Các giải pháp ngắn hạn nhắm tới mục tiêu dài hạn là mục tiêu cơ cấu lại danh mục đầu tư, nâng cao chất lượng đầu tư công để nâng cao được hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng.Quyết liệt chống lạm phát, hay giờ là ngăn chặn suy giảm kinh tế, thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hay kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển…, dù được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nhưng trên một bình diện nào đó, vẫn chỉ là những giải pháp trước mắt.
Hay nói đúng hơn, mặc dù trong ngắn hạn, đó là những biện pháp đúng đắn và hiệu quả, nhưng mới chỉ chữa được “chứng”, chứ chưa chữa được tận gốc những bất ổn của nền kinh tế. Bởi vậy, cùng với những biện pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt, không thể quên các bước chuẩn bị cho dài hạn.
Năm 2008 đã qua đi, với những khó khăn và thách thức khôn lường, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể nhìn nhận ra những điểm yếu của nền kinh tế. Không chỉ là những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế là sự thiếu linh hoạt của thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, mà cả những vấn đề liên quan đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro và cả sự phụ thuộc khá lớn vào xuất nhập khẩu…
Trong năm qua, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã quyết định cắt giảm đầu tư công. Dù chỉ là một trong những biện pháp ngắn hạn, song cái đích quan trọng mà biện pháp này hướng tới cũng là trong dài hạn: cơ cấu lại danh mục đầu tư, nâng cao chất lượng đầu tư công.
Tuy chưa thật sự đi tới được cái đích quan trọng nhất, song biện pháp này cũng đã phần nào thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các mục tiêu dài hạn. Bên cạnh đó, cùng với kích cầu đầu tư và tiêu dùng trước mắt, việc tăng cường cơ sở hạ tầng cho tương lai cũng đã được coi trọng.
Tuy nhiên, thế vẫn còn chưa đủ, còn cần nhiều hơn những biện pháp để tiếp tục đổi mới và cải cách nền kinh tế. Không thể mãi xuất khẩu các sản phẩm dưới dạng thô. Không thể tiếp tục là một công trường gia công để cứ ở mãi điểm đáy của parabol chuỗi giá trị toàn cầu. Vốn đầu tư nước ngoài cũng cần được nhìn nhận ở khía cạnh chất lượng nhiều hơn… Hơn lúc nào hết, vấn đề chất lượng của tăng trưởng được đặt lên hàng đầu.
Đổi mới là một quá trình không ngừng. Khó khăn sẽ thúc đẩy Việt Nam tìm hướng đi cho tương lai, nhất là khi cho dù trong năm tới, nền kinh tế được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song không phải là không có điểm tựa để vươn lên.
Toàn thế giới suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn giữ tốc độ khá. Sự ổn định về chính trị, xã hội sự mở rộng về quy mô của thị trường nội địa, sự gia tăng năng lực sản xuất mới, nhất là điện, xi măng, phân bón trong năm 2009 và cả những bài học về điều hành kinh tế trong năm qua sẽ là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu đã đề ra cho năm mới và chuẩn bị các bước cải cách trong trung và dài hạn.