Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật hóa việc cấm kinh doanh vàng trên tài khoản: Nên hay không?

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vừa được Bộ Công thương hoàn thiện lần 2. Trong dự thảo này, việc đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào danh mục dịch vụ cấm kinh doanh đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của các nhà kinh doanh và giới làm luật.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 do Bộ Công thương tổ chức hôm 10/8, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại việc đưa kinh doanh vàng trên tài khoản vào danh mục dịch vụ cấm kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Yến, Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, đây là hoạt động đầu tư tài chính cấp cao và chuyên nghiệp. Hoạt động kinh doanh này không nhằm hướng tới việc giao và nhận vàng vật chất, mà nhằm đầu cơ về giá vàng trong tương lai để kiếm lợi nhuận. Nói cách khác, các nhà kinh doanh mua vàng trên tài khoản với giá thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, nhưng chỉ phải nộp tiền ký quỹ bằng một phần giá trị hợp đồng và sẽ chỉ thanh toán vào thời điểm được ấn định trong tương lai. Do đó, lợi nhuận hay rủi ro mà nhà kinh doanh được hưởng hay phải chịu hoàn toàn phụ thuộc vào độ chính xác trong phán đoán của họ về giá vàng trong tương lai.

Theo bà Yến, hoạt động này hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa và ở mức độ nhất định, có nhiều nét tương đồng với hoạt động đầu tư trên TTCK. Trong khi đó, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được Luật Thương mại (2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và cho phép; hoạt động đầu tư trên TTCK được Luật Chứng khoán (2006) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và đã tiến hành trên thị trường Việt Nam từ cả chục năm qua, thì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản lại bị cấm.

"Nên xem xét lại việc quy định dịch vụ này trong 'Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh', nếu cần, có thể chuyển sang dịch vụ kinh doanh có điều kiện và ngân hàng Nhà nước sẽ quy định điều kiện cụ thể cho hoạt động này", bà Yến nói.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, nên có định hướng chính sách để cho thị trường này phát triển ổn định bền vững chứ không nên cấm, vì thực tế, thị trường vàng trên thế giới rất phát triển. Theo ông Bảng, kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động đầu tư tài chính chứa đựng yếu tố rủi ro cao, nhiều nhà đầu tư đã kiếm những khoản lợi lớn, nhưng cũng không ít nhà đầu tư phá sản. Tuy nhiên, sàn giao dịch vàng cũng có ưu điểm là nhà đầu tư bớt tập trung vào vàng vật chất, không dẫn tới tình trạng nhập khẩu vàng ồ ạt, hoạt động giao dịch thông qua sàn hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng mua - bán, đồng thời giá giao dịch là khách quan và có sự liên thông mật thiết với giá vàng quốc tế.

"Hiện sàn vàng bị cấm là do thiếu một quy chế hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, không vì thế mà đưa việc giao dịch vàng trên tài khoản vào diện cấm mà chỉ cần tạm thời dừng để xây dựng chính sách, quy chế đầy đủ hơn. Vì thế, nên đưa sàn vàng vào diện kinh doanh có điều kiện ", ông Bảng bày tỏ quan điểm.

Trên thực tế, sau khi các sàn giao dịch vàng bị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngừng hoạt động, một số nhà kinh doanh đã chuyển sang giao dịch bạc trên tài khoản - một hoạt động kinh doanh Ngân hàng Nhà nước không quản lý. Không ít chuyên gia cho rằng, nếu như tới đây kinh doanh bạc trên tài khoản tiếp tục bị cấm, các công ty mở sàn giao dịch sẽ lại chuyển sang một hình thức giao dịch tương tự như đồng, chì…, vì thực tế nhà đầu tư vẫn có nhu cầu kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

"Thay vì luôn đi sau nhu cầu xã hội để cấm, hơn nữa Luật Thương mại cho phép lập sàn giao dịch các loại hàng hóa khác, luật pháp nên cho phép các hoạt động như kinh doanh vàng trên tài khoản được tiến hành và quy định rõ điều kiện thực hiện", bà Yến đóng góp ý kiến.

Khi yêu cầu các sàn vàng ngừng hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp sẽ nghiên cứu để ban hành các điều kiện cho dịch vụ này được triển khai và hoạt động lại. Phải chăng, tới đây Nghị định mới được ban hành luật hóa việc cấm dịch vụ này thể hiện sự cách hành xử "không quản được thì cấm" của cơ quan quản lý? Nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở rất lớn, vì thế, thay vì cấm đoán một dịch vụ phổ biến tại nhiều nước trong khu vực, nên chăng tạo ra một "sân chơi" an toàn với điều kiện chặt chẽ để thu hút các nhà đầu tư.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tăng trưởng tín dụng lại gặp “khe cửa hẹp”
  • Hàng tỷ USD đầu tư vào phân phối xăng, dầu
  • Nhà đầu tư “ngán” đòn bẩy tài chính
  • Diễn biến tỷ giá, nhìn từ “lời cảnh báo tháng 7”
  • 14 ngân hàng, công ty tài chính “phản pháo” chính sách mới
  • Nhiều ngân hàng sẽ không kịp nâng tỷ lệ an toàn vốn?
  • Nợ xấu và chuyện trích lập dự phòng
  • Vốn ngoại tệ: Đánh đổi để ổn định?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!