Mục tiêu điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3% trong ngày 11/2 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là để lưu chuyển dòng ngoại tệ. Qua đó, giúp các ngân hàng có thêm điều kiện thu hút nguồn USD, đồng thời xóa bỏ dần tâm lý kỳ vọng và tình trạng đầu cơ ngoại tệ, nhất là của các DN. Thế nhưng, các nhà xuất khẩu có nguồn USD dường như vẫn đang dè dặt.
Không phải nhà xuất khẩu nào khi có nguồn thu USD cũng muốn bán ngay cho ngân hàng, vì trong đó, nhiều DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nên cần ngoại tệ để thanh toán. Mặt khác, đợt tăng tỷ giá vừa rồi của NHNN cũng chưa thể xóa ngay tâm lý kỳ vọng vào việc tỷ giá còn tăng, nên các nhà xuất khẩu vẫn chần chừ trong quyết định bán hay tiếp tục “găm” ngoại tệ. Vì thế, sau gần 1 tuần quyết định tăng tỷ giá có hiệu lực, các ngân hàng cho biết, nguồn ngoại tệ mua lại từ DN cũng như thu hút USD bên ngoài vào nhà băng cũng chưa mấy khả quan.
Trao đổi với phóng viên , ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Văn hóa Tân Bình (ALTA) cho biết, là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nên Công ty có nguồn thu bằng ngoại tệ. Những năm trước đây, khi tỷ giá ổn định, nguồn ngoại tệ Công ty thu về chủ yếu được ngân hàng mua lại và sau đó ALTA cũng được nhà băng đáp ứng khi có nhu cầu USD thanh toán cho mục đích nhập khẩu nguyên liệu theo tỷ giá niêm yết. Thế nhưng, theo ông Điều, trong năm qua, khi có nhu cầu về ngoại tệ thì không dễ mua được từ ngân hàng, mặc dù khi có nguồn thu USD, DN đều bán lại cho nhà băng.
Các nhà xuất khẩu còn cho biết, đợt điều chỉnh tỷ giá lần này chưa hẳn đã đem lại lợi nhuận cho DN xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Út Xi, do hoạt động trong ngành tôm xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ nên việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ có tác động tốt cho Út Xi. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho biết, đầu năm 2011, tình hình xuất khẩu tôm không thuận lợi như mong đợi do không có nguyên liệu. Vì thế, hầu hết nhà máy sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực tôm đều giảm sút trong hai tháng đầu năm, nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá chưa đem lại lợi nhuận gì cho Công ty.
Mặt khác, ông Tuấn Anh còn cho rằng, đối với DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung, cước phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đều phải trả bằng ngoại tệ nên chi phí sẽ tăng theo điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, nguyên liệu cũng phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu như: bột cá, bột đậu nành, bột ngô đang tăng theo giá ngoại tệ.
“Thực ra, tăng 9,3% tỷ giá liên ngân hàng thì phần lời các DN xuất khẩu nhận được khoảng 2 - 3%. Nhưng điều đó còn tùy theo chiến lược của mỗi công ty sau khi có nguồn thu ngoại tệ về có găm giữ USD hay không”, ông Tuấn Anh nói.
Nhìn chung, đợt điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng trong ngày 11/2 đã được nhiều người dự đoán trước. Vì thế, khó tránh khỏi việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trước khi NHNN thực hiện việc điều chỉnh trên. Theo một cán bộ trong ngành ngân hàng, việc tích trữ ngoại tệ để “đón” tỷ giá không chỉ với các cá nhân mà còn có cả nhiều tổ chức, trong đó không loại trừ DN và ngân hàng.
Do đó, sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh khá mạnh, những người đang nắm giữ ngoại tệ vẫn chưa vội bán ra. “Trước mắt, họ sẽ xem xét diễn biến của tỷ giá trên thị trường tự do và có thể trong 1 - 2 tuần sau mới quyết định bán hay tiếp tục găm giữ. Trong trường hợp tỷ giá giao dịch trên thị trường chợ đen tiếp tục lình xình quanh ngưỡng 21.700 đồng/USD thì những người này sẽ bán”, vị cán bộ trên nhận định.
Nhưng ngược lại, nếu tỷ giá giao dịch ngoài thị trường tự do có tiềm năng chạm tới ngưỡng 22.000 đồng/USD hoặc đạt mức kỳ vọng cao hơn, các nhà đầu cơ sẽ chưa vội bán ra mà tiếp tục xem xét diễn biến thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, tỷ giá tự do sẽ khó tăng cao sau động thái điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN mới đây.
Thực tế, tỷ giá niêm yết chính thức trong các NHTM hiện nay đã là 20.900 tỷ đồng, gần sát với tỷ giá giao dịch ngoài thị trường tự do, nên sẽ thu hút được nguồn kiều hối ở lại và ngoại tệ sẽ vào ngân hàng nhiều hơn trước đây. Và các nhà xuất khẩu cũng buộc phải bán ngay ngoại tệ khi có nguồn thu nếu họ đã sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ (để tránh áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng) và cam kết bán lại USD cho ngân hàng.
Trả lời phóng viên , ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, sau khi tỷ giá được điều chỉnh, các DN vay USD cũng không quá lo ngại, vì họ đã định giá hàng hóa theo tỷ giá như điều chỉnh. Mặt khác, sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ lúc này, DN sẽ tránh được áp lực lãi suất thỏa thuận cao của tiền đồng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngân hàng cho rằng, DN vay vốn bằng ngoại tệ cần có giải pháp cân đối nguồn ngoại tệ trả nợ, đồng thời dự phòng cho biến động thị trường về tỷ giá và lãi suất.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com