Tăng lãi suất để chống lạm phát là đúng nhưng lãi suất cao do cách thức bơm tiền không đúng địa chỉ từ NHNN là điều DN không thể hiểu nổi.
Đầu năm có dịp ngồi bàn tròn với nhiều CEO (giám đốc điều hành), trong đó có không ít vị học rất bài bản ở nước ngoài, tôi thấy có nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Dòng tiền vẫn qua “thương lái tiền tệ”
Nhiều DN có những ước mơ thật đơn giản. Họ muốn biết thật cụ thể, chẳng hạn thời gian ngắn sắp đến tỉ giá có còn tăng hay không, lãi suất rồi sẽ ra sao. Họ mong sự tăng giảm này tuân theo những nguyên tắc của thị trường.
Tăng lãi suất để chống lạm phát là điều không có gì phải bàn cãi nhưng lãi suất cao do méo mó và cách thức bơm tiền không đúng địa chỉ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại là điều không thể hiểu nổi đối với DN. Họ không biết vì sao lại diễn ra tình trạng này nhưng điều làm họ ngạc nhiên nhất là vì sao đây là điều ai cũng thấy được nhưng không ai giải quyết?
Theo lẽ thường, tiền bơm từ ngân hàng trung ương các nước đều có chủ đích, với đối tượng thụ hưởng chính mà ngân hàng trung ương muốn hướng đến là ai, quy mô và thời điểm bơm hoặc hút tiền về là thế nào. Còn ở Việt Nam, chẳng lẽ do đặc thù riêng nên tiền bơm từ NHNN chủ yếu phải qua tay các “lái buôn” là ngân hàng quốc doanh rồi mới đến tay thị trường?
DN mong có câu trả lời
Đợt điều chỉnh tăng tỉ giá mới đây, Chính phủ vẫn còn nợ DN nhiều câu trả lời. Quyết định tăng mạnh tỉ giá có làm cho lạm phát vượt mức 7% như cam kết của Chính phủ? Thậm chí báo chí trong nước đưa tin Eurocham còn đưa ra khả năng lạm phát 2011 sẽ vượt 10%.
Thực hư thế nào? Các DN cần câu trả lời từ phía Chính phủ. DN tin rằng rồi đây Chính phủ sẽ có cách nghiêm trị hay tìm ra được chiêu thức đối phó với hành vi té nước theo mưa, sẽ không còn việc Chính phủ vay nợ quốc tế với giá rẻ thay cho các tập đoàn nhà nước, Chính phủ sẽ không còn dè dặt với các ngân hàng phá rào làm méo mó lãi suất. Tin chắc như thế, DN mới không có tâm lý đưa hết những bất định và rủi ro vào trong giá bán dù biết rằng làm như thế thì họ cũng đâu được lợi lộc gì.
Nếu mục tiêu lạm phát lại cứ được điều chỉnh liên tục như thông lệ, với những lý giải từ những nguyên nhân khách quan do giá thế giới tăng, thì hãy nhìn xem các nước quanh ta cũng có khác gì mình đâu mà mục tiêu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Thậm chí các nước còn không có được niềm tự hào với những tập đoàn mạnh của Nhà nước làm nòng cốt để hỗ trợ Chính phủ trong những thời khắc khó khăn như Việt Nam.
Chưa nói đến hành động cụ thể sau này thế nào, điều đơn giản mà các DN mong muốn là cùng với điều chỉnh tỉ giá hay tăng giá điện, than, xăng…, Chính phủ phải đưa ra một chương trình hành động thật cụ thể để giải thích cho thị trường và các DN rằng Chính phủ sẽ có những bước đi mang tính bước ngoặt để giảm những tác động không mong muốn của việc tăng tỉ giá hoặc giá điện, than, xăng, dầu sắp tới. Chẳng hạn, chuyện trước mắt thật dễ giải quyết là đến khi nào sẽ chấm dứt tình trạng lãi suất cao do méo mó trong hệ thống ngân hàng. Dường như đây là chuyện nhạy cảm nên không mấy ai dám đề cập đến nơi đến chốn. Nếu câu hỏi này vẫn còn được tiếp tục đặt ra thì kỳ vọng kiểm soát, giảm thiểu lạm phát khó lòng giải quyết.
Cần tăng trách nhiệm sau mỗi lần điều chỉnh
Cú sốc tăng tỉ giá và lãi suất vừa qua, rất tiếc, lại thiếu đi những giải trình đến nơi đến chốn. Chúng ta chỉ mới thấy lãnh đạo ngành tài chính tiền tệ đưa ra lời giải thích mang tính trấn an là chính. Điều quan trọng là Chính phủ phải có kế hoạch thật toàn diện để DN và công chúng tăng niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Động thái tăng tỉ giá vừa qua được các phương tiện truyền thông thế giới đánh giá khá cao. Song họ đều cho rằng động thái này chỉ mới là một nửa của giải pháp. Mà nửa giải pháp thì không phải là giải pháp. Nếu Chính phủ không có những kế hoạch toàn diện đi kèm, e rằng môi trường đầu tư của chúng ta khó được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
DN mong chờ gì ở Chính phủ trong thời điểm khó khăn này? Thật đơn giản. Trước mắt cái gì vô lý phải làm cho nó bớt vô lý hơn. Chẳng hạn tiền mà NHNN bơm ra thị trường phải đúng địa chỉ để chấm dứt tình trạng “thương lái tiền tệ” mua rẻ bán đắt lãi suất nhờ vị thế độc tôn. Điều đơn giản cuối cùng là các chính sách vĩ mô phải giúp các DN yên tâm theo đuổi chuyện làm ăn, kinh doanh của mình.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com