Việc giảm lãi suất xuống mức hợp lý có thể thực hiện được nhưng không phải bằng các biện pháp hành chính, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam trao đổi với Đất Việt.
- Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thắt chính sách tiền tệ quá mạnh thời gian qua đã gây khó cho DN. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
- Đúng là trong quý I/2010, lượng tín dụng đưa ra thị trường rất ít trong khi lãi suất (LS) ngân hàng tăng vọt trở lại khiến nhiều DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn và không muốn vay do điều kiện vay không có gì thay đổi, LS quá cao trong khi DN làm ăn không có lãi.
Thêm vào đó, giá xăng dầu, điện nước, tỷ giá USD lại được điều chỉnh tăng làm chi phí bị đội lên, khiến DN càng khó khăn. Tuy vậy, với những giải pháp Chính phủ đề ra trong phiên họp thường kỳ tháng 4, trong 2 tháng gần đây, việc cung ứng ngoại tệ tốt hơ: tỷ giá, LS cũng đều được điều chỉnh để DN có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.
- Nhưng báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng LS ngân hàng vẫn ở mức cao, do vậy, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn bị hạn chế…?
- So với tình hình hiện nay, LS ngân hàng vẫn cao và Chính phủ có chủ trương sẽ giảm xuống ở mức 10%/năm đối với LS tiền gửi và 12%/năm đối với LS tiền vay. Đó là chủ trương đúng, hoàn toàn có thể “ép” LS xuống được, nhưng không thể “ép” bằng biện pháp hành chính, bằng những tuyên bố phải giảm LS xuống chừng này, chừng nọ. Làm như vậy có khi còn phản tác dụng.
Để hạ LS, cần thực hiện những chính sách kinh tế vĩ mô rõ ràng như cung ứng tín dụng tốt hơn, đúng địa chỉ hơn, có hiệu quả hơn để tạo việc làm, tạo thu nhập, tăng sức mua đồng thời nâng cao khả năng thu hồi được nợ.
Bên cạnh đó, cần giảm bội chi ngân sách, cải thiện nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu… để cải thiện cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, cán cân thương mại; giảm lãng phí trong đầu tư nhằm cải thiện hệ số ICOR; đơn giản hóa thủ tục hành chính; củng cố thị trường nội địa… Làm được như vậy sẽ tăng được vốn, thu nhập, sức mua của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và người dân, từ đó tự nhiên sẽ tạo ra sự cạnh tranh để giảm LS.
- Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của điều hành kinh tế năm 2010 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt. Ông bình luận gì về điều này?
- Việc xác định trọng tâm như vậy là hoàn toàn đúng. Hiện tại, những yếu tố để chặn lạm phát đã rõ, những yếu tố tạo thời cơ thúc đẩy tăng trưởng cũng xuất hiện. Cho nên, giữa mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát đến mức nào cần phải được chỉ rõ. Với những yếu tố làm tốc độ tăng trưởng tăng lên nhanh trong năm nay (như đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; khai thác thị trường nội địa, củng cố các thị trường bất động sản, chứng khoán… đang được cải thiện rõ rệt) thì phải khai thác ngay mà muốn khai thác được, yếu tố tiền tệ tạo ra phải nhiều, linh hoạt, kịp thời hơn. Ngược lại, với những cái khó đang xuất hiện, đe dọa lạm phát (như hiệu số ICOR, nhập siêu, bội chi ngân sách còn cao) thì cũng phải rất linh hoạt kiềm chế lại.
- Ông vừa đề cập đến việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu và điều chỉnh tỷ giá hồi đầu năm. Có ý kiến cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến trong quý I. Có cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong vấn đề này?
- Trách nhiệm thì đã rõ rồi, chỉ còn quan điểm xử lý thế nào thôi. Theo tôi đương nhiên là cần phải xử lý trách nhiệm.
- Xin cảm ơn ông.
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com