Trước những khoản lợi nhuận lớn của các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. TBKTSG giới thiệu bài viết sau như một cách lý giải để bạn đọc tham khảo.
Gần đây dư luận có vẻ săm soi nhiều hơn đến các số liệu thông tin về lợi nhuận do một số ngân hàng cổ phần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuyệt đối lãi trước thuế trên dưới một vài ngàn tỉ đồng (đối với các ngân hàng có quy mô lớn), hoặc vài trăm tỉ đồng (đối với ngân hàng có quy mô nhỏ hơn), sẽ dễ dẫn đến ngộ nhận đó là những khoản “lợi nhuận khổng lồ”, gây tâm lý choáng ngợp. Thậm chí có ý kiến cho rằng đây là hiện tượng “phản cảm”, đáng “ghen tị”, nhất là trong bối cảnh một bên là ngân hàng có vẻ như ăn nên làm ra còn bên kia là nền kinh tế và các doanh nghiệp đang phải vật vã với muôn vàn khó khăn để thoát khỏi khủng hoảng (?!).
Để nhận diện đúng về những hiện tượng và con số được công bố nói chung hoặc thông tin về tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng nói riêng, thiết nghĩ cần có sự đánh giá có chiều sâu hơn. Muốn vậy cần có cái nhìn đồng cảm, sâu sắc từ cả hai phía: công luận và người trong cuộc.
Công luận: khách quan
Theo quy định pháp luật hiện hành, định kỳ hàng quí, sáu tháng và cả năm, các ngân hàng có trách nhiệm công bố bảng tổng kết tài sản kèm theo bảng phân tích cơ cấu thu nhập và kết quả lãi lỗ, đây chính là tài liệu quan trọng ban đầu làm căn cứ đánh giá thực chất kết quả hoạt động kinh doanh và lợi nhuận ngân hàng. Đặc trưng cơ cấu lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, nguồn thu truyền thống từ hoạt động tín dụng luôn chiếm tỷ trọng lớn, bình quân từ 60-70% trở lên, trừ một số ngân hàng có ưu thế mảng kinh doanh dịch vụ ngoài tín dụng thì tỷ trọng này sẽ nhỏ hơn.
Một trong những cầu nối quan trọng nhằm củng cố lòng tin của hệ thống ngân hàng đối với công luận đó là cung cấp thông tin thông qua cam kết bảo chứng của một đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín nhằm bảo đảm tính chính xác, độ tin cậy của các báo cáo tài chính trước khi cáo bạch ra công chúng. |
Tuy nhiên, bất luận lợi nhuận nhiều hay ít, bản chất của kinh doanh tiền tệ chính là kinh doanh rủi ro, lợi nhuận luôn song hành cùng rủi ro, bởi vì nền tảng sinh lời lớn nhất của hệ thống ngân hàng luôn khởi nguồn từ chính “tài sản trung gian” của người gửi tiền và đi vay tiền, mọi bất trắc nghiêm trọng nếu xảy ra đều có nguy cơ gây ảnh hưởng dây chuyền làm sụp đổ toàn hệ thống. Rủi ro ngân hàng có thể đến từ mọi phía (do khách hàng làm ăn thua lỗ, biến động chính sách, rối loạn chính trị quốc tế, thiên tai địch họa, do chính bản thân ngân hàng gây ra...). Rủi ro có thể diễn ra một cách từ từ theo kiểu thẩm thấu, hoặc ập đến một cách nhanh chóng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Tính chất phức tạp nhất của nghệ thuật kinh doanh tiền tệ chính là ở chỗ phải học được cách “chung sống với rủi ro”, biết cách phân tán rủi ro, lựa chọn rủi ro để đặt cược kinh doanh, và khi rủi ro thực sự phát sinh thì phải chủ động ứng phó được trước hết bằng chính nguồn lực tài chính dự phòng.
Cũng cần đặc biệt lưu ý, một trong những chỉ số cơ bản đánh giá khách quan hiệu quả lợi nhuận ngân hàng chính là tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (viết tắt là ROA). Để minh họa đơn giản, có thể căn cứ số liệu công bố chính thức năm 2008 làm phép so sánh sẽ thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản có khả năng sinh lợi (chủ yếu là dư nợ tín dụng) của một số ngân hàng điển hình thực sự không lớn đến mức phi lý. Cụ thể: Vietcombank lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 3.352 tỉ đồng so với tổng dư nợ tín dụng 127.000 tỉ đồng, vậy tỷ suất ROA vào khoảng 2,64%. Tương tự, BIDV lãi 2.300 tỉ, tổng dư nợ 185.000 tỉ, ROA là 1,24%; ACB lãi 2.556 tỉ, tổng dư nợ 50.000 tỉ, ROA 5,1%; Techcombank lãi 1.600 tỉ, tổng dư nợ 33.000 tỉ, ROA 4,8%... Từ tỷ suất ROA này nổi lên một vấn đề quan trọng là làm thế nào để duy trì thường xuyên chất lượng tổng tài sản có khả năng sinh lời theo hướng an toàn và hiệu quả. Bởi quy mô tổng tài sản tỷ lệ thuận với tính phức tạp trong mô hình quản lý. Vì thế, chính hệ thống ngân hàng cần phải xây dựng bằng được một chiến lược quản trị rủi ro nghiêm ngặt nhằm đo lường đúng đắn mức độ rủi ro tiềm ẩn, sử dụng hợp lý và đúng mục đích các nguồn lực tài chính dùng thường trực dự phòng bù đắp các khoản tổn thất có nguy cơ phát sinh bởi các nhân tố nhạy cảm gây ra như: lãi suất, thanh khoản, chất lượng tín dụng, cân đối nguồn và sử dụng vốn, tổ chức nhân sự, đạo đức nghề nghiệp... Đây chính là những thử thách và là bài toán quản trị “đau đầu nhất” của các ngân hàng hiện nay.
Ngân hàng: cần công khai, minh bạch và có phản hồi
Về phía người trong cuộc, các ngân hàng thương mại phải luôn đặt lên hàng đầu tiêu chí tôn trọng uy tín và pháp luật trong việc cung cấp thông tin theo nguyên tắc công khai, minh bạch và có phản hồi. Trong quá khứ đã từng xảy ra không ít trường hợp xuất phát từ động cơ đánh bóng thương hiệu quá trớn, thổi phồng bong bóng cổ phiếu, hoặc định hướng dư luận vào những mục tiêu cơ hội... nên một số doanh nghiệp và ngân hàng chỉ cung cấp thông tin một chiều, thông tin chưa được kiểm toán độc lập đầy đủ, kể cả công bố thông tin không chính xác khiến dư luận mất lòng tin, kéo theo khó vun đắp nền tảng tin cậy về lâu dài.
Hiện nay, đứng trước yêu cầu hội nhập và đổi mới quản lý, đại bộ phận các ngân hàng đã và đang đi dần vào định hướng cổ phần hóa và chứng khoán hóa, kỷ cương kỷ luật về quy chế công khai thông tin không những mở rộng về phạm vi mà ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện hơn. Nội dung và chất lượng thông tin cung cấp là một trong những thước đo cơ bản về trình độ quản lý và uy tín của một ngân hàng, điều này phản ánh rõ thông qua nhiều phương tiện như: báo chí, website, báo cáo thường niên, hội nghị hội thảo, kể cả thông qua người phát ngôn chính thức hoặc từ chính phong cách ứng xử giao tiếp của nhân viên ngân hàng. Do tính chất đặc biệt nhạy cảm của hoạt động ngân hàng đối với việc ổn định tiền tệ và duy trì lòng tin xã hội, quy trình cung cấp thông tin phải tuân thủ các chuẩn mực pháp lý được quy định chặt chẽ, đúng người đúng việc, đúng trình tự. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận cố tình ngụy tạo thông tin “lạc quan” nhằm đánh lạc hướng dư luận hoặc từ chối cung cấp thông tin “bi quan” khi cần thiết. Trên thực tế, nếu làm tốt việc chủ động cung cấp và giải trình thông tin, kể cả thông tin xấu, nhiều khi lại là cách thức trấn an và thuyết phục dư luận có hiệu quả...
Ngoài ra, một trong những cầu nối quan trọng nhằm củng cố lòng tin của hệ thống ngân hàng đối với công luận đó là cung cấp thông tin thông qua cam kết bảo chứng của một đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín nhằm bảo đảm tính chính xác, độ tin cậy của các báo cáo tài chính trước khi cáo bạch ra công chúng. Hơn ai hết hệ thống ngân hàng hiểu rõ tầm quan trọng sống còn của việc chọn lựa đối tác và duy trì mối quan hệ hợp tác với đơn vị kiểm toán trong quá trình bảo vệ uy tín thương hiệu của chính mình.
Suy cho cùng, mọi hoạt động kinh doanh phải gắn liền với mục tiêu tạo ra lợi nhuận, tôn chỉ chính đáng này đáng được khuyến khích và trân trọng. Tuy nhiên, kinh doanh là một phần tất yếu của cuộc sống, không thể thoát ly cộng đồng, chính vì vậy việc tạo ra sự đồng thuận giữa nhà kinh doanh đối với công luận xã hội thông qua cơ chế công khai hóa, minh bạch thông tin và đối thoại bình đẳng luôn là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên gấp rút cụ thể hóa và ban hành các quy chế công khai hóa thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tạo tiền đề pháp lý chặt chẽ cũng như sự đồng thuận cao hơn của dư luận trong quá trình cung cấp, đánh giá và giải trình thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, có trách nhiệm.
(Theo Tâm Dân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com