Như vậy, trong sáu "ông hàng xóm" trên, có bốn "ông" bị ốm (tức là bị lỗ), trong đó "ông" chứng khoán bị lỗ nặng nhất, tiếp đến là "ông" bất động sản, "ông" vàng và "ông" giá tiêu dùng cũng bị lỗ. Chỉ còn có hai "ông" có lãi là "ông" USD và "ông" tiết kiệm.
Đó là nói về quá khứ (mà quá khứ chỉ là kinh nghiệm). Điều quan trọng khi tìm địa chỉ để "tiền đẻ ra tiền" là dự đoán được xu hướng biến động trong thời gian tới sẽ ra sao và những yếu tố tác động đến sự biến động đó.
"Ông" nào sẽ khỏe?
"Ông" hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khả năng tháng 1 - 2 giá sẽ tăng, bởi có Tết dương lịch và Tết âm lịch, nhưng sẽ tăng thấp, thậm chí còn tăng thấp hơn cả tốc độ tăng cùng kỳ của năm 2001 (là năm mà tháng 1 tăng 0,3%, tháng 2 tăng 0,4%, bình quân 1 tháng chỉ tăng 0,35%).
Từ tháng 3 trở đi, nhu cầu tiêu dùng của dân cư sẽ thấp hơn 2 tháng Tết, cộng với xuất khẩu có thể còn gặp khó khăn hơn và hàng ngoại có giá cả thấp nhập vào do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thì giá tiêu dùng sẽ giảm như đã từng xảy ra trong các năm trước đây (tính từ năm 1993 đến năm 2007 - tức 16 năm - thì có tới 11 năm giảm).
"Ông" vàng tới đây phụ thuộc vào hai yếu tố: giá vàng thế giới và tỷ giá VND/USD ở trong nước. Giá vàng thế giới tính bằng USD có thể sẽ tăng lên để "trú ẩn" an toàn trong điều kiện khủng hoảng, giá USD bị giảm so với các đồng tiền mạnh trên thế giới.
Nhưng do tăng trưởng kinh tế của Anh, EU, Nhật Bản cũng bị suy thoái và lãi suất tại đây cũng giảm mạnh so với trước đây (EU, Anh giảm còn một nửa, Nhật Bản còn 0,1%), nên việc tăng, giảm cũng vẫn xảy ra và chịu tác động của việc "mua vào ở đáy", "bán ra ở đỉnh" của các nhà đầu cơ trên thị trường thế giới.
Nói như thế, có nghĩa đầu tư vào vàng cũng rất bấp bênh, hơn nữa "cú" tăng cao lên đến 19,5 triệu đồng/lượng rồi giảm xuống 16,3 triệu đồng/lượng cách đây mấy tháng vẫn còn ám ảnh nhiều người, nhất là những người mua theo, bán theo.
"Ông" USD ở trong nước tới đây phụ thuộc vào giá USD trên thế giới và chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với việc hạ lãi suất chủ đạo xuống gần như bằng 0 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - tức gần như hết chỗ để hạ - về lý thuyết, lạm phát ở Mỹ sẽ tăng, đồng USD sẽ giảm giá; nhưng trên thực tế, các nước lại đẩy mạnh mua trái phiếu của Mỹ, lại làm cho đồng USD lên giá, Mỹ lại "xuất khẩu" lạm phát sang các nước.
Song do kinh tế Mỹ suy thoái, đồng USD nhìn chung vẫn trong xu thế giảm. Ở trong nước, để khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và do nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ không còn tăng với nhịp độ như trước, thậm chí có thể còn giảm, nên tỷ giá sẽ có xu hướng đứng hoặc có tăng cũng chỉ tăng nhẹ.
Hơn nữa, "cú" tăng cao đến 19.500 VND/USD trên thị trường tự do, sau đó lại giảm còn khoảng 17.000 VND/USD hồi tháng 5 - 6 năm ngoái vẫn còn ám ảnh nhiều người.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có sự chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng can thiệp khi có sự biến động lớn.
"Ông" chứng khoán sau khi xuyên thủng hết "đáy" này đến "đáy" khác, gần đây đã có xu hướng nhích lên. Đã có nhiều nhà đầu tư dự đoán, giá chứng khoán sẽ khó giảm xuống sâu nữa bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng, các tổ chức và nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu mua vào.
Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán cũng không thể tăng mạnh như đã từng tăng vào đầu năm như vài ba năm trước, mà có xu hướng diễn biến theo hình răng cưa, do tác động của các chỉ số chứng khoán thế giới; do cung hàng tăng (như việc IPO, lên sàn, phát hành bổ sung); do hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết thấp vì sản xuất và tiêu thụ chậm; do các nhà đầu tư lướt sóng vẫn thường "chốt lãi", "cắt lỗ" ngày một đông; do các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài hoặc là gặp khó khăn ở trong nước nên rút vốn ra nhiều hơn đưa mới vào, hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư, hoặc cũng "lướt sóng" như nhà đầu tư trong nước.
"Ông" bất động sản hiện có xu hướng bán ra nhiều hơn mua vào, vì hai lý do: thị trường đã lạnh lâu và mặt bằng giá tiếp tục giảm; người đầu cơ không dám đầu tư thêm, trong khi lượng vốn vay có lãi suất cao đã đến kỳ đáo hạn đang tìm cách rút ra, còn người có nhu cầu sử dụng thực thì lại có tâm lý chờ giá giảm xuống nữa mới mua vào.
"Ông" tiết kiệm sẽ có lãi kép (vừa có lãi danh nghĩa, vừa có lãi thực do cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng - tức là có lãi suất thực dương). Tuy lãi suất tiết kiệm hiện chỉ còn bằng một nửa cách đây gần một năm và có thể còn giảm nữa, nhưng vẫn còn cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng. Song, với những nhà đầu tư có gan (có chí làm quan, có gan làm giàu) thì gửi tiết kiệm chỉ là "tạm trú", con mắt của họ vẫn muốn đầu tư vào chứng khoán - nếu giỏi tính toán thì "lướt sóng", nếu không cũng "vất đấy" như đầu tư dài hạn thì kiểu gì cũng sẽ có lãi.
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com