Trong tổng số 4 tỷ USD giá trị các thương vụ M&A trong năm 2011 tại Việt Nam thì các thương vụ có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ trọng tới 66% về giá trị và 77% về số lượng giao dịch. |
Các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum dự báo hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam sẽ tăng nhanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay
Vốn ngoại đặt dấu ấn
Tại Việt Nam, các con số thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A như ThomsonReuter, IMAA và AVM Vietnam cho thấy, năm 2011, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt gần 4 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng so với con số 1,7 tỷ USD năm 2010.
Trong số này, trên 2,6 tỷ USD là các giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, có thể nhìn nhận rằng M&A nói chung và M&A có yếu tố nước ngoài đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt nam.
Xét về chủ thể tham gia M&A, trong tổng số 4 tỷ USD giá trị các thương vụ trong năm 2011 tại Việt Nam thì các thương vụ có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ trọng tới 66% về giá trị và 77% về số lượng giao dịch.
Những thương vụ tiêu biểu nhất được công bố như tập đoàn viễn thông VimpelCom của Nga tăng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh Gtel-Mobile lên 49% và IFC mua 10% của Vietinbank, Mizuho mua cổ phần chiến lược của Vietcombank, Carlsberg mua lại phần vốn góp tại Huda Huế...
Theo các chuyên gia của M&A Vietnam Forum, những yếu tố chính lý giải cho việc tỷ trọng các thương vụ có yếu tố nước ngoài gia tăng tại Việt Nam, đó là các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy những cơ hội đầu tư thuận lợi hơn khi mua lại công ty, thay vì thực hiện đầu tư trực tiếp.
Trong số các thương vụ M&A thực hiện trong năm 2011, nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản.
Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt nam. Các thương vụ nổi bật với việc mua tỷ lệ cổ phần chi phối cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường thông qua M&A. Có thể kể đến các thương vụ như Unicharm - Diana, Marico - ICP, Carlsberg - Bia Huế...
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm. Các thương vụ như Mizuho - Vietcombank, IFC - Vietinbank, PVI - Talant... cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hóa.
Riêng với bất động sản, những khó khăn trong năm 2011 đã giúp cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động. Các giao dịch thống kê được trong năm 2011 cho thấy tổng giá trị các thương vụ đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó còn nhiều giao dịch khác đã diễn ra nhưng không được công bố, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
2012 hấp dẫn và nhộn nhịp
Trong năm 2011, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam với tổng giá trị thương vụ lên đến 596 triệu USD. Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính và đây là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.
Vẫn theo nhận xét của M&A Vietnam Forum, tương tự như đối với việc thu hút FDI, yếu tố quan trọng nhất của việc thu hút M&A là môi trường đầu tư kinh doanh và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Để tạo ra một hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thu hút vốn thông qua M&A có yếu tố nước ngoài, cần phải có những thay đổi về mặt chính sách như việc áp dụng các nguyên tắc, tập quán quốc tế về sự bình đẳng, công bằng.. trong kinh doanh nói chung, đầu tư nói riêng.
Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn nước ngoài thông qua các hoạt động M&A và vì vậy cần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức bình quân 30%. Chính vì vậy, M&A Vietnam Forum cho rằng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%.
Theo một khảo sát trước thềm diễn đàn M&A Vietnam dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới tại Tp.HCM, có tới 65% các nhà đầu tư được hỏi có quan tâm đến các cơ hội M&A tại Việt Nam và dự kiến sẽ tới để tìm hiểu cơ hội. Những tín hiệu này cho thấy trước sự gia tăng về giá trị và số thương vụ trong hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2012 và các năm tới.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com