Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi vay đóng băng tín dụng

Dù lãi suất đầu vào VND có được mức giảm tích cực 2-3%/năm so với thời điểm trước đây, lãi suất cho vay VND hiện vẫn được các ngân hàng giữ ở mức cao, đặc biệt đối với nhóm vay phi sản xuất.

Trọng vốn ngắn hạn

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với việc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải ấn định lãi suất bao gồm cả các khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm ngay lập tức mang lại tín hiệu tích cực trên thị trường. Các tìm hiểu cho thấy, tính từ ngày 15.12 đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND xuống mức tối đa 14%/năm và hầu hết không khuyến mãi bằng tiền mặt và lãi suất. Mặt bằng lãi suất mới này theo tính toán giảm tới 2-3%/năm so mức lãi suất phổ biến được các ngân hàng áp dụng trước đó. Đáng lưu ý, cùng với xu hướng điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất huy động cũng được các ngân hàng điều chỉnh thích hợp theo từng kỳ hạn khác nhau thay vì một mức lãi suất chung cho hàng loạt kỳ hạn như trước đây.

Hiện nay, theo như phân tích của NHNN, lãi suất huy động VND của các ngân hàng phổ biến ở mức 13,5-14%/năm và tập trung ở các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng. Trước đó, việc lãi suất huy động VND tăng đột biến trong 4 ngày (7-10.12) với mức lãi suất đỉnh được một số ngân hàng đưa lên tới 17-18%/năm, theo đánh giá của NHNN gây tâm lý lo ngại và dịch chuyển tiền gửi giữa các TCTD. Song việc đưa lãi suất huy động về mức 14%/năm chưa phải là mốc cuối cùng, NHNN vẫn giữ quan điểm các NHTM cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động phù hợp với tình hình lạm phát và cung - cầu vốn thị trường.

Đóng băng tín dụng tiêu dùng

Đối với đa phần các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vốn tiêu dùng hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay VND dường như vẫn ổn định ở mức rất... cao. Bỏ mặc xu hướng tích cực của lãi suất đầu vào, lãi suất cho vay VND tại các NHTM đến nay theo tổng hợp của NHNN gần như không hề có bất cứ điều chỉnh tích cực nào. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu hiện ở mức thấp nhất 12,5-14,5%/năm trong khi các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác và lĩnh vực phi sản xuất lần lượt phải chịu lãi suất 15-18%/năm và 18-20%/năm.

Dù có mức lãi suất cho vay thấp hơn các NHTM cổ phần, các DN vẫn khó tiếp cận vốn vay sản xuất tại các NHTM quốc doanh do điều kiện vay vốn phức tạp hơn. Song với mức lãi suất cho vay trung dài hạn tại các NHTM cổ phần hiện nay lên tới 17-18%/năm, các DN sản xuất kinh doanh rất khó chấp nhận. Không ít các DN coi đây là mức lãi suất đánh đố, bởi ở thời điểm hiện nay, đảm bảo được mức lợi nhuận sản xuất 20%/năm hàng năm đủ trả nợ ngân hàng là mục tiêu quá khó đối với số đông DN.

Đối với nhóm khách hàng cá nhân, thời điểm các tháng cuối năm thường chứng kiến mức tăng mạnh về dư nợ tín dụng cá nhân do nhu cầu chi tiêu, mua sắm và sửa chữa nhà cửa chuẩn bị tết. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng chứng kiến mức tăng vọt đối với nhóm vay tiêu dùng khi lên tới 20%/năm. Bản thân lãnh đạo nhiều NHTM cũng nhận định rằng, mức lãi suất này sẽ cản trở người vay vốn tiêu dùng và khiến dư nợ tín dụng tiêu dùng giậm chân tại chỗ. Các khách hàng cá nhân theo đó sẽ phải đánh giá lại nhu cầu vay vốn hoặc chấp nhận lãi vay cao, song chuyển sang vốn ngắn hạn giải quyết nhu cầu trước mắt. Các nhu cầu vốn vay tiêu dùng thiết yếu khác có lẽ sẽ phải chuyển sang thời điểm sau tết vốn được nhiều lãnh đạo ngân hàng dự báo là thời điểm sẽ có những điều chỉnh giảm nhất định.

(Báo Lao Động)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Trung - Mỹ lại “nóng” chuyện tỷ giá
  • Quản lý nợ công: Tránh vay tiền rồi để không
  • Có bị “thổi” giá?
  • Bài 1: Nhà cho thuê giá thấp vẫn bỏ ngỏ
  • Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng
  • Đầu tư tại TPHCM: dàn trải là do quận huyện?
  • Đồng thuận lãi suất ngân hàng: Có cũng như không
  • Rủi ro từ hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua nhà
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!