Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), trong tuần này, NHNN sẽ chính thức ban hành quyết định về việc dừng hoạt động huy động và cho vay vàng.
Tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại cuối tuần trước, đại diện NHNN cũng cho biết kể từ ngày 1.5 tới sẽ chính thức dừng hoạt động cho vay vàng, sau đó ngày 1.5.2013 tiếp tục dừng nghiệp vụ huy động vàng.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Vụ Chức năng của NHNN nói việc cấm cho vay và huy động vàng thể hiện rõ quyết tâm của NHNN trong việc chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, bên cạnh mục tiêu chống “đô la hóa”, nhằm nâng cao sức mạnh của VND. Tuy nhiên, đồng thời với việc cấm, NHNN sẽ ban hành nhiều chính sách khác để có thể quản lý đồng bộ thị trường vàng, đảm bảo nhu cầu hợp pháp của người dân, cũng như mục tiêu của chính sách.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính, mục tiêu cấm huy động và cho vay vàng nhằm "đẩy" người dân chuyển từ gửi vàng sang tiền tiết kiệm và vay mượn bằng VND. Tuy nhiên, giải pháp này chưa chắc đã mang lại hiệu quả vì thường người dân thích giữ vàng do đồng nội tệ luôn bị mất giá do lạm phát. Khi đó, NHNN sẽ khó kiểm soát được do lúc này vàng đã ra khỏi hệ thống NH, trở thành giao dịch không chính thức bên ngoài thị trường tự do. Thậm chí, "có thể do cấm vàng, cấm ngoại tệ nên người ta phải đổ xô vay VND nên lãi suất sẽ rất cao, hoạt động DN trở nên vô cùng khó khăn", TS Độ nói.
Cần tạo “sân chơi” chính thức cho người dân
Vấn đề đặt ra hiện nay, theo chuyên gia Phí Đăng Minh (Hiệp hội NH), là cần có giải pháp để khơi thông dòng chảy của vàng trong dân, không thể để lãng phí nguồn lực rất lớn này. Theo ông Minh, hiện chưa có cơ quan nào thông báo chính thức về số vàng dự trữ trong dân, tuy nhiên căn cứ vào số vàng miếng của SJC sản xuất từ 1988 đến tháng 4.2008 khoảng 11 triệu lượng, tương đương 410 tấn (trị giá 12,3 tỉ USD), một lượng vàng rất lớn. Nếu tính cả các thương hiệu vàng khác khoảng 200 tấn, thì số lượng vàng nhập khẩu về là hơn 600 tấn. Nếu trừ đi số vàng xuất khẩu khoảng 200 tấn, cùng sai số do buôn lậu..., số vàng còn lại trong dân khoảng 400 tấn, tương đương 12 tỉ USD. "Nếu chỉ cấm mà không có các giải pháp huy động mới thì sẽ rất lãng phí”, ông Minh lo ngại.
Đồng quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hiện có khoảng 45% tiền để dành của dân dưới dạng vàng, nhất là ở nông thôn, chỉ có 24% là tiền mặt gửi NH, còn lại đầu tư vào ngoại tệ, bất động sản.
Để tận dụng nguồn lực trên, cũng như đáp ứng nhu cầu và quyền được giữ hoặc mua bán vàng của người dân, TS Ánh đề xuất Bộ Tài chính có thể huy động vốn bằng trái phiếu vàng. Sau đó, NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ, dạng như cầm cố để lấy vốn cho đầu tư. "Khi đó thay vì cấp phép cho các doanh nghiệp nhập vàng thì có thể mua vàng trực tiếp từ Chính phủ. Chính phủ nhiều nước đã huy động vốn vàng của dân đồng thời có công cụ bảo hiểm rủi ro khi giá vàng biến động", TS Ánh cho biết.
Rất nhiều chuyên gia đã kiến nghị, khi người dân không được gửi vàng, cũng không được mua bán vàng miếng tự do thì cần phải tạo ra một “sân chơi” chính thức để đảm bảo quyền được lựa chọn, được đầu tư của người dân. Cụ thể cần thành lập sàn giao dịch vàng vật chất, để đáp ứng nhu cầu của những người muốn đầu tư và mua bán vàng.
(Báo Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com