Tác động dây truyền của chi tiêu công lớn hơn tác động của giải pháp khác trong việc kích cầu - như cắt giảm thuế chẳng hạn - vì tiền từ giảm thuế sẽ được cất giữ thay vì chi tiêu.
Giảm chi tiêu công hay giảm thuế. Đó là vấn đề nhức nhối đối với nhiều chính phủ sau một thời gian áp dụng chính sách chi tiêu công để kích thích kinh tế kiểu Keynes. Hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn các tác động thực sự của các gói kích cầu ở nhiều nước, song Giáo sư kinh tế học N. Gregory Mankiw, thuộc trường Đại học Harvard (Mỹ) đặt giả định mới, so sánh tính hiệu quả giữa chi tiêu công và chính sách giảm thuế. Tuần Việt Nam giới thiệu cùng độc giả bài phân tích của ông trên National Affairs.
Để hiểu được thách thức mà các chuyên gia kinh tế của chính phủ phải đối mặt trong một năm rưỡi qua, chúng ta nên liên tưởng đến trường hợp một bác sĩ đang cố gắng điều trị cho một bệnh nhân. Người bệnh xuất hiện trong tình trạng xấu khủng khiếp; bác sĩ chưa bao giờ xử lý căn bệnh nào có những triệu chứng như vậy ở bệnh nhân này trước đó; và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ. Bác sĩ nhớ lại đã đọc về một ca bệnh tương tự trong trường y, và cố hồi tưởng nhiều nhất có thể về những gì đã được học, ông ráng để hiểu về lý thuyết tại sao bệnh nhân mắc căn bệnh này và xác định điều gì sẽ giúp cô ta khỏe hơn.
Trong một thế giới lý tưởng, bác sĩ có thể tiến hành một thực nghiệm kiểm tra: ông gọi 100 bệnh nhân có các triệu chứng tương tự đến, cho 50 người một loại thuốc mà ông cho là hiệu nghiệm nhất và cho 50 người khác dùng loại thuốc để an thần. Sau đó theo dõi liệu các bệnh nhân được dùng thuốc chữa có tiến triển hay không. Nhưng người bác sĩ này không có tới 100 bệnh nhân, mà chỉ một người duy nhất. Như vậy, dựa trên đánh giá của ông về nguyên nhân gây bệnh, và kê đơn mà ông cho là sẽ hiệu quả, bác sĩ phải liều cấp thuốc.
Tuy nhiên, bệnh nhân trở lại sau vài tuần; lần này, các triệu chứng của cô càng tệ hơn. Bác sĩ kết luận thế nào? Ông có thể nghĩ rằng mình đã kê nhầm thuốc, hay cũng có thể cho rằng bệnh nhân đã ở trong tình trạng xấu hơn ông tưởng ban đầu, và như vậy cần tăng liều lượng thuốc. Cả hai kết luận trên đều hợp lý, nhưng không có cách nào để bác sĩ chắc chắn được điều mình nghĩ. Điều ông biết là phải hành động gì đó trước khi tình hình trở nên xấu hơn.
Khi chính quyền Obama nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đang là một bệnh nhân nặng. Tình hình càng tệ hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái sau đó không diễn biến giống các lần suy thoái trong quá khứ, mà lại dẫn tới sụp đổ thị trường nhà đất, khủng hoảng tín dụng, phá sản các công ty tài chính lớn, và một loạt các triệu chứng rắc rối khác. Các cố vấn kinh tế của chính quyền mới ở Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự chẩn đoán vấn đề và đề xuất giải pháp.
![]() |
Tuy nhiên, vẫn còn một chút cơ hội để thử và sai: phòng thí nghiệm duy nhất của họ là chính nền kinh tế mà họ đang tìm cách chữa trị, và thời gian là quan trọng. Các thị trường tiếp tục lao dốc, việc làm thì bốc hơi nhanh chóng và những tin xấu thì nhan nhản.
Trong một đánh giá kinh tế công bố tháng 1/2009, các cố vấn của Tổng thống Obama kết luận là nếu họ không làm gì, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng tới 9% - mức cao nhất từ năm 1983. Vì vậy họ phải "tự chế" thuốc: một kế hoạch đầy tham vọng nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách chi tiêu một lượng lớn tiền của người đóng thuế. Theo các ước tính của họ, gói kích thích này sẽ giúp giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 8%. Nhưng ngày nay, con số này đã lên tới gần 10%. Rõ ràng, mọi thứ diễn ra không như các cố vấn phỏng định.
Đối với các chuyên gia kinh tế, điều này đặt ra một số câu hỏi. Tại sao các đề án của chính phủ không đạt mục đích? Cần rút ra bài học gì khi nhìn vào chính sách kích thích kinh tế trong những đợt suy thoái trong tương lai? Và chính phủ có thể làm gì, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức rất cao hiện nay, để giúp "bệnh nhân" của mình bình phục nhanh hơn? Giải quyết các câu hỏi này không chỉ là cái khó mà các nhà hoạch định chính sách phải đương đầu trong một cuộc khủng hoảng, mà cũng là những hạn chế cố hữu của kinh tế học - các hạn chế mà cả những chuyên gia kinh tế và chính trị gia cần phải ghi nhớ.
Bài tập giáo khoa
Đối với câu hỏi tại sao người bệnh của họ - nền kinh tế Mỹ - không phản ứng như mong đợi, câu trả lời của nhóm cố vấn cho Obama là: bệnh nhân này từ đầu năm 2009 đã tệ hơn so với họ nghĩ ban đầu, chứ không phải họ đã kê đơn, phát thuốc sai. Họ lập luận rằng gói kích thích khổng lồ là giải pháp đúng đắn và đã đem lại một số cái được; nếu đạo luật kích thích kinh tế không được ban hành, tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn cao hơn mức hiện nay. Lý do gói kích thích không chữa trị được các căn bệnh của nền kinh tế không phải là không đúng phương pháp điều trị mà đơn giản là thuốc chưa đủ liều. (Vì vậy họ mới kêu gọi một "gói kích thích thứ hai").
Chẳng có cách nào để khẳng định hay phủ nhận lập luận của chính quyền Obama. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là theo dõi diễn biến của nó. Lập luận mà Nhà Trắng dưới thời Obama đưa ra không hề võ đoán, hay thuần túy chính trị. Nó cho thấy sự áp dụng lý thuyết giáo khoa tiêu chuẩn - trong trường hợp này là lý thuyết của John Maynard Keynes, nhà kinh tế học vĩ đại người Anh đầu thế kỷ XX.
Theo Keynes, chu kỳ kinh doanh không phản ánh sự kỳ diệu của bàn tay vô hình của Adam Smith về thị trường mà cho thấy sự hỏng hóc của thị trường ở cấp độ cao. Keynes cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao và kéo dài trong một cuộc suy thoái là kết quả của một sự suy giảm về tổng cầu của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế bị mất thăng bằng sau những cú sốc mạnh, chính phủ có thể giúp khôi phục tình trạng bình thường bằng cách kích cầu thông qua chi tiêu công. Và vì lượng tiền trợ giúp của chính phủ kích thích doanh nghiệp thuê người làm và kích thích người tiêu dùng mua bán, tác động của nó sẽ là tác động dây truyền theo cấp số nhân.
Các thế hệ nhà kinh tế học theo Keynes đã tìm cách dựng lên mô hình biến thiên cũng như xác định số lượng của các tác động "cấp số nhân" này trong các điều kiện kinh tế khác nhau. Nhưng hầu hết họ đều nhất trí rằng tác động dây truyền của chi tiêu công lớn hơn tác động của giải pháp khác trong việc kích cầu - như cắt giảm thuế chẳng hạn - vì tiền từ giảm thuế sẽ được cất giữ thay vì chi tiêu.
Với các nhà kinh tế học của chính quyền Obama, cũng như nhiều người khác, đợt suy thoái xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dường như giống với một trường hợp kinh điển về suy thoái tổng cầu. Vì khủng hoảng tín dụng, người dân không vay được tiền - để mua nhà, mua xe hơi, trang thiết bị kinh doanh, hay vô số các dịch vụ khác dựa trên tín dụng - vì thế hoạt động mua bán không thể diễn ra, dẫn tới một sự sụt giảm mạnh về lượng cầu trong toàn nền kinh tế.
Như vậy, theo quan điểm cho rằng chính sách tài chính có thể thúc đẩy tổng cầu, các cố vấn của Obama (và các đồng minh trong quốc hội Mỹ) đã bắt đầu thiết kế một kế hoạch kích thích mạnh dựa trên chi tiêu công trực tiếp.
Một vài ngày trước khi Tổng thống Obama ký ban hành, các cố vấn kinh tế của ông công bố một tài liệu mang tên "Tác động của kế hoạch phục hồi và tái đầu tư của Mỹ đến công ăn việc làm", trong đó họ trình bày chi tiết một số giả định. Theo họ, 1 USD mà chính phủ chi ra sẽ tạo ra 1,57 USD kích cầu, trong khi mỗi USD giảm thuế chỉ tạo ra 99 xu kích cầu. Và vì 1,57 lớn hơn 0,99 nên nhóm cố vấn của Obama đã kết luận rằng tăng chi tiêu công tốt hơn giảm thuế.
Obama và các cố vấn của ông đã có được các con tính trên dựa theo một mô hình toán kinh tế vĩ mô tiêu chuẩn mà một số nhà kinh tế đã sử dụng trong nhiều năm. Những mô hình kiểu này tính đến mối liên hệ giữa nhiều yếu tố biến thiên của nền kinh tế (lạm phát và thất nghiệp chẳng hạn) và ngoại suy chúng trong tương lai.
Theo đó, nền kinh tế được mô hình hóa như một hệ thống các phương trình, mỗi phương trình mô tả một biến số phản ứng thế nào với nhiều biến khác. Nhà kinh tế học của trường Chicago và từng đoạt giải Nobel, ông Robert Lucas đã chỉ trích các mô hình này là chưa tính đến các mong chờ hay thay đổi của người dân; song nhiều nhà kinh tế vẫn thấy các mô hình này là có giá trị, và tiếp tục sử dụng chúng để dự đoán và phân tích chính sách.
Câu hỏi dành cho các nhà kinh tế học hiện nay là liệu các giả định của chính quyền, và mô hình mà họ dựa trên đó để đưa ra các giả định ấy, có chính xác không. Và nếu chúng ta có thể chắc chắn rằng mô hình của họ là đúng, chúng ta sẽ biết cần kết luận thế nào khi kế hoạch kích thích kinh tế lại dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp 10%: Bệnh nhân ốm hơn bác sĩ nghĩ ban đầu, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn cao hơn nếu không áp dụng gói kích thích. (Các cố vấn của ông Obama tin rằng mô hình trên là đúng, nên đây chính là kết luận mà họ rút ra).
Vấn đề là chúng ta không có cách nào để biết chắc chắn liệu mô hình trên có chuẩn xác trong thực tế không. Khi một mô hình không dự báo đúng các sự kiện, hầu hết mọi người vẫn nói rằng mô hình dù sao cũng đúng, như các cố vấn kinh tế của ông Obama đã nghĩ. Nhưng các nhà kinh tế học thận trọng nên phản ứng một cách khiêm tốn. Khi các phỏng đoán của họ sai - mà thường là như thế - thì không nên "cố đấm ăn xôi", mà thay vào đó nên sẵn sàng bắt đầu lại từ việc giả định và tự hỏi về sự hợp lý của giả định này.
Sự khiêm tốn kinh tế
Các nhà kinh tế học vĩ mô càng có lý do để khiêm tốn, vì có một loạt những cái mà chúng ta chưa biết.
Dạy "Nguyên tắc kinh tế học" tại trường Harvard, tôi đã bắt đầu một năm học bằng cái mà các nhà kinh tế học chúng ta tin là đúng, và sau đó chứng minh trong suốt quá trình dạy học rằng điều đó đang ngày càng ít chắc chắn hơn.
Chúng tôi trước tiên xem xét cung và cầu, lý thuyết về lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa lợi nhuận, và thu nhập biên tương đương với chi phí biên - những yếu tố mà hầu hết các nhà kinh tế học đều chia sẻ và chấp nhận. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đi từ kinh tế vi mô đến vĩ mô: nghiên cứu lý thuyết tiền tệ kinh điển, lý thuyết tăng trưởng, và cuối năm học là lý thuyết về chu kỳ kinh tế. Đây là những chủ đề mà các nhà kinh tế chúng ta ít nhất đều hiểu: chúng ta vẫn chia rẽ sâu sắc về tính hợp lý và hữu dụng của mô hình Keynes. Tuy nhiên, đây chính xác là chủ đề mà các nhà kinh tế học vĩ mô của chính phủ phải làm việc nhiều nhất, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng.
![]() |
Ngay cả khi là một người tin vào học thuyết của Keynes, tôi cho rằng một mình học thuyết này không thể giải quyết vấn đề nếu không thận trọng. Kinh tế học là một môn khoa học trẻ, và rất nhiều những hiểu biết của chúng ta vì vậy phải thăm dò. Thận trọng không có nghĩa là chúng ta không đưa ra chính sách kinh tế nào, mà là chúng ta phải liên tục thử các giả định và chính sách trong thực tế. Chúng ta nên tìm cách nhìn lại các dữ liệu mà chúng ta không có ở phía trước, và sử dụng các dữ liệu này để cải thiện cả những hiểu biết của chúng ta về kinh tế cũng như các chính sách mà chúng ta đưa ra.
Trước tiên, chính quyền Obama dường như đang áp dụng giải pháp kinh nghiệm này. Để "biết" nhiều nhất về các tác động của đạo luật kích thích kinh tế, chính quyền đã kết hợp các dữ liệu để tính toán các tác động của nó. Chính vì vậy, trang web về gói kích thích đã ra đời nhằm cung cấp "dữ liệu" tạo việc làm cấp nhà nước chính xác đến con số phần trăm. Tuy nhiên, trên thực tế, nỗ lực bề ngoài có vẻ minh bạch này thực chất lại là phần không đáng tin cậy nhất trong trường hợp đạo luật kích thích kinh tế 2009. Một mặt, các sai sót trong việc thu thập dữ liệu là rất lớn, đến mức bất cứ ai cũng có thể điền được tờ thăm dò của chính phủ về số việc làm "được tạo mới hoặc được giữ lại" nhờ tiền cứu trợ. Ví dụ, một số nhà tuyển dụng đã tính số tiền dùng để trả lương cho các nhân viên hiện tại là "tạo" việc làm mới. Wall Street Journal số ra tháng 11/2009 đưa tin công ty Mid-Willamette Valley Community Action Agency, ở Oregon, báo cáo đã tạo mới 205 việc làm với 397.761 USD tiền cứu trợ - như vậy chi phí chưa tới 2.000 USD cho một công việc mới. Kết quả của việc thu thập dữ liệu kinh tế theo cách này có thể rất hài hước. Một chủ doanh nghiệp giày ở Kentucky, bán giày cho quân đội Mỹ (để làm việc trong một dự án ra đời nhờ tiền cứu trợ) báo cáo tạo được 9 việc làm mới với 889 USD - kỳ tích này chắc chắn biến ông ta thành nhà sáng tạo việc làm hiệu quả nhất đất nước! Chủ doanh nghiệp có vẻ có lý khi ông tạo một việc làm mới với mỗi đôi già bán cho quân đội; bởi vì một binh lính không thể đi làm việc theo dự án nếu không có đôi giày này. Câu chuyện này đã được chú ý chỉ bởi vì một phóng viên phát hiện ra sự nực cười này, và chủ doanh nghiệp sau đó đã thừa nhận ông bị nhầm vì cách tính của chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền lại chấp nhận những báo cáo như vậy, và sử dụng nó làm cơ sở cho các đánh giá về gói cứu trợ. Nhưng ngay cả trong trường các báo cáo là hoàn toàn chính xác, cách tính này vẫn không mang nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá các tác động vĩ mô rộng lớn hơn của số tiền cứu trợ. Khi chúng ta nói về tác động của sức mua của chính phủ đối với tổng cầu, và từ đó là tác động tới tạo công ăn việc làm, chúng ta phải tính tới một con số rất lớn "các tác động cân bằng chung" - tức là các tác động gián tiếp xảy ra khi một biến số kinh tế ảnh hưởng tới biến khác, và đến lượt nó lại ảnh hưởng tới biến khác nữa và cứ như vậy. Những tác động đó có thể được mô hình hóa và phân tích trong một phạm vi nào đó, song không thể nắm bắt được bằng các cuộc thăm dò đơn giản trên giấy hay thăm dò dễ dãi qua trang web của chính phủ về số việc làm được tạo mới. Các tác động cân bằng này cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế - đôi khi một cách tích cực, đôi khi thì tiêu cực. Tích cực là những tác động dây truyền như chính sách tài chính kiểu Keynes thông thường nhấn mạnh: tăng chi tiêu công sẽ dẫn tới tăng thu nhập của một số người, tạo ra tăng tiêu dùng, và từ đó lại tăng thu nhập của một số người khác. Các nhà kinh tế chắc chắn có thể theo dấu các tác động này, nhưng "dữ liệu" trên trang web recovery.gov của chính phủ không thể tính đến chúng. Các tác động tiêu cực lại như xóa dấu vết. Ví dụ, nếu người dân thấy chính phủ tăng nợ công (vì tiền đổ vào gói cứu trợ), họ có thể đoán là thuế sẽ tăng và vì vậy quyết định cắt giảm tiêu dùng của mình. Nợ công tăng cũng có thể dẫn tới tăng lãi suất dài hạn, điều có thể gây khó khăn cho người dân đi vay tiền sau này và vì thế khiến họ giảm chi tiêu của ngày hôm nay. Rõ ràng, recovery.gov không có cách nào để tính đến cả hai loại tác động này. Vì vậy, ngay cả khi những người nhận được tiền cứu trợ điền vào báo cáo chính phủ một cách trung thực và đáng tin, dữ liệu mà họ cung cấp cũng không cho thấy các tác động thật của gói cứu trợ về mặt tạo công ăn việc làm. Dữ liệu về việc làm mới cũng không giải quyết được câu hỏi đặt ra về nỗ lực của chính quyền trong việc phục hồi kinh tế: liệu có đúng khi theo đuổi một kế hoạch kích cầu mạnh, hay thay vào đó nên tập trung giảm thuế mạnh hơn nữa?
Quốc Thái dịch theo nationalaffairs
Tác giả: N. GREGORY MANKIW // Theo TuanVietNam
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com