"Không nên điều hành kiểu đầu năm hô hào đầu tư thật nhanh, thật nhiều, xây dựng ồ ạt nhưng cuối năm lại nói phải co lại. Điều hành vi mô không thể như kinh tế hộ gia đình, về lâu dài phải tính toán với tầm nhìn xa".
Lạm phát làm giảm giá trị tăng trưởng
Hầu như các ý kiến đóng góp vào bức tranh kinh tế - xã hội đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì mức tăng trưởng khá song cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của kinh tế vĩ mô. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 vượt xa chỉ tiêu Quốc hội, 3 tháng đầu năm 2011 cũng đã hơn 6%. Từ kỳ họp thứ 8, nhiều ĐBQH đã cảnh báo hệ lụy do lạm phát song trong bối cảnh thế giới biến động, đã đẩy lạm phát càng cao thêm. ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ trong giảm lượng tiền lưu thông để chống lạm phát. Tuy vậy, ông đề nghị: "Không nên điều hành kiểu đầu năm hô hào đầu tư thật nhanh, thật nhiều, xây dựng ồ ạt nhưng cuối năm lại nói phải co lại. Điều hành vi mô không thể như kinh tế hộ gia đình, về lâu dài phải tính toán với tầm nhìn xa".
ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cũng cho rằng, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Nghị quyết 11 của Chính phủ là đúng hướng, đã tạo chuyển biến được đầu. Ông phân tích, giảm mạnh tổng cầu và chính sách tài khóa thắt chặt là liều thuốc rất mạnh và nếu làm nghiêm túc, sẽ chặn được lạm phát nhưng sẽ làm doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng. ĐB Kiêm nói: "Mặt bằng giá mới ở mức rất cao, trong đó có lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, "đánh" vào tầng lớp làm công ăn lương, thu nhập thấp. Cần kịp thời sửa chữa những khiếm khuyết của nền kinh tế mới tạo ra phát triển bền vững. Phải chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong điều hành. Đồng thời, tránh lặp đi lặp lại vòng tròn tăng trưởng - thắt chặt - tăng trưởng, rồi lại thắt chặt".
Không thể lúc nóng, lúc lạnh
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu quan điểm, nhiều người phấn khởi bởi GDP tăng trưởng khá. ĐB nói: "Vui vì tăng trưởng nhưng thế là chưa đủ. Cần phải nhìn vào bức tranh chất lượng sống thực chất của người dân. Ai cũng thấy, lạm phát, tăng giá ảnh hưởng rất lớn tới từng bữa cơm gia đình và mỗi doanh nghiệp. Mong Chính phủ quan tâm tới chất lượng phát triển và không nên "đua" theo số lượng. Đặc biệt, phải nghiêm túc xem xét lại chính sách tiền tệ, không thể lúc nóng, lúc lạnh..."
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thẳng thắn: "Lạm phát có nguyên nhân chủ quan trong điều hành. Nắm bắt, điều tiết thị trường có hạn chế. Chính phủ đã không có biện pháp điều tiết hiệu quả nên một số ngành có sự đầu cơ, lũng đoạn giá. Phải nhất quán trong chính sách, giảm bệnh thành tích, không chạy theo tăng trưởng, làm méo mó chính sách đang triển khai. Chính phủ phải nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu kiểm soát, phó mặc cho thị trường tự điều chỉnh...". ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) kiến nghị, Chính phủ phải có lộ trình giảm lãi suất ngân hàng. ĐB Tuyết nói: "Doanh nghiệp không biết làm gì để vừa đủ trả lãi vay vừa có lãi nên quyết định dừng hoặc thu hẹp sản xuất. Phải đưa mặt bằng lãi suất xuống mức phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Linh hoạt trong điều hành
Trước mối lo của các ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu giải trình, đúng là có khó khăn về vốn song chưa có vướng mắc lớn. Ông cũng thừa nhận, thời gian vừa qua, cung cầu ngoại tệ có lúc thiếu cân đối do phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ. Song gần đây, đã siết chặt quản lý, thị trường tự do khép lại. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mạng lưới ngân hàng đã mở rộng, phục vụ nhu cầu thu đổi ngoại tệ của nhân dân. Tới nay, giá trên thị trường tự do đã gần với giá Nhà nước. Về kinh doanh vàng, Thống đốc cho biết: "Chúng tôi đề xuất ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng, có lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Tới nay, không có chuyện cấm đoán mà mới đang xây dựng lộ trình quản lý".
Thừa nhận tăng giá là vấn đề bức xúc xã hội, gây ra tâm trạng lo lắng, nhất là hộ thu nhập thấp, làm công ăn lương, người nghèo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong đó, có biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước. Phân tích những hạn chế của nền kinh tế trong nước tác động tới chỉ số giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ sẽ đảm bảo cung cầu hàng hóa, sắp xếp lại hệ thống phân phối, kiên trì điều hành giá các mặt hàng theo thị trường. Nếu giá thế giới tăng, giá trong nước vẫn phải tăng. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống người nghèo, người lao động...
(An ninh thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com