suất cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng, vì suy cho cùng doanh nghiệp chính là động lực phát triển kinh tế và bảo đảm lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại", ông Ngân nói.
"Mức lãi suất tiết kiệm phù hợp hiện nay chỉ nên duy trì khoảng 13-14%, còn cho vay 16-17%", ông Ngân nhấn mạnh.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com