Đặc biệt, Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2010 đã phát hiện xu thế mới của phương thức mua bán, sáp nhập (M&A) khi hoạt động này phục hồi nhanh và mạnh hơn các hình thức đầu tư mới. So sánh các hoạt động M&A toàn cầu tính trong 5 tháng đầu năm 2010 với cùng kỳ năm 2009, mức tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Đáng nói là cùng thời điểm này, giá trị đầu tư mới giảm đi khá mạnh, từ khoảng 370 tỷ USD xuống còn khoảng 300 tỷ USD. "Sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp nội địa là cơ sở để các nhà đầu tư thế giới chú ý hơn tới M&A", ông Masataka Fujita nói.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng đang kéo theo lo ngại về khả năng mà ông Masataka Fujita gọi là rò rỉ công nghệ gây phát thải carbon từ các quốc gia có hệ thống kiểm soát chặt chẽ vấn đề này sang các quốc gia đang phát triển. "Các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) trong trường hợp này vừa là thủ phạm gây phát thải carbon do hoạt động đầu tư kinh doanh của họ, vừa là chủ thể đủ nguồn lực và năng lực để giải quyết vấn đề này", ông Masataka Fujita chia sẻ.
Phải khẳng định, TNC đang là một trong những trọng tâm thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Mục tiêu được các chuyên gia kinh tế nhắc tới là tranh thủ công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như tạo đầu tàu để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong chuỗi giá trị gia tăng mà các TNC này dẫn dắt.
Tuy nhiên, số các TNC có mặt tại Việt Nam vẫn còn quá ít so với các tên tuổi các TNC trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Khoảng trống trong các khu công nghệ cao tiếp tục là gánh nặng trong các kế hoạch thu hút đầu tư. Thậm chí, ngay cả Canon, với các kế hoạch đầu tư dài hạn và bài bản tại Việt Nam, nhiều lúc cũng bày tỏ sự lo ngại khi sau rất nhiều năm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn lẻ tẻ trong danh sách thầu phụ cho họ…
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu tiếp tục nhận công nghệ thấp, Việt Nam sẽ mất dần khả năng cạnh tranh, mất dần cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đang có thêm nhiều điều kiện ràng buộc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong khi đó, khả năng tiếp nhận, hấp thụ được công nghệ cao của Việt Nam lại rất giới hạn. Sự hạn chế về nguồn nhân lực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng khiến nhiều kế hoạch đầu tư của các TNC lớn tại Việt Nam buộc phải chuyển hướng.
"Khả năng tiếp nhận công nghệ như thế nào phụ thuộc vào các chỉ tiêu, lộ trình cụ thể về thu hút đầu tư của Chính phủ. Tôi muốn nhấn mạnh tới yếu tố phù hợp trong công nghệ", ông Masataka Fujita nói và khuyến nghị, các TNC quy mô nhỏ nhưng nắm công nghệ mới nên được Việt Nam quan tâm hơn trong các chính sách thu hút đầu tư. "Khác với các TNC quy mô lớn thường chủ động mọi khâu đoạn, các tập đoàn quy mô nhỏ có xu thế liên kết với các doanh nghiệp nội địa để phát triển. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu. Bài toán hấp thụ vốn FDI của Việt Nam cũng có thể giải quyết được nếu tận dụng các TNC này", ông Masataka Fujita phân tích.
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com