Sự tăng trưởng kinh tế cao của VN trong thời gian dài chủ yếu nhờ có tỉ lệ tích lũy và đầu tư lớn. Song mức độ đầu tư này đang cho thấy sự tăng trưởng nóng, khiến nền kinh tế phải đứng trước nhiều thách thức.
Tỉ trọng đầu tư trong GDP tăng mạnh từ giai đoạn 2001-2005, đạt nhảy vọt vào năm 2007 (với 43,1% GDP) và chỉ giảm chút ít trong thời gian khủng hoảng: 38,1% năm 2009, nhưng vẫn thuộc vào hàng đứng đầu Đông Nam Á.
Tăng trưởng nóng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm qua, nền kinh tế VN tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Giai đoạn 2000-2005, vốn đóng góp vào tăng trưởng lên tới 64,63%, trong khi phần đóng góp của lao động chỉ là 19,25% và đóng góp năng suất tổng hợp là 16,12%.
Tỉ lệ vốn đầu tư trong GDP tỉ lệ thuận với tốc độ tăng GDP. So với các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tỉ trọng đầu tư trong GDP của VN thuộc hàng các nước đứng đầu. Năm 2007, tỉ trọng này ở VN chỉ thấp hơn so với Trung Quốc (44,2%), nhưng cao hơn so với Hàn Quốc (29,4%), Thái Lan (26,8%), Malaysia (21,9%)...
Trong khi tỉ trọng đầu tư so với GDP ở hầu hết các nước có chiều hướng giảm đi, thì tỉ lệ này ở VN lại tăng mạnh. Trong khi đó, GDP tính trên đầu người của VN lại thấp hơn nhiều lần so với nhiều nước. Điều này có nghĩa là, VN đang thực hiện một mô hình kinh tế tiết chế tiêu dùng để tích lũy và đầu tư ở mức độ thuộc loại cao nhất ở Đông Á và Đông Nam Á.
Trong 10 năm gần đây, VN liên tục bị bội chi khi thực hiện chính sách tài khóa tăng thu để bù chi tiêu công. Tuy nhiên, có một thực tế là tốc độ tăng thu ngân sách luôn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định chi hằng năm khoảng 1/3 ngân sách cho đầu tư phát triển. Tổng nguồn vốn đầu tư trong xã hội cũng không ngừng tăng, bình quân mỗi năm tăng 13,9%.
Khu vực đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng nhanh nhất - gấp 5,1 lần từ 2000-2009; tiếp đến là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh với 3,5 lần và cuối cùng là khu vực kinh tế nhà nước, với 2,5 lần. Ngay cả vào năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư công, song số vốn đầu tư công chỉ ở mức thấp hơn so với năm 2007 và đến năm 2009 lại tăng vọt, nhằm thực hiện chủ trương “kích cầu đầu tư”.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế: Xét về cơ cấu thì khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội, dù tỉ trọng của khu vực này giảm từ 59,1% năm 2000 xuống còn 33,9% năm 2008, thấp hơn tỉ trọng của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; nhưng năm 2009 lại tăng trở lại mức 40,6% và trở về vị trí số một trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội.
Sử dụng chưa hiệu quả
Trong khi tốc độ đầu tư được xem là rất cao, thì việc sử dụng vốn lại không hiệu quả, nhất là khu vực nhà nước, đặc biệt là tín dụng đầu tư và vốn vay để dùng cho đầu tư. Cụ thể, nguồn vốn được Chính phủ cho vay theo lãi suất ưu đãi bằng vốn tự có hoặc vốn vay ODA và cho vay lại, để đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực được ưu tiên trong kế hoạch đối với một số DN. Do nhiều nguyên nhân, chủ đầu tư không hoàn trả vốn và lãi đúng hạn, dẫn đến trong không ít trường hợp Nhà nước phải hoãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ.
Với nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước để dùng cho đầu tư như trái phiếu chính phủ và vốn vay theo các chương trình viện trợ phát triển của các tổ chức quốc tế (vốn ODA) để tập trung đầu tư những dự án đã cam kết với các nhà tài trợ. Trên thực tế, phần vốn viện trợ không hoàn lại được đưa vào ngân sách để đầu tư, còn phần ODA cho các DN vay lại thì đưa vào nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Như vậy, vốn vay ODA hiện nay không được tính trong thu ngân sách, nhưng khi hoàn trả thì lại tính là chi ngân sách... Tỉ lệ thâm hụt ngân sách theo báo cáo chính thức là thấp hơn nhiều so với trường hợp đưa các khoản đầu tư bằng vốn vay ODA và vay trong nước vào hạch toán ngân sách quốc gia. Nợ công đang có chiều hướng tăng lên.
Bên cạnh đó, đầu tư của các DN nhà nước gồm vốn của DN có nguồn gốc từ ngân sách và vốn DN vay với sự bảo lãnh của Chính phủ thì hiệu quả của đồng vốn ở nhiều DN không đạt như kỳ vọng. Việc sử dụng đầu tư công như là một công cụ thúc đẩy các ngành trọng điểm, then chốt trong nền kinh tế chỉ mới dừng ở phạm vi nhất định.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com