![]() |
Suy thoái kép đang trở thành vấn đề nóng trên thế giới - Ảnh: Corbis. |
Hàng loạt báo cáo kinh tế, vô số ý kiến chuyên gia phân tích hàng đầu về tái suy thoái hay hồi phục, liên tiếp được đưa ra trong vài ngày qua. Bầu không khí xung quanh vấn đề này được hâm nóng trở lại, trong lúc sự hứng khởi của nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới ngày càng nguội lạnh.
Mới đây, chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel, ông Nouriel Roubini, Chủ tịch Roubini Global Economics, cho rằng, suy thoái toàn cầu có khả năng sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2010. Theo ông, việc tránh bị suy thoái kép ở Nhật và châu Âu là rất khó khăn.
Lawrence Summers, cố vấn kinh tế trưởng cho Tổng thống Barack Obama, thì cho rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở trong tình trạng gần như rơi vào bẫy thanh khoản. Theo ông này, các nền kinh tế lớn đang suy yếu đến nỗi mức lãi suất cơ bản thấp hơn và các công cụ tiền tệ khác cũng trở nên không mấy tác dụng.
Hồi đầu tháng này, trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan phát biểu hiện tại sự phục hồi kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn "tạm ngừng", như vậy cũng gần giống như suy thoái. Khi được hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có thể rơi trở lại vào suy thoái hay không, ông trả lời điều này là có thể.
“Quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Và một sự chững lại trong quá trình hồi phục cũng chẳng khác là bao so với một cuộc suy thoái”, cựu Chủ tịch FED giải thích.
Theo ông Greenspan, vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ hiện vẫn nằm ở thị trường nhà đất. Sau một thời gian phục hồi ngắn, chuyên gia kinh tế này cho rằng thị trường bất động sản Mỹ đang đi ngang. “Nếu giá nhà đi xuống, nguy cơ suy thoái kép sẽ hiển hiện trước mắt chúng ta”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist của Anh hôm 18/8 tái khẳng định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại do chính phủ các nước rút dần các chính sách kích thích.
Dẫu rằng những dấu hiệu kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc gần đây khiến người ta lo ngại, song theo EIU, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2011 chỉ giảm xuống mức 3,6% so với mức 4,5% (tính theo sức mua) của năm 2010, chứ khó có thể xảy ra suy thoái kép.
Theo EIU, sự hồi phục kinh tế tại Mỹ đang chậm lại bởi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạm thời, chẳng hạn như kích cầu, đã suy yếu. Sự hồi phục nhờ xuất khẩu của Nhật Bản cũng không bền vững.
Nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc cũng như phục hồi tại Mỹ dù mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tại cả hai thị trường này đang chậm lại và đồng Yen mạnh cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong khi đó, dù tình hình đã được cải thiện tại Liên minh châu Âu (EU), song những quan ngại về tài khóa vẫn rất lớn và những vấn đề cốt lõi vẫn tồn tại. Các nước Mỹ Latinh đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên, sẽ chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2011. Khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng nhờ sản xuất dầu mỏ tăng và chi tiêu chính phủ lớn.
![]() |
Cựu chủ tịch FED tin rằng, suy thoái kép hoàn toàn có thể xảy ra - Ảnh: Life. |
(Theo Vneconomy)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com