Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam: "Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường

Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

"Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, một cá nhân đã sở hữu nhiều hơn số vốn theo quy định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng. Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chức năng đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các hành vi thâu tóm" - đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo chiều 5.9 tại Hà Nội.

Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

Quyền lực giấu mặt

 

 

Bản chất của tội phạm thâu tóm ngân hàng

Trao đổi với báo chí về khái niệm tội phạm thâu tóm NH trong cuộc họp báo ngày 5.9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định đó chỉ là cách nói, còn bộ luật Hình sự không ghi chính xác câu chữ loại tội phạm này. Tuy nhiên, bản chất của tội phạm thâu tóm NH nằm trong quy định tội kinh doanh trái phép, đầu cơ... Tội này theo ông Đam có thể nhằm mục tiêu thâu tóm các NH trái pháp luật.

 

Nhằm tránh việc cá nhân sở hữu NH dẫn đến thao túng, gây đổ vỡ như đã từng xảy ra ở một số nước trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, luật Tổ chức tín dụng quy định, cá nhân sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ trong một NH. Với tỷ lệ này, có thể khẳng định, không cổ đông cá nhân nào có thể "sai khiến" NH. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều NH thương mại cổ phần (TMCP) hiện nay là "sân sau" của những cổ đông lớn.

Làm thế nào để các cá nhân này sử dụng NH như một công cụ rót vốn cho những dự án, những phi vụ riêng của mình, để thực hiện các vụ thâu tóm với lượng vốn khổng lồ như đã xảy ra trong thời gian qua? Đó là vì họ đã gián tiếp sở hữu NH. Cụ thể, "chẻ nhỏ" tỷ lệ sở hữu bằng cách chuyển sang một công ty đầu tư tài chính do họ lập ra. Công ty này mua CP của NH và trở thành cổ đông lớn của NH. Đây là con đường đưa các cá nhân trở thành cổ đông lớn, thậm chí là ông chủ của NH. Điều này lý giải vì sao, rất nhiều cá nhân có quyền lực cực lớn trong NH dù tỷ lệ sở hữu trực tiếp rất nhỏ.

Sau khi hoàn tất việc trên, các công ty đầu tư tài chính sử dụng NH như một công cụ rót vốn vào "sân sau" của họ thông qua các hợp đồng cho vay ủy thác (Thanh Niên đã có bài Bí ẩn khoản phải thu khác phân tích về vấn đề này). Đặc biệt, các công ty này tiếp tục đi mua CP ở các NH khác, rồi lại lập ra công ty đầu tư tài chính để sử dụng vốn của các NH này qua con đường ủy thác đầu tư... Cứ như vậy, "ma trận" sở hữu rối rắm này tạo thành các "vòi bạch tuộc" có sức mạnh tài chính cực lớn để thực hiện việc thâu tóm, nắm quyền kiểm soát ở các NH, các doanh nghiệp khác.

 

 
 

Không chỉ thâu tóm ngân hàng, "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn

 
 
 

Đơn cử như trong vụ thâu tóm NH Sacombank cách đây vài tháng, các cổ đông lớn gồm Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh chỉ lộ diện khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có văn bản xử phạt hành chính. Điều đáng nói là quan hệ chằng chịt của 3 cổ đông này.

Công ty Sài Gòn Á Châu cũng mua CP của Eximbank dù theo giấy phép kinh doanh, công ty này không có lĩnh vực đầu tư tài chính. Rồi ông Minh và Sài Gòn Á Châu cùng Eximbank đithâu tómSacombank và hiện tại, ông Trần Phát Minh là Chủ tịch HĐQT của NH TMCP Kiên Long. Rõ ràng, nhờ sở hữu chéo, họ đã dồn phiếu cho một người để làm một cuộcthâu tómthành công. Việc này thể hiện rõ nhất, quyền lực trung gian của các công ty đầu tư tài chính. Hay nói chính xác là quyền lực của chính các ông chủ công ty này, quyền lực cá nhân của họ ở các NH.

Thao túng vàng, bất động sản

 

 

Gây rối loạn thị trường

Theo một chuyên gia tài chính, không chỉ NH mà hầu như các tổng công ty nhà nước đều có loại hình công ty đầu tư tài chính để quản lý phần vốn của các công ty con bên dưới, thậm chí khi CP hóa họ cũng không bàn giao vốn về cho SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) mà vẫn giữ để quản lý vốn của các công ty con. Do không bị quản lý bởi bất cứ luật chuyên ngành nào nên các công ty này đầu tư bừa bãi, thiếu hiệu quả, gây rối loạn thị trường. Điển hình nhất là vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới bắt nguyên Giám đốc và Trưởng phòng Tín dụng của Công ty TNHH MTV Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước... ” do đầu tư thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành và nợ ngập đầu. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy, các công ty đầu tư này được thành lập nhan nhản. Nếu không nhanh chóng có giải pháp thì hậu quả khó lường.


Không dừng lại ở thị trường tài chính, các công ty đầu tư tài chính này đã và đang vươn "vòi bạch tuộc" sang thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản. Liên tục mấy năm gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thời điểm, giá vàng trở nên điên loạn và câu hỏi "ai thao túng giá vàng" chỉ được trả lời chung chung, đó là giới đầu cơ. Nhưng giới đầu cơ nào đủ vốn, đủ tiềm lực để xoay chuyển giá trên thị trường khi mỗi phiên có tới vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượng vàng được giao dịch? Chỉ có công ty đầu tư tài chính với nguồn vốn cực lớn nhờ sự "bơm" vốn từ phía sau của các NH mới đủ sức làm việc này.

Mọi chuyện càng rõ ràng hơn sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thì 3 công ty mà ông trùm này sở hữu đều có hoạt động liên quan đến bất động sản, du lịch và vàng bạc đá quý. Hệ quả của sự thao túng này là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1-3 triệu đồng gây rủi ro cho người mua; tạo những cơn khan hiếm giả khiến NHNN phải cho nhập khẩu vàng dù lượng vàng trong nước rất lớn, áp lực lên thị trường ngoại tệ từ việc nhập khẩu vàng... Sự rối loạn này đã tạo ra những cơ hội kiếm lợi cực lớn cho các công ty này.

Tương tự đối với thị trường bất động sản. Một chuyên gia đang thực hiện xử lý bán tài sản thế chấp cho một số NH cổ phần tiết lộ, rất nhiều dự án thế chấp là từ các công ty đầu tư tài chính. Các công ty này cho vay dự án thông qua nguồn vốn ủy thác của NH. Sau đó họ lại mang chính các dự án này quay trở lại thế chấp NH lấy vốn mua CP ở các dự án khác. Rồi lại lấy "dự án khác" thế chấp để vay tiếp... Nên một phần không nhỏ nợ xấu của các NH cổ phần hiện nay là từ các công ty tài chính. Đó là lý do, các NH đã và đang tạo áp lực mua nợ xấu, thực chất là giải vây cho chính các ông chủ của họ. "Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng các công ty đầu tư tài chính sử dụng vốn ủy thác từ NH, mua CP và làm chủ các công ty một cách dễ dàng" - chuyên gia này nói.

Công ty đầu tư tài chính này "đẻ" ra công ty khác, công ty khác liên kết với NH này, doanh nghiệp nọ... để tiếp tục sản sinh ra các công ty cháu, chắt. “Vòi bạch tuộc” sở hữu này càng dài, càng chồng chéo thì vốn từ các NH chảy ra qua đường này càng lớn, các thương vụ thâu tóm, lũng đoạn càng nhiều. Nếu phanh phui tất cả nguồn vốn đã chảy theo hệ thống chân rết "sân sau" nói trên, vốn thực sự của các NH còn lại bao nhiêu? Đây là vấn đề cần được làm rõ nếu thực sự muốn tái cấu trúc hệ thống NH.

 

3 loại sở hữu chéo đáng lo ngại trong Ngân hàng

1. Sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NH TMCP: Hiện có gần 8 NH TMCP có quan hệ CP với 5 NHTM nhà nước. Tiêu biểu là Vietcombank hiện đang sở hữu 11% tại NH Quân đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương Đông, 5,3% tại NH Sài Gòn.

2. Sở hữu lẫn nhau giữa các NH TMCP: Hiện tượng này khá phổ biến ở Việt Nam. Hiện có ít nhất 6 NH TMCP có cổ đông là một NH TMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại NH Việt Á.

3. Sở hữu NH TMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NH TMCP. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NH TMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NH có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Nguồn Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo Nguyên Hằng

Thanhnien

---------------------------------------

"Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường - Kỳ 2: Những “chiêu thức” mập mờ

 

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, trong bộ luật Hình sự không có tội danh "thâu tóm NH". Vì vậy, hành vi thâu tóm không phải là tội phạm mà vấn đề là các cách thức thực hiện có vi phạm pháp luật hay không.

Những thay đổi về nhân sự HĐ quản trị và Ban điều hành của Sacombank (STB) có thể làm cho ngân hàng (NH) này tiếp tục phát triển; tuy nhiên quá trình STB bị thâu tóm dưới góc độ quản lý lại là bài học kinh nghiệm đáng nói.

Thôn tính âm thầm

Theo quy định, các doanh nghiệp (DN) khi muốn mua lại một DN khác đã niêm yết trên TTCK phải công khai thông tin. Nhưng vụ thâu tóm Sacombank và rất nhiều các vụ mua bán cổ phiếu (CP) khác lại diễn ra âm thầm, mua - bán chui. Cụ thể, ngày 9.1, CTCP đầu tư Exim đã mua hơn 42 triệu CP Sacombank, nâng số lượng nắm giữ CP Sacombank lên hơn 50 triệu CP, trở thành cổ đông lớn của NH này với tỷ lệ nắm giữ lên tới 5,17%. Tương tự, ngày 24.2, ông Trần Phát Minh mua hơn 1,544 triệu CP Sacombank và trở thành cổ đông lớn của NH này với tỷ lệ nắm giữ 5,01%. CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu cũng trở thành cổ đông lớn của Sacombank vào ngày 1.3, với tỷ lệ nắm giữ 5,01% sau khi mua thêm gần 22 triệu CP Sacombank.

 

 
 

Pháp luật không cấm việc thâu tóm, sáp nhập nhưng nếu việc này diễn ra bằng những hành vi lén lút, không công khai, minh bạch thì cơ quan chức năng phải can thiệp và hoàn toàn có thể làm việc đó

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính

 

Âm thầm mua và đến cuối tháng 2 vừa qua, nắm gần 10% cổ phần STB, Eximbank đã tuyên bố đại diện cho 51% CP và yêu cầu bầu lại HĐQT STB. Số CP còn lại do các cổ đông khác ủy quyền cho Eximbank.

Điều đáng nói là sau khi các cổ đông trên giành được cổ phần, bán chui cho các cổ đông khác, mãi sau này khi HĐQT và Ban điều hành mới của Sacombank đã được bầu và đi vào hoạt động mới thấy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào cuộc, bằng cách tuyên phạt mỗi công ty 60 triệu đồng vì mua bán CP chui, không công bố giao dịch cổ đông lớn (theo quy định mua hơn 5% phải công bố).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng theo luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, bất kỳ cổ đông nào là cá nhân hay nhà tổ chức khi mua quá 5% cổ phần của một công ty đều phải công bố thông tin. Pháp luật không cấm việc thâu tóm, sáp nhập nhưng nếu việc này diễn ra bằng những hành vi lén lút, không công khai, minh bạch thì cơ quan chức năng phải can thiệp, và hoàn toàn có thể làm việc đó.

Sở hữu chéo và đòn bẩy tài chính

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, việc thâu tóm các DN được xem là bình thường nhưng khi một NH bị thâu tóm lại có ảnh hưởng rộng hơn đến thị trường tài chính. Đặc biệt, việc thâu tóm lại không được công bố công khai. Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ, một NH không được phép sở hữu một NH thứ hai và cũng không được nắm giữ tối đa 11% vốn điều lệ tại một tổ chức kinh tế khác. Để lách hàng rào này, một số NH đã cùng công ty liên kết tham gia góp vốn thành lập công ty đầu tư tài chính, sau đó chuyển vốn qua hình thức ủy thác đầu tư, mua CP và trở thành cổ đông lớn.

 

 
 

Giao dịch bao nhiêu, Sở đều biết

Việc xử phạt của UBCKNN đối với vụ thâu tóm Sacombank chỉ được tiến hành sau hơn 3 tháng khi các thương vụ mua bán đã hoàn tất. Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, bản thân các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán đều biết ngay lập tức về cá nhân, tổ chức nào giao dịch bao nhiêu CP trong ngày. Vì vậy, không khó để các cơ quan này công bố ngay thông tin để nhà đầu tư được biết. Thế nhưng, từ trước đến nay chưa thấy các cơ quan này công bố thông tin đó ngay sau có giao dịch bất thường. Thậm chí, UBCKNN cũng có quyền tuyên bố hủy các giao dịch này vì không đúng quy định.

Muốn ngăn chặn các hoạt động đầu cơ trục lợi trên TTCK, cơ quan quản lý nhà nước phải chặt chẽ hơn nữa trong việc giám sát hoạt động trên thị trường và thẳng tay xử phạt.

 

Nhìn vào báo cáo thường niên 2011 của Eximbank, có thể thấy NH này đã có những khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế như 10,86% ở Công ty chứng khoán Rồng Việt; 10,99% ở Eximland; 9,45% vào Công ty bảo hiểm Nhà Rồng; 10% vào Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long; 11% vào Sài Gòn Exim.

Các công ty này lại có sự đầu tư lẫn nhau, như trong cơ cấu cổ đông Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long có Bảo hiểm Nhà Rồng, Chứng khoán Rồng Việt, CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu. Rồi CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu lại là cổ đông lớn của Công ty chứng khoán Rồng Việt với tỷ lệ sở hữu 10,51%; Eximbank sở hữu 10,86%; Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long nắm giữ 2,06%.

 Sau khi ba cổ đông lớn thâu tóm STB lộ diện như nói trên, người ta mới thấy rõ được sự chồng chéo và những mối liên hệ từ những cổ đông này với các công ty con, công ty liên kết của NH.

Thêm một cách để có nguồn tài chính mạnh nhằm thực hiện các vụ thâu tóm là sử dụng đòn bẩy tài chính. Ví dụ, một cá nhân hay tổ chức có 100 tỉ đồng và mua số lượng lớn CP của một NH.

Sau đó lấy số CP này mang đi cầm cố ở các NH khác và vay được 90 tỉ đồng, rồi dùng số tiền thế chấp được tiếp tục mua thêm CP của DN này và lại tiếp tục cầm cố... Với mối quan hệ thân thiết, chỉ 100 tỉ đồng ban đầu này có thể được nhân lên thành mấy lần sau vài vòng cầm cố. Câu chuyện đòn bẩy tài chính này đã được sử dụng khá nhiều trên TTCK.

Như vậy sở hữu chéo và đòn bẩy tài chính là "chiêu thức" cho một cá nhân, tổ chức hay NH đi thôn tính các NH, DN khác mà thâu tóm NH Sacombank là thương vụ đình đám, điểm hình nhất trong thời gian qua.

 

Vận dụng nhiều quy định để xử lý

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay trong bộ luật Hình sự không có tội danh "thâu tóm NH". Vì vậy, hành vi thâu tóm NH không phải là tội phạm mà vấn đề là các cách thức thực hiện việc thâu tóm đó có vi phạm pháp luật hay không. 

Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, nếu xác minh nguồn tiền của tổ chức, cá nhân sử dụng để mua CP không phải là tiền “sạch” thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội rửa tiền hoặc tội tham ô... Ngoài ra, nếu những người đó có lợi thế về thông tin, sử dụng thông tin này để thao túng, làm giá, tạo cung cầu giả tạo trên TTCK để thu lợi và sử dụng nguồn lợi có được đó thâu tóm NH thì có thể xử lý hình sự về tội thao túng giá chứng khoán...

Theo ông Nghiêm, trong tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, trong lĩnh vực tài chính, NH, chứng khoán cần thiết phải có những quy định chỉ cho phép cá nhân, tổ chức sở hữu tối đa bao nhiêu phần trăm CP để tránh những can thiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc thao túng của một nhóm lợi ích nào đó. 

Lê Nga

Theo Anh Vũ - Mai Phương

Thanhnien

 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • TS. Alan Phan: 'Đầu tư đa ngành là căn bệnh hoang tưởng!
  • Ma trận dòng tiền đầu tư: Chưa đủ công cụ giám sát “vùng mờ”
  • Những nguyên nhân sâu xa đằng sau các bất ổn tiền tệ năm 2011
  • Có “cương quyết” tăng phòng ngừa rủi ro từ tín dụng?
  • Tiền đâu thâu tóm ngân hàng?
  • Tăng trưởng tín dụng âm, ngân hàng vẫn lời nghìn tỷ
  • Nợ công và vấn đề tái cơ cấu kinh tế
  • Vàng – Lối thoát cho eurozone?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!