Báo cáo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những kiến giải đáng chú ý về tình hình lạm phát tại Việt Nam.
Trong báo cáo nhan đề “Nguồn gốc lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2000-2010: Phát hiện mới từ những bằng chứng mới”, các tiến sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Đức Thành thuộc VEPR cho biết lạm phát ở Việt Nam có những nét “đặc thù”, và do đó cần những chính sách ứng phó phù hợp.
“Chính phủ phải kiên nhẫn”
Theo báo cáo này, thứ nhất, người Việt Nam có khuynh hướng lưu giữ ấn tượng về lạm phát trong quá khứ, đồng thời có kỳ vọng nhạy cảm về lạm phát trong tương lai. Đây là hai yếu tố đồng thời chi phối mức lạm phát hiện tại.
Điều này hàm ý rằng uy tín hay độ tin cậy của Chính phủ trong các chính sách liên quan đến lạm phát sẽ có vai trò to lớn trong việc tác động tới mức lạm phát hiện thời.
Ký ức hay ấn tượng về một giai đoạn lạm phát cao trong quá khứ thường chỉ bắt đầu mờ nhạt dần sau khoảng 6 tháng có lạm phát thấp liên tục và ổn định. Do đó, theo các tác giả, Chính phủ trước hết phải giữ được mức lạm phát thấp ít nhất trong vòng sáu tháng, qua đó dần lấy lại niềm tin của công chúng về một môi trường giá cả ổn định hơn.
“Chính phủ phải kiên nhẫn trong quá trình chống lạm phát. Sáu tháng có thể được xem như giới hạn thấp nhất cho nỗ lực duy trì môi trường lạm phát thấp của Chính phủ nhằm lấy lại niềm tin của công chúng, để công chúng cho rằng Chính phủ đang cam kết chống lạm phát một cách nghiêm túc, và do đó là cam kết xây dựng một môi trường vĩ mô ổn định”, báo cáo viết.
Lạm phát sẽ tác động trước hết đến những người lao động có thu nhập thấp - Ảnh: DNSG.
Thứ hai, khác với những giải thích thường xuyên của Chính phủ là lạm phát chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như giá cả thế giới (nhập khẩu lạm phát), báo cáo cho rằng lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu từ nội địa. Thừa nhận rằng giá thế giới thực sự có ảnh hưởng lên giá sản xuất nhưng theo các tác giả thì hiệu ứng gây lạm phát theo kênh lan truyền từ giá sản xuất đến giá tiêu dùng phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng.
Thứ ba, tốc độ điều chỉnh của thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối khi có biến động là rất thấp và thậm chí gần bằng không. Điều này cho thấy một khi các thị trường này lệch khỏi xu hướng dài hạn, nền kinh tế sẽ mất rất nhiều thời gian để cân bằng trở lại dù Chính phủ có nỗ lực can thiệp về chính sách.
“Điều này có ý nghĩa quan trọng về chính sách kiểm soát lạm phát: các giải pháp nhằm ngăn ngừa với mục tiêu lạm phát rõ ràng sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với việc cố gắng xử lý lạm phát khi nó đã tăng lên. Đồng thời, phản ứng chính sách không phù hợp sẽ rất khó điều chỉnh trở lại và lạm phát sẽ kéo dài”, báo cáo viết.
Thứ tư, kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ đã thực sự có những phản ứng chống lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng thường phản ứng chậm hoặc thụ động trong đa số trường hợp. Đối với chính sách tài khóa, có thể dễ dàng hiểu được điều này vì để thay đổi một kế hoạch tài khóa thường mất nhiều thời gian tranh luận, đạt tới sự nhất trí rồi thực hiện triển khai.
“Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chính sách tiền tệ cũng tỏ ra được thực thi khá chậm trễ kể từ khi những tín hiệu đầu tiên của lạm phát xuất hiện. Điều này có thể được giải thích thông qua thực tế là ngay cả việc xác định và thừa nhận lạm phát cũng luôn là một vấn đề gây tranh cãi”.
Thêm vào đó, tại Việt Nam nhìn chung thường có khuynh hướng đổ lỗi cho lạm phát bắt nguồn từ những nguyên nhân “khách quan”, hay từ những nguồn gốc “bên ngoài”. Do đó, thường mất một thời gian để chuyển hóa nhận thức lạm phát từ công chúng thành nhận thức của nhà điều hành.
Ngay cả khi chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện, thì thường mất khoảng 5 tháng nó mới phát huy tác dụng lên lạm phát. Như vậy, vào lúc đó, lạm phát đã cao được khoảng 7 đến 8 tháng. Quãng thời gian này đủ để tạo nên một ký ức về lạm phát và do đó việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn.
Không nên buông lỏng ổn định vĩ mô Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong các công cụ của chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thường có hiệu ứng tức thời lên lạm phát, so với độ trễ dài hơn của chính sách thắt chặt tín dụng và tiền tệ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thay đổi lãi suất lại khá nhỏ. Kết quả là, công cụ tiền tệ ở Việt Nam không hoàn toàn là một công cụ phản ứng nhanh và hiệu quả như vẫn tưởng.
Thứ năm, trái ngược với những nghiên cứu đã có, các tác giả cho rằng thay đổi tỷ giá cũng có tác động đáng kể làm tăng áp lực lạm phát.
Từ cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phá giá nhiều hơn và với mức độ lớn hơn. Thêm vào đó, những biến động gần đây trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là thị trường tự do, trong năm 2009 và 2010 do niềm tin của vào tiền đồng bị sụt giảm, do hoạt động đầu cơ và tình trạng Đô la hóa đã dẫn đến kỳ vọng về lạm phát trở lại của người dân tăng lên. Điều này có thể khiến cho tác động của tỷ giá đối với lạm phát tăng lên, như kết quả của nghiên cứu này cho thấy.
Cuối cùng, nghiên cứu không cho thấy tác động rõ ràng của thâm hụt ngân sách đối với lạm phát trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này không có nghĩa là thâm hụt ngân sách không có ảnh hưởng đến lạm phát. Nguyên nhân của điều này là do việc tài trợ ngân sách thường có hai tác động trái chiều.
Một mặt, tài trợ ngân sách bằng việc gia tăng vay nợ của Chính phủ làm tăng lãi suất do nhu cầu vay cao hơn. Điều này cũng tương tự như chính sách tiền tệ thắt chặt và do đó góp phần giảm phần nào lạm phát. Mặt khác, tài trợ ngân sách thông qua việc tăng cung tiền (nếu có) cũng tương tự như chính sách tiền tệ mở rộng và gây áp lực lạm phát.
Từ những đặc điểm trên của lạm phát ở Việt Nam, các tác giả cho rằng Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát đang cao, mà còn phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy chiến lược này của Chính phủ thường rất khó được thực thi, vì Chính phủ thường có khuynh hướng ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, và coi nhẹ việc giữ cho môi trường vĩ mô được ổn định”, báo cáo đưa ra nhận định trong phần kết luận.