Thị trường vàng lao đao trước thông tin cấm kinh doanh vàng miếng, BĐS gặp khó khi chính sách tín dụng siết chặt, chứng khoán tụt giảm đáng kinh ngạc,… khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.
Ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra những nhận định, dự đoán của mình về thị trường tài chính trong tương lai phần nào đó gỡ rối những câu hỏi của nhà đầu tư trong bối cảnh rối loạn hiện nay.
TTCK đang thấp một cách đáng ngạc nhiên
Đối với thị trường chứng khoán, ông Nghĩa nhận định, VN - Index sẽ còn “lòng vòng” trong khoảng 460-560 điểm trong giai đoạn từ nay đến hết quý 2/2011.
“Nếu trừ đi một số mã tăng giá một cách phi lý thì thực tế VN - Index chỉ còn khoảng 340 điểm – thấp một cách đáng ngại nhiên” – ông Nghĩa đánh giá.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là: khi TTCK của Mỹ tăng 1 cách liên tục khoảng 50 – 51% trong năm 2010, từ khoảng 8.000 lên 12.000, thị trường Châu Á tăng 37 – 40% thì TTCK VN lại xuống một cách thảm hại. Việc ngược xu thế này, theo ông Nghĩa nguyên nhân chính là do: Lòng tin của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế về triển vọng kinh tế thương mại của Việt Nam đã giảm một cách ghê gớm.
Trong khi TTCK Mỹ và Châu Á đang "nóng" thì TTCK Việt Nam lại giảm mạnh.
Hiện nay, TTCK Mỹ và châu Á đang rất “nóng”. Nhiều chuyên gia nhận định rằng: Nếu không có điều chỉnh sẽ có thể suy sụp trong năm tới. “Đến 2012, TTCK sẽ bùng nổ, có những cú sốc lớn vì “nóng” quá. Tăng trưởng của TTCK cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của nền kinh tế thực” – Ông Nghĩa dẫn lời của một số chuyên gia nước ngoài. Thêm vào đó, theo kinh thánh nói: Năm 2012 là một “năm định mệnh”, có thể giống như “một năm tận thế”. Các “nhà chiêm tinh” của thị trường chứng khoán cũng đưa ra dự đoán: Năm 2012, TTCK sẽ gặp cú sốc lớn.
Ông Nghĩa cũng cho biết: Ông đã từng đọc một tài liệu cho rằng, năm 2012 có thể có những cú sốc nhất định, đặc biệt, tới năm 2022 có thể là một sự tàn phá lớn đối với TTCK. Bởi lẽ "Tính bất động của thị trường tài chính ngày càng lớn, đơn giản vì người tham gia vào thị trường tài chính ngày càng nhiều, trong khi đó, người thiếu hiểu biết về thị trường tài chính ngày càng đông, chiều hướng bầy đàn càng tăng".
“Khi ta vẽ được bức tranh diễn biến của thị trường thì nó đã thay đổi. Bởi từ lúc nhận định về thị trường tài chính cho tới lúc đầu tư, bản thân sự đầu tư của chúng ta đã làm thay đổi thị trường rồi. Khi chúng ta nói thị trường sẽ lên, một nhóm người đầu tư vào thì sẽ khiến thị trường tài chính lên. Đó là quy luật bất định của thị trường tài chính” – ông Nghĩa lưu ý.
Dự báo về TTCK Việt Nam năm 2011, ông Nghĩa đưa ra 2 khả năng: Thứ nhất, nếu lãi suất hạ và tỷ giá ổn định thì TTCK sẽ bắt đầu tăng giá vào cuối năm. Khả năng thứ 2 xảy ra nếu lãi suất chưa có dấu hiệu giảm thì TTCK chưa thể tăng, bi quan hơn do chịu tác động từ thị trường thế giới giảm.
Đỉnh giá vàng có thể rơi vào tháng 6 và 7
Đối với thị trường vàng, ông Nghĩa cũng đưa ra 2 phương án. Nếu tình hình kinh tế phát triển bi quan nhất, các chuyên gia đều nhận định: giá kim loại quý này có thể lên mức 1.600 USD/ounce vào tháng 6 -7/2011. Trong khi đó, nếu tình hình chính trị, kinh tế lạc quan hơn, giá vàng sẽ ở quanh mức 1.600-1.650 USD/ounce vào cùng thời điểm đó.
“Cả hai hướng đánh giá đều lựa chọn tháng 6-7/2011 là đỉnh giá vàng và sau đó giá sẽ giảm và có thể giảm khá mạnh”, ông Nghĩa dự đoán.
Theo nhận định của các chuyên gia: Giá vàng thế giới có thể lập đỉnh vào tháng 6 - tháng 7 tới.
Cũng theo ông Nghĩa: Trong thời gian qua, sau khi tổ chức tham vấn định kỳ với các chuyên gia trong nước có tầm nhìn thế giới về thị trường vàng, họ đều đưa ra nhận định chung rằng: Sau tháng 6 – 7, giá vàng thế giới sẽ phụ thuộc vào “thái độ” của Trung Quốc đối với dự trữ của quốc gia này.
Nếu Trung Quốc quyết tâm mua vàng thay cho USD trong dự trữ ngoại hối thì giá vàng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu Mỹ đạt tăng trưởng khả quan, giá USD lên thì Trung Quốc sẽ không mua ồ ạt vàng mà chỉ mua lượng vàng các công ty Trung Quốc khai thác, hiện khoảng 250 tấn/năm. Ở tình thế này, giá vàng có thể sẽ giảm đều đặn sau tháng 6-7/2011.
Một yếu tố nữa cũng cần quan tâm đó là tình hình mua bán giao dịch vàng của Ấn Độ, bởi Ấn Độ là một trong những quốc gia có số vàng dự trữ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia thế giới cho rằng: Từ 2 năm nay, người dân Ấn Độ không còn thói quen mua vàng để tích trữ nữa. Hơn nữa, Ấn Độ không có chiến lược quốc gia thực sự mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tự phát của dân chúng.
Ngoài ra, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường vàng cũng cần phải đề cập tới vấn đề tỷ giá.
Trong những ngày vừa qua, khi thị trường USD tự do đóng cửa, với cái nhìn lạc quan, ông Nghĩa cho rằng thị trường ngoại hối sẽ dần ổn định trở lại.
Theo ông Nghĩa: Mặc dù thương mại thâm hụt khá lớn khoảng 10% GDP mỗi năm nhưng năm nào Việt Nam cũng dư thừa ngoại tệ (nếu tính theo tổng thu ngoại tệ của Việt Nam, tức tổng số ngoại tệ đi vào trừ đi số ngoại tệ đi ra khỏi Việt Nam). Năm 2009, nước ta thặng dư 4 tỷ USD, năm 2010 thặng dư 6 tỷ USD nhưng cũng 2 năm đó, Ngân hàng Trung ương đã phải bán một lượng ngoại tệ lớn mới ổn định được tỷ giá.
Một số quan điểm được ông Nghĩa dẫn ra cho rằng: Thị trường ngoại hối cũng như hiện tượng tích trữ ngoại tệ và nhập khẩu vàng qua biên giới Tây Nam có liên quan tương đồng với nhau. Số lượng ngoại tệ dư thừa phần lớn đi vào nhập lậu vàng. Vàng trở thành vấn đề rất nhạy cảm đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Theo tính toán của ông Nghĩa, bội số của tiền không có vàng (chỉ tính tiền ngoại và nội tệ) là 4/4, tức là tiền tạo ra tiền 4 lần trong 1 năm. Nhưng cộng cả vàng để tính bội số của tiền, thì tiền tạo ra tiền chỉ còn hơn 2 lần trong 1 năm.
“Như vậy là với sự tham gia của vàng khiến nền kinh tế đặc biệt là doanh nghiệp thiếu tiền thực sự. Cho nên, bằng bất cứ giá nào, Chính phủ phải giải quyết dứt điểm thị trường vàng” – ông Nghĩa thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.
Sắp tới, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ sẽ họp và Ngân hàng Trung ương kiến nghị một đề án quản lý thị trường vàng, giúp thị trường hoạt động tốt hơn và giúp huy động vàng trong dân tốt hơn, tránh việc bội số của tiền giảm do vàng như ông Nghĩa đã đề cập. “Trong chính sách tiền tệ, tôi cho đây là một lỗ hổng lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính thực sự”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
BĐS sẽ tăng nhẹ từ khoảng tháng 9 – 10/2011
Theo nhận định của ông Nghĩa: Thị trường BĐS đang đứng ở mức giá khá cao, đặc biệt chung cư cao cấp rất khó bán, giá không giảm được trong khi giao dịch lại rất yếu. Bên cạnh đó, chung cư trung bình hoặc cao hơn một chút, lượng bán vẫn “chạy”.
Ở TP.HCM, thị trường BĐS hiện nay có vẻ đang xuống đáy, nhiều người cho rằng: BĐS tại đây có thể tăng nhẹ trở lại nhưng phải chờ đợi tới quý III. Mặc dù vậy, các hiệp hội BĐS khu vực Châu Á cho tới thời điểm này vẫn dự đoán: BĐS ở Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất ở khu vực vì dân số đông, mật độ dân cư cao hơn cả Trung Quốc, trong đó, tập trung chính ở 2 thành phố lớn là TP. HCM và thủ đô Hà Nội. Tình trạng di dân, di cư ở các tỉnh thành quy tụ về 2 thành phố này càng lớn. “Có nhận định rằng: Tốc độ tăng giá BĐS ở HN và TP.HCM còn cao hơn Singapore và Hồng Kông” – Ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, một số chuyên gia cũng đánh giá rằng: Một ngày nào đó, việc tái cấu trúc lại nhà ống sẽ trở nên mạnh mẽ do nhu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tăng cao. Thành phố Đài Bắc và các thành phố của Đài Loan, Hàn Quốc cũng có tình trạng nhà ống nhưng chỉ kéo dài 10 năm rồi lại rơi vào tình trạng bị đập phá, rỡ bỏ hết.
Khi thu nhập quốc dân trên đầu người lên tới mức nào đó, việc xây nhà ống không đủ bố trí các tiện nghi hiện đại sẽ lại xuất hiện, việc tái cấu trúc và tạo ra cú sốc về giá BĐS nhất định sẽ lại diễn ra – Ông Nghĩa nhận xét.
BĐS Việt Nam vẫn được coi là thị trường tiềm năng nhất khu vực Châu Á.
Ông Nghĩa dự báo: BĐS sẽ có thể bắt đầu tăng nhẹ từ khoảng tháng 9-10 năm nay. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp (dưới 1.000 đô la) như ở Việt Nam, sẽ không có tình trạng nổ bong bóng BĐS xảy ra.
“Các nhà phân tích trên thế giới cho rằng: Chỉ khi thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 5.000 USD trở lên mới có khả năng nổ bong bóng” – ông Nghĩa cho biết.
(Theo VTC News) // VietnamNet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com