Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tinh lọc và định hướng đầu tư

Theo số liệu thống kê, hiện nay vốn từ khu vực FDI chiếm trên 40% tổng nguồn vốn huy động phát triển kinh tế; đóng góp vào GDP cả nước khoảng 30%. Thế nhưng, chất lượng thực sự của khu vực này còn nhiều điều cần phải xem xét, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Nidec Tosok (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Công nghệ cũ, giải ngân thấp, chuyển giá ra ngoài

Chất lượng của FDI trước hết thể hiện ở con số giải ngân, nghĩa là những đồng vốn thực sự được hấp thụ vào nền kinh tế. Giải ngân vốn FDI là bài toán khó và cũng là vấn đề quan trọng, then chốt. Năm 2008, cả nước thu hút trên 64 tỷ USD vốn FDI đăng ký, năm 2009 thu hút trên 21 tỷ USD nhưng trong 2 năm qua thực tế chỉ mới giải ngân được 2l,5 tỷ USD, bằng khoảng 25% vốn đăng ký.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), khuyến nghị thay vì quá tập trung vào việc tìm kiếm thêm dự án mới, năm nay cần chú trọng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã đăng ký. Yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực có kỹ năng đang là những “nút thắt cổ chai” đối với việc triển khai nhanh và có hiệu quả các dự án FDI. Mặt khác, do ta cũng chạy theo thành tích, quá mê những đại dự án mà không xem kỹ thực lực của nhà đầu tư.

Đó là chưa kể đến việc các dự án FDI kém hiệu quả là do hệ quả của quá trình thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đã có không ít các doanh nghiệp FDI tận dụng yếu tố lao động rẻ để đầu tư vào các ngành công nghiệp gia công với công nghệ không cao, thậm chí với máy móc không phải thật hiện đại, để tạo ưu thế về chi phí sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp này không chỉ thu lãi trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà còn làm cho các công ty ở chính quốc tăng lợi nhuận khi tính cao giá công thiết kế, bản quyền, hậu cần hay tư vấn... Cuối cùng, lợi nhuận thực đã “chảy” ra nước ngoài.

Một câu chuyện thời sự đang được đề cập gần đây là thủ thuật “chuyển giá” của doanh nghiệp FDI. Theo số liệu công bố mới đây của Cục Thuế TPHCM, trong số 1.254 doanh nghiệp có vốn FDI nộp hồ sơ báo cáo thuế năm 2008, có đến 708 doanh nghiệp báo lỗ, trong đó có đến gần 90% hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Đây rõ ràng là điều vô lý và không bình thường khi hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam, dù phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu của nước ngoài, đều làm ăn có lãi. Các doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước khi có các công ty mẹ ở chính quốc sản xuất nguyên phụ liệu, sợi bông dệt vải, các phụ liệu. Họ sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho các công ty con ở nước ngoài sản xuất. Vậy vì sao các doanh nghiệp này bị lỗ?

Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại là việc chuyển giao công nghệ. Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, giai đoạn 2004-2009, chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là: 8,6; 3,1 và -17,6. Theo nghiên cứu này, hệ số TFP của khối nhà nước cao nhất cho thấy mặc dù vốn đầu tư rót vào khu vực này nhiều (đầu tư không hiệu quả) nhưng sự chuyển giao công nghệ là có thật.

Trong khi ở khối FDI thì chỉ số này lại âm (-17,6). Như vậy, ở khu vực có vốn FDI, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các yếu tố khác, ví dụ lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ. Trên thực tế, khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều cũ kỹ hoặc đã khấu hao hết.

Gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Cùng với đà phục hồi tăng trưởng và vị thế ngày càng cao của nền kinh tế, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp để chọn lọc những gì cần thiết cho nền kinh tế nước ta từ nguồn vốn FDI trong giai đoạn tới. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết trong năm nay sẽ hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng, như công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Các ngành khác cũng nhận được sự ưu tiên là chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành sản xuất có tỷ trọng xuất khẩu lớn.

Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, thu hút FDI trong năm 2010 phải gắn chặt với quá trình tái cấu trúc kinh tế; thu hút FDI hướng vào những ngành nghề, sản phẩm cụ thể, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả của nguồn vốn này.

Muốn làm được như vậy, cần xây dựng quy hoạch tổng thể về thu hút FDI. Từ trước đến nay, chúng ta mới định hướng thu hút FDI mà chưa xây dựng một quy hoạch, chiến lược thu hút FDI gắn với các loại quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành... Sau khủng hoảng kinh tế, nhiều nước trên thế giới bắt đầu tiến hành tái cấu trúc kinh tế theo hướng tập trung phát triển những sản phẩm có công nghệ đi tắt đón đầu, đem lại lợi nhuận cao.

Vì vậy, cần dự báo đúng luồng luân chuyển vốn FDI của thế giới, xu hướng của các nhà đầu tư, từ đó nắm bắt, điều chỉnh chiến lược thu hút vốn FDI vào nước ta. Hiện nay, dòng vốn FDI vào các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh và chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng như ô tô, hóa chất, kim loại... sẽ không khả quan trong năm 2010 và ta không cần thu hút đầu tư các ngành này trong giai đoạn tới.

Đã đến lúc cần có những “khoảng lặng” cần thiết để từ đó xem xét, đánh giá chất lượng thực sự của dòng vốn FDI và các chính sách thu hút FDI được triển khai trong thời gian qua. Đó là đề ra bài toán tổng thể để khắc phục được những lỗ hổng, những mặt trái của thời kỳ “trải thảm đỏ” FDI.

Vốn đầu tư nước ngoài có nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích cho nước nhận đầu tư, nhất là với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như nước ta. Tuy nhiên, bản thân vốn FDI không phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển và thịnh vượng, mà quan trọng là chúng ta sử dụng nguồn vốn đó như thế nào mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.

Mặt trái cơ chế phân cấp

Theo ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, năm 2008 có 28% dự án FDI liên quan đến sắt thép nhôm, 22% về chế biến dầu khí, 39% về căn hộ, văn phòng. Điều đó cho thấy, mức đầu tư tăng vọt không chỉ do sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà có phần do các doanh nghiệp bên ngoài tranh thủ lợi dụng sự dễ dãi, sơ hở trong chính sách của ta về khai thác tài nguyên, cấp đất đai, bảo vệ môi trường… Cũng đã có hiện tượng nhà đầu tư thổi phồng quy mô vốn và khả năng sinh lời của dự án để dễ được cấp phép, nhất là khi phân cấp mạnh việc cấp phép về địa phương.

“Phân cấp quản lý đầu tư thực ra là dân chủ hóa trong quản lý kinh tế, là điều tất yếu trong  phát triển kinh tế. Nhưng không phải cái gì cũng phân cấp. Có những vấn đề buộc phải tập trung về trung ương. Muốn phân cấp hiệu quả phải có sự chuẩn bị đầy đủ. Ví dụ, có những thứ dứt khoát không thể phân cấp cho địa phương được, đó là cơ chế chính sách, là quy hoạch tổng thể của vùng, của cả nước” - ông Giá nói.

Trước đây, một dự án thép được thẩm định kỹ lưỡng, chuyên gia của nhiều bộ ngành cùng ngồi lại xem xét. Nay các dự án thép với quy mô hàng tỷ USD, chỉ mỗi Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, làm sao thẩm định nổi. Sự phân cấp đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh thành, ưu đãi tới mức xâm hại đến lợi ích quốc gia, chẳng hạn trong vấn đề thuế, cấp đất. Bên cạnh đó, cạnh tranh dẫn tới việc các tỉnh thành có thể làm những việc vượt thẩm quyền. Có thể thấy phân cấp là xu hướng tất yếu, song thực tế thực hiện ra sao cần phải tiếp tục xem xét, rút kinh nghiệm để điều chỉnh.


(theo Bảo Minh/SGGP)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bội chi ngân sách 2009 là bao nhiêu?
  • Để không có những rủi ro đáng tiếc
  • Hệ lụy lớn khi đất đai biến thành… sổ tiết kiệm
  • “Nên giảm mức độ thắt chặt tiền tệ để hạ thêm lãi suất”
  • Khách hàng mặc cả, nhà băng gặp khó
  • Việt Nam đang dư thừa ngoại tệ?
  • Chính phủ khẳng định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
  • Gian lận chứng khoán sẽ bị tịch thu lợi nhuận
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!