Đồng nhân dân tệ (CNY) sau một thời gian tăng giá so với đồng USD, diễn biến đã góp phần xoa dịu sự bức xúc của những nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, vừa có dấu hiệu giảm giá trở lại. Điều này ngay lập tức đã khởi động lại cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tỷ giá USD/CNY giữa hai bên Trung - Mỹ.
Dấu hiệu giảm giá trở lại của đồng CNY thể hiện ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington và thông qua các giao dịch tiền tệ kỳ hạn. Đồng CNY đã giảm giá 0,39%, xuống còn 6,6745, kể từ ngày 6/12. Các nhà giao dịch tương lai đang đặt cược vào một sự suy giảm thêm 0,05% giá trị đồng CNY trong tháng tới.
Diễn biến trên đã làm mếch lòng một số thượng nghị sỹ Mỹ, 30 người đã gửi một bức thư cho Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, yêu cầu nước này tăng giá "một cách có ý nghĩa" đồng nhân dân tệ trước chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cảnh báo sẽ áp dụng trừng phạt thương mại nếu đồng CNY không tăng giá.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ bao gồm thượng nghị sĩ Charles Schumer (New York) nói rằng, đồng nhân dân tệ yếu là một trong những lý do tạo nên khoảng cách giao thương giữa hai nền kinh tế và đã gây sức ép với Trung Quốc để tăng giá đồng tiền này. Hồi tháng 9, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép các công ty Mỹ đệ đơn yêu cầu áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc để bù đắp cho ảnh hưởng từ một tỷ giá "bất hợp lý".
Thực tế, đồng CNY đã tăng giá gần 3% trong năm nay (tăng 24% trong thập kỷ qua), trong đó có mức tăng 0,6% sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có hai lần gặp gỡ và hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như sự thay đổi này vẫn chưa đủ để làm hài lòng nhiều người Mỹ, đặc biệt là các nhà xuất khẩu. Những người này yêu cầu Trung Quốc phải tiến hành nâng giá đồng nội tệ nhanh hơn nữa, nhất là khi 10 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đã đạt tới 227 tỷ USD, cao hơn cả tổng mức thâm hụt với 7 đối tác thương mại lớn (của Mỹ) tiếp theo (sau Trung Quốc) cộng lại. Thế mà, nay đồng CNY lại "nhăm nhe" tăng giá trở lại.
Như thường lệ, phía Trung Quốc cũng đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm duy trì một đồng nhân dân tệ giá cao. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, chính việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu của Mỹ là nguyên nhân chính gây ra sự bất cân bằng thương mại giữa hai nước.
"Trung Quốc không thể nhượng bộ yêu cầu của Mỹ", một kinh tế gia của Ngân hàng Công nghiệp Thượng Hải nói. "Nhịp tăng của đồng nhân dân tệ từ tháng 6 là mức cao nhất mà nền kinh tế nước này có thể chịu đựng, việc nâng giá CNY mạnh hơn sẽ tạo ra quá nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu", ông này nói tiếp.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Dominique Strauss-Kahn dường như cũng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc khi cho rằng, những đòi hỏi về một sự nâng giá tức thì đồng nhân dân tệ có thể là một sai lầm. "Một sự thay đổi đột ngột (của giá trị đồng CNY) có thể gây xáo trộn nền kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế thế giới", ông này nói.
Phía Trung Quốc cũng lập luận rằng, nước này đã rất nỗ lực để đảm bảo sự cân bằng về thương mại, kết quả rất khả quan. Trong 11 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của nước này tăng 33% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng tới 40% (theo số liệu của Cục Thống kê, Hải quan Trung Quốc). Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, quốc gia này cam kết sẽ tiếp tục tạo sự cân bằng về ngoại thương bằng cách ổn định xuất khẩu và đẩy mạnh nhập khẩu trong 5 năm tiếp theo.
Hôm đầu tuần, đồng CNY đã giảm 0,28% xuống còn 6,6745 CNY/USD, mức giảm mạnh nhất trong 6 tuần. Tuy nhiên, điều này được lý giải là do sự tăng giá của đồng USD, chứ không phải bản thân đồng CNY giảm giá. Những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng USD và do đó làm đồng tiền này tăng giá. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD đã chạm mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần qua.
Cũng phải nói rằng, Trung Quốc vẫn là nước nâng giá đồng nội tệ "tích cực" nhất trong số các nước thuộc nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Đồng nhân dân tệ đã tăng 24% so với đồng USD trong thập kỷ qua, hơn mức tăng 14% của đồng real (Braxin), 2,9% của đồng rupee (Ấn Độ) và 9,1% của ruble (Nga) (theo Bloomberg). Cả 3 đồng nhân dân tệ, rupee và đồng real cùng tăng gần 3% giá trị trong năm nay, trong khi đồng rubble giảm 2,7%.
Dù sao, người Mỹ vẫn có lý do để nguôi ngoai bởi đồng CNY có thể sẽ tăng giá trở lại trong năm tới. Thực tế, nhập khẩu của nước này cũng đã tăng mạnh như đã đề cập, điều này làm tăng nguy cơ nhập khẩu lạm phát, vấn đề mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang gia sức đối phó. Tăng tỷ giá đồng nội tệ là một trong những giải pháp để hạn chế nhập khẩu lạm phát cũng như hạn chế dòng tiền nóng đầu cơ vào nước này. Theo 19 nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát, mức tăng giá trong năm tới của CNY có thể trên 6%.
Trước mắt, việc giảm giá của đồng CNY đang góp phần vào sự hồi phục khá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi lao dốc trước đó, bởi các thông tin thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nước này, cũng như những lo ngại về tình hình căng thẳng ở bán đảo lân cận, Triều Tiên.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com