Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

Doanh nghiệp Việt Nam ký kết đầu tư vào Lào tại một cuộc hội thảo diễn ra ở TPHCM gần đây, Ảnh: Quốc Hùng

Tuy trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là có xu hướng đầu tư vào các nước phát triển.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ, gần đạt đến kế hoạch 2,4 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2009.

Những tháng gần đây, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước càng nhiều hơn. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 9 này, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước đạt đến 480 triệu đô la Mỹ, trong đó có hai dự án tăng vốn đến gần 100 triệu đô la Mỹ.

Đến các nước phát triển

Điều đáng lưu ý  theo Cục đầu tư nước ngoài là bên cạnh những điểm đến lâu nay như Lào, Campuchia, Nga… các doanh nghiệp Việt Nam cũng hướng đến những thị trường khác phát triển hơn như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…

Hồi tháng 6, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã công bố thông tin rằng họ đang thương thảo việc mua lại khách sạn tại Mỹ. Theo đơn vị này, nếu mọi chuyện thuận lợi, đến cuối năm 2009 Saigontourist sẽ kết thúc thương vụ mua khách sạn của thành phố San Francisco thuộc bang California.

Không dừng ở đó, Saigontourist còn cho biết đang xem xét việc mua một khách sạn tại Tokyo (Nhật), và ngoài ra, chiến lược của tổng công ty này là có thể mua khách sạn tại các thành phố khác như Berlin (Đức), Hong Kong (Trung Quốc) và Moscow (Nga) nếu có điều kiện thuận lợi.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, từ năm 2008 trở lại đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều. Đặc biệt, nhiều dự án đã chuyển từ quy mô nhỏ, đầu tư vào các ngành nghề đơn giản, sang các dự án quy mô lớn, vào các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, đồng thời lan rộng ra nhiều nước.

Mở rộng thị trường truyền thống

Tuy nhiên, các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Nga, Malaysia, Angieria… vẫn là điểm đến đầu tư thu hút các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh việc đầu tư các lĩnh vực khai khoáng, trồng rừng, thủy điện, viễn thông, xây dựng hạ tầng,.. ở các quốc gia này, gần đây các doanh nghiệp Việt Nam còn hướng đến các lĩnh vực như hàng không, ngân hàng, bảo hiểm…

Hợp đồng liên doanh thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air -CAA) vừa được ký kết giữa Vietnam Airlines (VNA) và các đối tác Campuchia vào cuối tháng 7 rồi tại Phnom Penh cho thấy một lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài mới của Việt Nam. Đây là liên doanh có vốn đầu tư lên đến 100 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ Campuchia góp 51% vốn, VNA góp 49% vốn. 

Trong khi đó, cũng thời gian trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức công bố sự hiện diện thương mại đầu tư của mình với việc hình thành các pháp nhân mới tại xứ sở chùa Tháp này.

Thông qua việc thành lập Công ty Đầu tư và phát triển Campuchia (IDCC), BIDV cho biết sau khi mua lại Ngân hàng đầu tư Thịnh vượng Campuchia, ngân hàng mới sẽ được tái cấu trúc và đáp ứng được nhu cầu tín dụng của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Campuchia trong tương lai. Hơn nữa, Công ty cổ phần Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI), được IDCC thành lập cùng một cá thể Campuchia, cũng nỗ lực phấn đấu sau 5 năm xây dựng sẽ trở thành công ty bảo hiểm uy tín, lớn trên thị trường bảo hiểm Campuchia.

Theo các doanh nghiệp Việt Nam, việc BIDV hình thành những pháp nhân về ngân hàng và bảo hiểm giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư sang Campuchia.

Lào vẫn là điểm đến quan trọng

Cho đến nay, Lào vẫn là điểm đến nhiều nhất của các nhà đầu tư Việt Nam. Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến tháng 7 rồi, Việt Nam hiện có 186 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký trên 2,08 tỉ đô la Mỹ. Lào hiện đang đứng đầu trong tổng số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.

Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn (SGI) là một trong những nhà đầu tư lớn của Việt Nam tại Lào. Hai dự án thủy điện mà SGI đầu tư là Nậm Ngum 4, công suất 200 MW và Nậm Sum, công suất 280 MW có tổng đầu tư 800 triệu đô la Mỹ. SGI cũng là chủ đầu tư một khách sạn 4 sao ở Sầm Nưa, vốn 5 triệu đô la Mỹ giai đoạn 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, cho rằng cơ hội đầu tư tại Lào còn rất nhiều, vì Lào là nước đang phát triển, rất phù hợp với các doanh nghiệp trong nước.

Hoàng Anh Gia Lai xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê; nhà máy chế biến gỗ, trồng cây cao su; xây thủy điện, dự án mỏ sắt và đồng… với tổng vốn đầu tư lên đến 260 triệu đô la Mỹ. Ông Đức cho rằng đây là những dự án có tầm nhìn lâu dài và Hoàng Anh Gia Lai không chỉ dừng lại tại đây.  

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết sẽ đề xuất Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sớm đàm phán hợp tác liên doanh với Hãng hàng không quốc gia Lào, như đã liên doanh với Hàng không quốc gia Campuchia mới đây, nhằm đẩy mạnh hoạt động của hãng này. 

Sẽ thuận lợi hơn

Tuy gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, song, dự báo đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009. Cục Đầu tư nước ngoài dự báo trong một vài năm tới đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài, số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ do tiềm lực tài chính hạn chế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng mới chỉ bước qua giai đoạn thăm dò, nên hiệu quả hoạt động còn thấp; công tác dự báo thị trường thế giới cũng chưa tốt để giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư...

Trước những khó khăn về đầu tư ra nước ngoài, hiện Chính phủ đã có nhiều phương án để hỗ trợ thúc đẩy việc đầu tư của doanh nghiệp. Cụ thể, trong tháng 2-2009, Thủ tướng đã phê duyệt đề án thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó xác định cả các lĩnh vực ưu tiên cũng như giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động này có hiệu quả ngay trong năm nay.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài được ưu tiên hỗ trợ thuộc lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp....

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ để có thể cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài vay vốn ưu đãi. Một số quy định về quản lý ngoại hối cũng sẽ đươc xem xét sửa đổi để dòng tiền ra, tiền vào thuận lợi hơn.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 78/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài và dự kiến cuối năm nay sẽ trình Chính phủ ban hành để tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho hoạt động này theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư, kể cả đối với doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư.

Với những hành động và biện pháp này từ phía Chính phủ, các nhà đầu tư tin rằng việc đầu tư ra nước ngoài sẽ tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ngân hàng nội "sống khỏe" bất chấp khủng hoảng
  • Hỗ trợ vốn trung dài hạn: khó từ hai phía
  • Gói hỗ trợ lãi suất: "Đệm" thế nào cho... êm ?
  • Cơ hội cho ngân hàng từ khủng hoảng tài chính
  • Bình luận: Một năm sau “cơn địa chấn” từ phố Wall: Trọng bệnh chưa qua
  • Hỗ trợ lãi suất: Cần thực tế hơn
  • Hy vọng sự đảo chiều của dòng vốn FDI
  • Năm 2009, nguồn vốn FDI toàn cầu giảm mạnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!