Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, cần sớm xem xét đến việc bỏ hoặc nới trần lãi suất huy động để tạo điều kiện cho tín dụng phát triển, vì theo ông, kể từ đầu tháng 3/2010 đến nay, tăng trưởng tín dụng không những không tăng, mà còn chững lại. Do ngân hàng phải huy động lãi suất với chi phí cao hơn mức trần, nên lãi suất đầu ra không thể giảm xuống và hiện đứng mức khá cao (16 -19%/năm).
Cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút tiền gửi khiến đường cong lãi suất bị méo mó, tạo tâm lý kỳ vọng ngân hàng trả giá về chi phí huy động vốn ngày càng cao hơn so với mức trần. Một số ngân hàng cho biết, những khách hàng gửi số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên đều đòi hỏi mức lãi suất trên 12%/năm, nếu không sẽ chuyển sang nhà băng khác có mức lãi suất cao hơn, nhất là ngân hàng nhỏ.
Trên thực tế, nếu xét đến quy định trần trong huy động vốn thì nhiều ngân hàng không thực hiện đúng, vì ngoài mức lãi suất huy động đang áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, các nhà băng đều tặng thêm quà và tiền mặt cho khách hàng.
Chẳng hạn, DongA Bank vừa đưa ra Chương trình “Lợi ích nhân đôi khi mua kỳ phiếu VND”, với số tiền gửi chỉ có 20 triệu đồng trở lên, ngoài lãi suất ngân hàng này áp dụng (từ 10,41 đến 10,44%/năm), khách hàng còn được nhận nhiều quà tặng (có thể nhận bằng hiện vật hoặc tiền mặt). DongA Bank còn cho phép rút trước hạn (nếu số ngày thực gửi từ 30 ngày trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất theo quy định rút tiền gửi tiết kiệm bằng VND trước hạn của DongA Bank hiện hành). Riêng đối với khách hàng tại khu vực TP.HCM, khi tham gia gửi tiết kiệm VND đều được hưởng quyền lợi như tham gia mua kỳ phiếu.
Đáng chú ý là, với các sổ tiết kiệm có kỳ hạn gửi 6 tháng khi đáo hạn tại DongA Bank, nếu số dư thực có trên sổ khi đáo hạn từ 200 đến 800 triệu đồng, thì trị giá quà tặng khách hàng sẽ nhận được là từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Còn với số dư thực có trên sổ tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên, khách hàng được nhận quà tặng trị giá từ 5,1 đến 15 triệu đồng.
Theo đại diện của một ngân hàng, nếu chỉ áp dụng mức trần lãi suất huy động hiện hành thì tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng ra khỏi ngân hàng. Do đó, việc tăng thêm các tiện ích (quà tặng, tiền mặt...) là giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay.
Thêm vào đó, thị trường tiếp tục chờ đợi thông tin từ NHNN về việc cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với cả khoản vốn cho vay ngắn hạn. Lúc này, ngân hàng sẽ càng cần vốn để đẩy mạnh tín dụng, bù đắp cho sự tăng trưởng chậm trong quý I/2010.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, trong thời điểm hiện nay, cần phải giữ trần lãi suất huy động, vì thị trường chưa ổn định. Do đó, nếu bỏ trần lãi suất huy động, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có thị phần còn khiêm tốn sẽ chạy đua lãi suất tiền gửi như tình trạng của năm 2008. Với thực tế như vậy, các ngân hàng quy mô lớn, dù thừa vốn khả dụng, nhưng cũng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cần giữ trần lãi suất huy động, nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay, nên thay đổi mức trần, để tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động được vốn trong dân.
Các chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, mức lãi suất cơ bản áp dụng cho tháng 4/2010 không thay đổi so với các tháng trước đó là dấu hiệu cho thấy, NHNN muốn ổn định chính sách tiền tệ. Vì thế, với các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khoản vay trung, dài hạn cũng như cho vay tiêu dùng vượt qua ngưỡng 20%/năm sẽ phải nhanh chóng điều chỉnh giảm, nếu không sẽ bị lỗ nặng. Thực tế, với mức lãi suất cho vay thỏa thuận bình quân 16 - 17%/năm áp dụng cho khoản vốn vay trung, dài hạn và 18 - 19%/năm cho khoản vốn vay cá nhân tiêu dùng..., các ngân hàng không thể phát triển được tín dụng. Trong khi đó, khách hàng cũng không mặn mà với vốn vay, cho dù có nhu cầu.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com