Nhà chức trách Mỹ lại vừa đóng cửa thêm một ngân hàng nữa ở bang Georgia, nâng tổng số ngân hàng Mỹ bị giải thể từ đầu năm tới nay lên con số 23.
Ngân hàng bị đóng cửa hôm thứ Sáu (5/12) này có tên First Georgia Community Bank, có tài sản 237,5 triệu USD và tổng lượng tiền gửi của khách hàng là 197,4 triệu USD.
Theo sự sắp xếp của Tập đoàn Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC), ngân hàng First Georgia sẽ được bán lại cho một ngân hàng có tên United Bank có cùng trụ sở ở bang này. Ngay trong ngày thứ Bảy (6/12) này, toàn bộ 4 chi nhánh của ngân hàng bị giải thể sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của ngân hàng mua lại.
FDIC ước tính, vụ đóng cửa ngân hàng First George sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của tập đoàn thiệt hại số tiền 72,2 triệu USD.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường địa ốc vẫn chưa tìm thấy đáy vẫn đang tiếp tục đẩy tỷ lệ nợ quá hạn và vỡ nợ leo thang, khiến số lượng ngân hàng Mỹ bị đóng cửa tăng nhanh.
Từ đầu năm tới nay, đã có tới 23 ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa, so với con số 3 ngân hàng bị giải tán ở nước này trong năm ngoái, và không một ngân hàng nào đổ vỡ trong hai năm 2005 và 2006. Trong số những ngân hàng đổ vỡ năm nay, phải kể tới ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual có trụ sở ở bang Seattle vì đây là ngân hàng lớn nhất từng bị đóng cửa trong lịch sử ở Mỹ.
Tệ hơn, do lo ngại thua lỗ còn gia tăng và tình hình kinh tế còn xấu đi, các ngân hàng ở Mỹ còn đang găm giữ tiền mặt, thắt chặt hoạt động tín dụng, khiến kinh tế Mỹ - được cho là đã suy thoái từ tháng 12/2007 - đã khó càng thêm khó. Chính phủ Mỹ đã bơm lượng USD khổng lồ vào hệ thống ngân hàng, nhưng tình trạng đóng băng tín dụng cho tới lúc này vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Bị chỉ trích là dùng tiền thuế của dân do Chính phủ trợ giúp để găm giữ thay vì cho vay, các ngân hàng Mỹ phản biện rằng, trên thực tế họ vẫn đang nỗ lực giải quyết tình trạng căng thẳng tín dụng hiện nay.
Tới nay, các bang ở Mỹ có số lượng ngân hàng bị giải thể nhiều nhất trong năm vẫn là các bang có giá nhà đất sụt mạnh nhất như Florida và California.
Thống kê của Hiệp hội Các nhà ngân hàng cho vay địa ốc công bố hôm 5/12 cho thấy, trong quý 3, đã có 1,35 triệu căn nhà ở Mỹ bị tịch biên vì chủ nhà không trả nổi nợ ngân hàng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tỷ lệ tịch biên nhà lên mức 2,97%.
Đồng thời, tỷ lệ người vay tiền mua nhà trễ hạn trả nợ trong quý cũng tăng lên mức kỷ lục 6,99%, so với mức 5,59% cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cứ 10 người đi vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Mỹ thì có 1 người đã quá hạn trả nợ hoặc mất nhà vào tay ngân hàng.
(Theo CNN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com