Không kể "cơn sốt" thổi bùng giá USD nhanh chóng bị dập tắt vào đầu tháng 5/2010 thì tiền đồng (VND) có vẻ đang lên giá. Nhưng đó khó có thể là xu thế khi USD tăng giá không những là sức ép khách quan mà còn là ý muốn chủ quan trong điều hành để hỗ trợ xuất khẩu.
Chuỗi điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một năm qua bắt đầu từ quý II/2009. Khi đó, thị trường ngoại tệ rất căng thẳng do nhiều doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, không chịu bán lại cho ngân hàng. Giá USD tự do đã lên đến 18.600 đồng/USD. Còn tỷ giá ngân hàng thương mại vẫn bị nén giữ ở mức 17.800 đồng/USD.
Thị trường căng thẳng, buộc NHNN quyết định mở rộng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, áp dụng từ ngày 24/3/2009. USD theo đó cũng được tăng lên và điều đó đã giúp thị trường ngoại hối có được sự ổn định tạm thời.
Nhưng cơn sốt USD vẫn tiếp tục âm ỉ kéo dài, đến cuối năm 2009, tình hình căng thẳng thêm dưới tác động của việc mất cân đối cán cân thương mại, giảm dữ trữ ngoại hối do thực hiện các gói kích cầu. Một cơn sốt giá đẩy USD tự do lên tới 20.000 VND/USD và mức chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường tăng mạnh từ mức xấp xỉ 800 VND đầu tháng 11/2009 lên gần 1.700 VND/USD vào cuối 11/2009.
Không còn cách nào khác, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 17.034 VND ngày 25/11/2009 lên 17.961 VND/USD áp dụng từ ngày 26/11/2009; thu hẹp biên độ tỷ giá giao dịch USD/VND từ mức ±5% xuống mức ±3%. Điều này khiến tỷ giá thêm một lần tăng với mức trên 3%. Nhưng tính cả từ đầu năm 2009, tỷ giá đã tăng trên 5%.
Đặc biệt, ngày 10/2/2010, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tăng 3,36%, từ 17.961 lên 18.544 VND/USD. Cùng với các biện pháp hỗ trợ khác đã tác động tích cực lên tỷ giá trên thị trường, lần đầu tiên sau nhiều năm, giá USD tự do đang tiến gần sát với tỷ giá chính thức, thậm chí đã có những thời điểm trong tháng 4/2010, tỷ giá trên thị trường tự do đã thấp hơn cả tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Hiện, cả tỷ giá ngân hàng và tự do đều xoay quanh mức 19.000 đồng/USD. Như vậy, so với thời điểm đầu tháng 3/2010, sau khi có quyết định điều chỉnh của NHNN, tỷ giá này có mức giảm nhẹ trên thị trường chính thức và giảm mạnh trên thị trường tự do. Tuy nhiên, so cách đây 1 năm, tức vào khoảng tháng 4 đến tháng 6/2009, khi đó tỷ giá ngân hàng vào khoảng 17.800 đồng/USD và thị trường tự do cao nhất là 18.500 đồng/USD thì giá USD hiện nay đã tăng mạnh.
Như vậy, khó có thể nói là đồng USD đang mất giá hay VND đang lên giá mạnh. Sự điều chỉnh trên thị trường gần đây khiến cho tỷ giá có giảm nhẹ trên thị trường chính thức và điều chỉnh mạnh trên thị trường tự do khiến VND có vẻ lên giá. Tuy nhiên, điều đó không được các chuyên gia cho là một xu hướng và sự lên giá của VND khó trở thành xu hướng của thị trường.
Những nhân tố tăng giá USD
Thực tế, trong các quyết định điều chỉnh USD, cơ quan quản lý luôn nhấn mạnh mục tiêu ổn định thị trường và hỗ trợ xuất khẩu. Có thể nói, USD lên giá là một sức ép khách quan nhưng cũng là ý muốn chủ quan trong điều hành thị trường để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo một chuyên gia ngoại hối từ NHNN, trong thời gian tới, giá USD vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ tăng lên thay vì giảm đi. Đầu tiên là những lo ngại liên quan đến tình trạng lạm phát. Đến nay, CPI bình quân quý 1/2010 tăng 8,51% so với quý 1/2009. Chính phủ cũng đã nới chỉ tiêu lạm phát lên 8%. Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu vẫn chưa được kiềm chế. Trong quý I, nhập siêu đã lên đến 3,62 tỉ USD. Thâm hụt ngân sách vẫn là nỗi lo sau khi tăng mạnh trong năm 2009.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng cho biết, gần đây, các doanh nghiệp đang có xu hướng vay nhiều USD. Việc này có thể là một nhân tố đẩy cầu USD lên cao. Thêm vào đó, theo tính chu kỳ thì cuối quý II, đầu quý III hàng năm thường là thời điểm xảy ra căng thẳng tỷ giá.
Chính vì thế, trong khi đang có những tranh cãi về xu hướng tăng giá của VND thì các doanh nghiệp và các nhà quản lý vẫn còn nỗi lo thực tế về khả năng lên giá của USD thời gian tới. Những biến động bớt ngờ của USD trong tuần đầu tháng 5/2010 cho thấy sự ổn định của USD còn chưa bền vững và khả năng tăng giá vẫn được tính đến trước hết.
(Việt Nam Nét)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com