Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất cơ bản: Chưa ngã ngũ?

Vai trò của “lãi suất cơ bản” tiếp tục là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi trong phiên thảo luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến chỉnh sửa dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo nguyên văn dự thảo sửa đổi gần nhất (ngày 9-3-2010), điều 13 về “Lãi suất ” như sau:

NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác.

Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng.

NHNN công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng.

Như vậy theo dự thảo, khái niệm “lãi suất cơ bản” trên thực tế đã bị bãi bỏ và thay vào đó là “lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác”. Điều này phản ánh nhận thức mới về vai trò của lãi suất cơ bản, không như một danh từ riêng mà mang nghĩa danh từ chung trong tư cách là một hệ thống các công cụ lãi suất để phục vụ điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên điều đáng quan tâm nhất của một bộ luật (hoặc một điều luật) không chỉ ở chỗ chúng ta nhận thức về vai trò của nó như thế nào mà là tính khả thi của nó đến đâu và có được thực tiễn cuộc sống chấp nhận hay không?

Thực tế cho thấy từ khi xuất hiện trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 đến nay, vai trò của “lãi suất cơ bản” hết sức mờ nhạt, thậm chí bị quên lãng. Mãi đến khi nền kinh tế bị bùng nổ lạm phát vào đầu năm 2008, lúc đó lãi suất cơ bản mới được NHNN “cầu viện” để bình ổn tình hình thông qua áp đặt cơ chế lãi suất trần.

Cách điều hành này đã kéo theo nhiều phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quan hệ cung cầu vốn, làm méo mó thị trường vốn và lãi suất, mâu thuẫn với cơ chế lãi suất thỏa thuận trong mô hình kinh tế thị trường. Sự tranh luận, đôi khi khá gay gắt, xung quanh chủ đề lãi suất một lần nữa cho thấy đây là chủ đề chính chi phối dự luật NHNN sửa đổi lần này, nếu không đạt đến sự thống nhất về quan điểm cũng như xác định rõ nội dung lãi suất trong dự luật thì sẽ có nguy cơ dẫn đến bế tắc về công cụ và phương pháp điều hành.

Bên cạnh đó, nội dung điều 13 trong dự thảo cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể:

(1) Nên hiểu như thế nào về tình huống “Trường hợp thị trường có diễn biến bất thường” NHNN được quyền áp dụng các chế tài đặc biệt trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng?

(2) Về bản chất, lãi suất tái cấp vốn hoặc lãi suất dùng trong điều hành chính sách tiền tệ chỉ mang tính định hướng thị trường chứ không thay thế cho lãi suất thị trường, trong khi lãi suất thị trường được hình thành thông qua quan hệ giao dịch kinh doanh giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Hay nói khác đi, lãi suất điều hành chính sách tiền tệ phải luôn song hành với lãi suất thỏa thuận, qua đó cơ quan quản lý mới thực sự gắn chặt với tín hiệu thị trường và tác động có hiệu quả đến thị trường tiền tệ.

(3) Nếu giao cho NHNN làm nhiệm vụ công bố lãi suất để làm cơ sở cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự thì đây sẽ là nhiệm vụ bất khả thi, bởi vì giao dịch tín dụng dân sự thực ra chỉ là một bộ phận nhỏ thuộc thị trường tiền tệ do đó phải được kiểm soát theo định hướng chung của chính sách hiện hành, không nên đặt vấn đề có “một loại lãi suất riêng” vừa không hợp lý về mặt học thuật, vừa không mang tính thực tế.

Cũng nên lưu ý, hầu hết các giao dịch dân sự vay mượn hiện nay đều diễn ra tự phát, thoát ly hệ thống tín dụng chính thức, cơ quan quản lý gần như không có khả năng kiểm soát được lĩnh vực hết sức phức tạp này, trừ khi sự vụ đổ bể ra thì công an mới nhảy vào cuộc để xử lý hậu quả. Trong điều kiện như vậy nếu quy định công bố lãi suất để “làm cơ sở áp dụng cho quan hệ giao dịch theo Bộ luật Dân sự” chỉ là mong muốn duy ý chí.

Cách giải quyết căn cơ nhất trước mắt vẫn cần thừa nhận “sự tồn tại khách quan” của thị trường tín dụng “phi chính thức”, nhưng về lâu dài Nhà nước không nên khuyến khích các giao dịch ngầm, nhất là tệ nạn cho vay nặng lãi, cần sử dụng biện pháp kinh tế và hành chính cũng như sức lan tỏa mạnh của hệ thống tín dụng chính thức để dẫn dắt đi đôi với kiềm chế “thị trường ngầm”, tiến đến thay thế nó bằng thị trường chính thức do Nhà nước kiểm soát.

Về nguyên tắc pháp lý, Nhà nước luôn thừa nhận mọi hành vi giao dịch dân sự tín dụng mang tính “tự nguyện, thỏa thuận, đúng pháp luật”, trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp thì sẽ được xử lý trong khuôn khổ chính sách lãi suất hiện hành. Vấn đề này có liên quan đến việc chỉnh sửa Bộ luật Dân sự trong thời gian đến. Trong trường hợp chưa sửa đổi được Bộ luật Dân sự thì có thể xử lý quá độ bằng văn bản chỉ đạo của Chính phủ sau khi dự luật NHNN được Quốc hội thông qua.

Trên cơ sở những phân tích ở trên, đề nghị sửa đổi bổ sung toàn bộ điều 13 trong dự thảo như sau:

1. NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện mục tiêu định hướng chính sách tiền tệ quốc gia theo từng thời kỳ.

2. Lãi suất do NHNN công bố là căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định lãi suất kinh doanh theo phương thức thỏa thuận đối với khách hàng. Trong trường hợp thị trường phát sinh diễn biến bất thường, có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN trực tiếp quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng.

3. Lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch thuộc phạm vi Bộ luật Dân sự phải được tiến hành trong khuôn khổ chung của chính sách lãi suất điều hành do NHNN công bố và lãi suất thị trường chính thức được hình thành theo phương thức thỏa thuận tại thời điểm giao dịch phát sinh.

(Theo Tâm Dân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tự do hóa lãi suất - có kiểm soát
  • Phân tích về cuộc chiến tỷ giá Trung – Mỹ
  • Rủi ro vì thiếu thông tin
  • Áp lực vốn cho thị trường
  • Chiến lược đầu tư và lựa chọn nhóm ngành
  • Lo bội chi ngân sách
  • Kích cầu tín dụng
  • Tiền đồng tăng giá có phải là xu thế bền vững?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!