Giá đất ở một số khu vực tại Hà Nội đang tăng một cách bất thường nhờ “kỹ nghệ thổi giá” của một bộ phận “cò đất”.
Đất sốt... trên giấy
Sau khi những "trường đoạn" sốt đất theo kiểu thổi giá, làm giá ở một số khu vực phía Tây Hà Nội qua đi, thì lại đang tiếp tục xuất hiện những "cơn sốt" mới trên địa bàn Thủ đô. Những cơn sốt này dịch chuyển vùng hoạt động ra ngoại ô Hà Nội và đích đến là những khu vực nhạy cảm như Sóc Sơn, Đông Anh.
Cơn sốt tại Sóc Sơn bắt đầu từ đầu tháng 3/2011, khi có thông tin về việc di dời các trường đại học ra khỏi nội thành. Thực ra, đây chỉ là cái cớ, bởi nếu có di chuyển cũng phải mất cả chục năm nữa mới thực hiện và chưa chắc Sóc Sơn sẽ có tới 12 trường đại học, cơ sở y tế, viện nghiên cứu di dời về như tin đồn. Nhưng chỉ trong vòng vài ngày, những mảnh đất "đầu thừa đuôi thẹo" và cả những khu đất nằm im không có giao dịch suốt mấy năm nay "bỗng dưng" được "ăn theo" hét giá cao ngất ngưởng. Giá đất tại các khu vực xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú... đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2010.
Đất nền tại các làng thuộc những xã trên chỉ 3 - 4 tháng trước rao bán với giá 1 - 2 triệu đồng/m2 mà không có ai hỏi mua, thì nay giá đã lên tới 4 - 5 triệu đồng/m2.
Cũng là sốt đất, nhưng cơn sốt tại Đông Anh lại có "tâm bệnh" khác, đó là việc "ăn theo" cây cầu Nhật Tân đang xúc tiến xây dựng. Giá đất tại các xã xung quanh cầu Nhật Tân, như Hải Bối, Vĩnh Ngọc, từ đầu năm đến nay đã tăng 10 - 15 triệu đồng/m2. Giá đất tại các làng quanh khu vực cầu khoảng 4 km trở lại tăng chóng mặt từng ngày: đất mặt đường có giá 80 - 100 triệu đồng/m2, đất trong làng mặt ngõ rộng 8 m có giá 60 triệu đồng/m2.
"Giải mã" các cơn sốt
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quỹ đầu tư bất động sản Ngân hàng VPBank đánh giá, chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội thành đã có từ lâu, nên việc đầu cơ đất tại những khu vực này không tạo nên những đợt sốt lớn đối với thị trường bất động sản, cũng như không có tác động lâu dài với thị trường.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà - Thăng Long cũng cho rằng, hiện tượng giá đất nền tăng ảo do sự kỳ vọng của người bán quá lớn, cộng với sự tiếp tay của đội ngũ môi giới nhà đất và chính sự hào hứng thái quá của người mua.
"Khi tham gia thị trường bất động sản, nhà đầu tư cần cảnh giác với các tin đồn", ông Việt khuyên.
Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, cần sớm có quy định hợp lý về thuế bất động sản; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; khắc phục những bất cập trong cơ chế chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và giá đất..
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com