Nếu hiểu đúng, đầy đủ về ý nghĩa của CAR và mức CAR hiện tại của các NHTM Việt Nam thì sẽ thấy việc NHNN nâng tỉ lệ này từ 8% lên 9% từ ngày 1.10.2010 là có cơ sở và cần thiết.
Theo số liệu từ một nghiên cứu cấp nhà nước, thì việc yêu cầu tăng CAR là có cơ sở và đa số các tổ chức tín dụng dễ dàng đạt được mức này.
Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một thước đo độ an toàn vốn của NH, được tính theo tỉ lệ phần trăm của tổng (vốn nòng cốt) và (vốn bổ sung) so với tổng tài sản đã điều chỉnh của NH. Công thức tính: CAR = [(Vốn cấp I + vốn cấp II) / (tài sản đã điều chỉnh rủi ro)] * 100%. Tỉ lệ này có thể xác định được khả năng của NH thanh toán các thời hạn và đối mặt với các loại rủi ro khác như rủi ro vận hành. Hay nói cách khác khi NH đảm bảo được tỉ lệ này tức là NH đã tự tạo ra một tấm đệm chống lại những cú sốc về tài chính, vừa tự bảo vệ mình, vừa bảo vệ những người gửi tiền.
Các nước luôn xác định rõ và giám sát các NH phải duy trì một tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, ở VN tỉ lệ này hiện đang là 8% giống như chuẩn mực Basel mà các hệ thống NH trên thế giới áp dụng. Và từ ngày 1.10.2010 theo thông tư 13/TT-NHNN ngày 20.5.2010 của NHNN thì tỉ lệ này sẽ được điều chỉnh từ 8% lên 9% (trên thế giới tỉ lệ phổ biến là 12%).
Trước đây, dư luận chưa mấy quan tâm đến chỉ số CAR, chỉ sau khi Hiệp hội NH có ý kiến nhiều NH không thể thực hiện được việc nâng CAR lên 9%, thì vấn đề trở thành mối quan tâm. Muốn tăng tỉ lệ an toàn vốn thì hoặc là tăng tử số (vốn tự có) hoặc là giảm tài sản có đã điều chỉnh rủi ro. Trong hai cách, về mặt kỹ thuật và kinh tế, tăng vốn tự có dễ thực hiện hơn giảm các tài sản có đã điều chỉnh rủi ro vì các khoản mục trong nhóm tài sản có đều liên quan đến hoạt động NH, giảm các khoản này sẽ giảm lợi nhuận hoặc giảm phạm vi hoạt động của NH. Điều mà thị trường lo lắng là tăng CAR sẽ làm giảm lợi nhuận và giảm nguồn cung tiền của các NHTM.
Hệ thống đủ khả năng điều chỉnh tăng
Cho đến hiện nay, việc công bố CAR chưa phải là bắt buộc. NHNN cũng chưa bao giờ cho biết thông tin đầy đủ về chỉ số này của cả hệ thống và từng TCTD. Vì vậy, thị trường không có đầy đủ dữ liệu để đánh giá. Tuy nhiên, theo một khảo sát từ 24 NHTM của TS Hạ Thị Thiều Dao (Đại học Ngân hàng TPHCM) thì chỉ có NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN là chưa đủ 8% CAR, còn các NH khác đều đảm bảo từ 8% trở lên, trong đó VCB là 8,11%, Vietinbank là 8,06%. Đáng chú ý là CAR của các NHTM cổ phần ở mức khá cao.
Theo số liệu của một nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước mã số KX.01.19/06-10 thì đến cuối 2009, mức vốn chủ sở hữu/tài sản có của từng khối các TCTD đến cuối năm 2009 như sau: Khối NHTM nhà nước: 7,14%; khối NHTM cổ phần 10,8%; khối NHLD& NH nước ngoài 10,9%; công ty tài chính và cho thuê tài chính: 13,9%; hệ thống QTDND: 10,5%. Tỉ lệ vốn chủ sở hữu/tài sản có của cả hệ thống ngân hàng đã giảm từ 10,25% (cuối năm 2008) xuống 9,32% (cuối năm 2009). Tuy nhiên, dù có bị giảm, nhưng rõ ràng là với tỉ lệ CAR năm 2009 của cả hệ thống đã đạt 9,32% thì yêu cầu điều chỉnh tăng CAR từ 8% lên 9% từ 1.10.2010 của NHNN là có cơ sở và đa số các TCTD dễ dàng đạt được/thừa mức này. Vì vậy, việc tăng CAR (nếu hiểu đúng) không gây tác động tiêu cực đến TTCK.
TS Hạ Thị Thiều Dao lưu ý CAR của VN hiện thời vẫn chưa được tính theo tiêu chuẩn quốc tế mà chỉ dừng lại theo tiêu chuẩn kế toán VN. NHNN cần tiếp tục nâng dần yêu cầu về CAR để đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống khi ngày càng nhiều NH hoạt động theo hướng Cty mẹ - con và nền kinh tế và thị trường tài chính VN ngày càng mở, hoạt động NH ngày càng trở nên rủi ro hơn. Vấn đề hiện nay là NSNN phải cấp đủ vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước và một số ít NH quy mô nhỏ phải nâng cao tính tuân thủ an toàn vốn tối thiểu của mình.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com