NH bán USD, thị trường ngoại tệ bớt nóng nhưng vấn đề là nỗi lo “cháy“ lãi suất trở lại với thị trường nội tệ.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ cho biết: Vài tuần trở lại đây, nguồn cung ngoại tệ đang được cải thiện tốt do các doanh nghiệp đã bán ra. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã bán cho ngân hàng khoảng 350 – 400 triệu USD. Đã có thêm vài ngân hàng nữa tuyên bố bán ngoại tệ tiền mặt cho người dân. Một số ngân hàng bắt đầu có chủ trương phục vụ nhu cầu này do chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nới ra như cho thu phí, tạo điều kiện hơn… Bởi thế, để đáp ứng nhu cầu của người dân thì NHNN cần có quy chế rõ ràng để cả hệ thống triển khai.
Dù hạn chế số lượng theo mục đích sử dụng cụ thể, nhưng cam kết bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân của một số ngân hàng thương mại đã phần nào hé mở cánh cửa nguồn cung ngoại tệ tưởng chừng bị đóng chặt trong thời gian qua. Theo đó, DongABank (DAB) cho biết sẽ bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân nếu có nhu cầu chính đáng và các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng đúng quy định. Khách hàng cá nhân khi đi du lịch, thăm viếng người thân, đi công tác, khám chữa bệnh hay du học ở nước ngoài sẽ được mua ngoại tệ ở nước sẽ đến và trong trường hợp không có đồng tiền nước đó. Ngân hàng này sẽ xem xét bán EUR cho khách hàng; lượng ngoại tệ cam kết bán ra căn cứ cụ thể theo mục đích sử dụng cũng như thời gian mà khách hàng lưu trú tại nước ngoài với mức cao nhất dành cho du học sinh có thể tương đương 7.000 USD/năm/người. Eximbank cũng là ngân hàng triển khai bán ngoại tệ cho người dân đúng giá không thu phí. Eximbank sẽ đáp ứng các nhu cầu tiền mặt với các loại ngoại tệ chủ yếu là USD, AUD, CAD, CHF, EUR, GBP, HKD, JPY, SGD, THB… Việc đáp ứng được căn cứ theo điểm đến của người mua là quốc gia nào để xác định bán đồng bản tệ của quốc gia đó. Trên cơ sở khách hàng xuất trình đầy đủ các chứng từ chứng minh mục đích mua, Eximbank sẽ xác định các hạn mức cụ thể.
Ngày 28/3, lãi suất trên thị trường mở (liên ngân hàng) đã tăng rất mạnh. Kỳ hạn 1 tuần vọt lên 21-22%/năm, tăng 2-3%/năm so với cuối tuần trước; kỳ hạn 1 tháng lãi suất có lúc lên đến 23%/năm. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, nhu cầu vốn đáp ứng thanh khoản trước mắt của một số ngân hàng nhỏ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng nhiệt đáng kể của mặt bằng lãi suất trên thị trường mở. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các giao dịch VND vẫn tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn (qua đêm và 1 tuần) với doanh số giao dịch của hai kỳ hạn chiếm đến 69% tổng doanh số.
Trên thị trường, để thu hút vốn của người dân, sau khi tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn, nhiều ngân hàng thương mại cũng nâng lãi suất kỳ hạn tuần lên sát trần 14%/năm. Từ chỗ chỉ 2-3%/năm thì hiện lãi suất không kỳ hạn đã lên tới 9-11%/năm. Lãi suất kỳ hạn ngắn cũng được đẩy lên cao ngang bằng kỳ hạn dài. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tuần phổ biến tại các ngân hàng từ 13,9-13,97%/năm, tức chỉ thấp hơn 0,03-0,1%/năm so với trần lãi suất. Huy động vốn khó khăn, các ngân hàng chỉ biết giành thị phần của nhau bằng việc tăng lãi suất huy động và áp dụng đủ “chiêu” lách luật. Để tránh thiệt thòi cho khách hàng gửi tiền trước hạn không được lãi suất cao, các ngân hàng đồng loạt triển khai hình thức gửi tiền có kỳ hạn nhưng rút gốc linh hoạt, lãi suất thực gửi, tiết kiệm lãi suất thả nổi… Thực tế đây chính là hình thức gửi tiền không kỳ hạn mà vẫn được hưởng lãi suất cao, thậm chí ngang bằng với có kỳ hạn. Hoạt động này đang làm méo mó thị trường, gây tâm lý và hiệu ứng bất ổn cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng do phải giữ chân khách hàng đã phải chạy theo hiệu ứng đám đông, nâng lãi suất không kỳ hạn và áp dụng lãi suất thả nổi cao.
Theo khảo sát Động thái doanh nghiệp quý I/2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, có 85% cho rằng lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay quá cao. Chỉ 19% doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay này hợp lý.
Có tới 33% số doanh nghiệp cho biết không thể chịu được mức này lâu dài.
Với mức lãi suất hiện tại, doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư chiều sâu để phát triển trong dài hạn và dễ bị đẩy sang hướng đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn hoặc đầu cơ vào các dự án rủi ro nhưng thu lời cao.
Lãi suất tăng khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ cũng tăng lên. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau giai đoạn phục hồi, 43% doanh nghiệp đã không thể tăng giá bán. Thậm chí, 14% số doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cạnh tranh.
Do đó, chỉ có 30,2% doanh nghiệp tăng được lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm, trong khi có tới 33,3% doanh nghiệp chỉ số này bị giảm.
Đánh giá chung của 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tác động của môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô đến hoạt động doanh nghiệp trong quý I hầu như không thay đổi so với quý IV/2010. Chỉ có 26,5% doanh nghiệp được hưởng lợi từ các yếu tố của môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô.
Trong số các ảnh hưởng tiêu cực, tác động của sự bất ổn kinh tế vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp là lớn nhất. Có tới 40% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ sự bất ổn này, trong khi chỉ có 18,8% doanh nghiệp nhận xét chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ các tác dụng tốt đến doanh nghiệp của họ.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh năm 2011, nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp đó là giảm lãi suất ngân hàng và kiểm soát tham nhũng.
Qua khảo sát, VCCI cũng đưa ra 5 nội dung quan trọng khác mà Chính phủ cần phải nỗ lực cải thiện: Tăng tính minh bạch và nhất quán của hệ thống pháp lý, chính sách. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, gian lận thương mại. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp. Bảo đảm việc cung ứng điện ổn định. Hỗ trợ vốn ưu đãi cho đầu tư chiều sâu.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com