Năm 2008 - một năm đầy biến động không chỉ với nền kinh tế Việt Nam mà cả với nền kinh tế toàn cầu. “Sóng gió” khủng hoảng nói chung đã tác động mạnh tới các khoản đầu tư lớn, nhỏ của mọi nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực từ chứng khoán, vàng, ngoại tệ tới bất động sản. Nhiều nhà đầu tư sẽ phải ngồi tổng kết những khoản thua lỗ không nhỏ trong năm qua do những rủi ro ngoài dự tính mang lại, đồng thời lên kế hoạch “giải ngân” nguồn vốn cho năm sau nhằm “bù lỗ” và hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Thế nhưng tại thời điểm này, việc lựa chọn kênh đầu tư không phải là điều dễ dàng khi mà khủng hoảng tài chính thế giới vẫn chưa nhìn thấy điểm dừng và tình hình kinh tế trong nước dù đã được cải thiện song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vàng - kỳ vọng chông chênh
Vàng và USD là hai kênh đầu tư chịu tác động của nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt mặc dù hai thị trường này đều chưa có sự liên thông với thị trường thế giới song những ảnh hưởng từ thị trường thế giới tới nhu cầu cũng như giá của hai loại hàng này rất rõ nét.
Thị trường vàng thế giới vào quý I/2008 leo thang và liên tiếp lập kỷ lục về giá do nhu cầu nhà đầu tư tìm kiếm tới phương tiện này như một nơi tránh bão an toàn khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ bắt đầu suy thoái. Đáng nhớ nhất là sau vụ sụp đổ của Tập đoàn đầu tư Bear Steams, giá vàng giao ngay tại New York đóng cửa ở mức 1.002,8 USD/oz, thậm chí có lúc vọt lên tới 1.030 USD/oz. Sang quý II, những yếu tố khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm khiến kim loại quý này luôn vững vàng ở mức giá cao trong khoảng 860-930 USD/oz. Tại thị trường trong nước, đây cũng là thời kỳ giao dịch rất sôi động của giới đầu tư vàng, đặc biệt là trên thị trường tự do, khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô đi mua vàng. Giá vàng trong nước được giao dịch trong khoảng 1,8-1,9 triệu đồng/chỉ và cũng liên tục lập kỷ lục mới, có những lúc lên tới 1.950.000 đồng/chỉ.
Khả năng NHNN cấp phép nhập khẩu vàng trở lại vào năm 2009 sẽ tác động tích cực tới giá vàng trong nước, là yếu tố giúp giá vàng ổn định hơn. |
Trồi sụt mạnh mẽ là nét chính của thị trường vàng trong quý III/2008. Giá vàng thế giới dao động mạnh trong khoảng 750-980 USD/oz. Thời điểm này thị trường trong nước thường có xu hướng biến động ngược hoàn toàn so với thế giới. Và từ tháng 6/2008, khi Nhà nước ngừng cấp phép nhập khẩu vàng thì giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới.
Hai tháng đầu quý IV, khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa có điểm dừng mà vẫn tiếp tục lan rộng, thị trường vàng thế giới đi xuống, có lúc chỉ còn 709,5 USD/oz nhưng sang tới tháng 12/2008, nhà đầu tư lại có dấu hiệu quay lại khiến giá vàng có xu hướng liên tục phục hồi. Giá vàng trong nước cũng theo một kịch bản tương tự nhưng mức giao dịch trong quý này ảm đạm, nhu cầu mua bán đều rất thấp do giá không hấp dẫn.
Giá vàng thế giới biến động quá lớn, có ngày tăng giảm 5 -10%. Diễn biến này chỉ phù hợp với người đầu cơ vàng trên tài khoản (vàng ảo), có thể mua bán ngay trong "tích tắc". Hiện phần lớn người dân mua vàng để cất giữ, gửi ngân hàng nên khó xoay trở để tận dụng cơ hội khi giá vàng biến động có lợi cho mình.
Chứng khoán - Mong đợi phập phồng
Những dự báo đầy hứa hẹn về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008 được đưa ra vào cuối năm 2007 đều đã không thành hiện thực. Năm 2008 khép lại là một năm đáng nhớ với thị trường chứng khoán Việt Nam khi hai từ “giảm giá” xuất hiện tại phần lớn các phiên giao dịch. Từ đầu năm 2008 tới thời điểm này, mức giảm của 2 chỉ số Index đã lên tới mức hơn 67% chỉ tính riêng từ đầu năm 2008. So với đỉnh 1.170,67 điểm của thị trường vào tháng 3/2007, VN-Index đã giảm 74,3%, kèm theo tính thanh khoản xuống thấp chưa từng có. Sự tăng hay giảm của giá chứng khoán phụ thuộc nhiều vào lượng tiền đổ vào thị trường, nhưng lượng vốn này có xu hướng ít dần trên thị trường trước tác động từ những luồng thông tin xấu về tình hinh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra khá rõ nét ở khối nhà đầu tư nước ngoài khi khối này liên tục duy trì bán ròng trong những tháng cuối năm 2008 trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Sau 1 năm sụt giảm, đến nay, P/E của Việt Nam đã giảm xuống mức khá hấp dẫn 8,01 lần |
Tuy nhiên, sau 1 năm sụt giảm, đến nay, P/E của Việt Nam đã giảm xuống mức khá hấp dẫn 8,01 lần, trong khi tình hình hoạt động kinh doanh của DN niêm yết vẫn đạt các chỉ tiêu điều chỉnh đã đề ra. Đây có vẻ là thời điểm tốt để mua vào và thực tế đã chứng minh trong tháng cuối năm, nguồn vốn ngoại đã dần quay lại thị trường và chủ yếu mua vào các bluechips ở cả hai sàn. Tuy nhiên, sang năm 2009, sự phục hồi của kinh tế thế giới và mức tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn là một thách thức khá lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ chỉ ở mức 5-5,5% năm 2009. Tất cả những vấn đề nổi cộm trong năm 2008 như nhập siêu, lạm phát, thị trường bất động sản, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn là ẩn số. Trong tình trạng đó, triển vọng kinh doanh của các DN trong năm tới không được kỳ vọng cao.
Với tình hình kinh tế được dự báo là sẽ không mấy sáng sủa hơn trong năm 2009 bên cạnh thị trường bất động sản còn chưa thấy tín hiệu lạc quan (hậu quả của cơn sốt nhà đất đầu năm 2008 để lại được giới phân tích cho rằng sẽ còn kéo dài trong nhiều năm), thì việc chọn kênh đầu tư quả là vấn đề khá “hóc búa”. Trong tình hình lạm phát dần ổn định, biện pháp tốt nhất nếu có tiền nhàn rỗi có lẽ là chia ra nhiều kênh đầu tư để tối thiểu hóa rủi ro. Gửi tiết kiệm bằng VND cũng là một trong số biện pháp hiếm hoi ít rủi ro cho dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức “khó hình dung” so với hồi giữa năm 2008 và có chiều hướng tiếp tục giảm.
Tiền tệ: Đồ nhà vẫn hơn !
Theo kinh nghiệm từ các ngân hàng thương mại qua các năm cũng như theo tình hình thực tế khi chỉ số giá tiêu dùng (tính bằng tiền Việt Nam) hiện đang giảm liên tục, việc tích trữ USD không có lợi bằng VND. Tại thời điểm hiện tại, lãi suất tiết kiệm USD chỉ còn 3-4%/năm trong khi lãi suất VND hiện là 8%/năm. Theo tính toán, sang 2009, biến động tỷ giá phải trên 5% nhà đầu tư mới nên đi theo kênh đầu tư này. Vả lại, dù thế nào thì Chính phủ cũng sẽ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá theo hướng đảm bảo người giữ VND có lợi hơn so với USD.
Hơn nữa, giới kinh doanh ngân hàng đang cho rằng lãi suất USD tại Việt Nam hiện quá cao (so với mặt bằng chung trên toàn cầu). Nhiều ngân hàng đang thừa USD, do vậy khả năng lãi suất VND này còn giảm sâu hơn nữa là điều hoàn toàn có thể khi nhu cầu vay USD không cao, và khi lãi suất cho vay VND đang và sẽ còn tiếp tục giảm.
Diễn biến USD index năm 2008
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com