Theo giới phân tích, làn sóng đóng cửa các nhà máy và thất nghiệp tràn lan sẽ xảy ra ở Trung Quốc, nếu đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá theo đúng đòi hỏi của Mỹ và châu Âu.
Tuần trước, khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói rằng nếu đồng NDT tăng giá 20-40%, nhiều công ty Trung Quốc sẽ bị sụp đổ, thất nghiệp gia tăng và dẫn đến bất ổn xã hội. Ông cho biết nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ lãi ròng từ 2-3% và nói: "Nếu đồng NDT tăng 20-40% giá trị như yêu cầu của một số bên, một số lượng lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị phá sản, người lao động sẽ bị mất việc làm, và ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Ông cũng cho rằng "thế giới sẽ không được lợi gì nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng". Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cam kết "dần dần để cho tỷ giá đồng NDT trở nên linh hoạt hơn, đi đôi với việc duy trì sự ổn định xã hội". Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên ngày 8/10 khẳng định đồng NDT sẽ dần tiến đến trạng thái "cân bằng", nhưng bác bỏ bất kỳ “biện pháp gây sốc nào” can thiệp vào tỷ giá của đồng NDT.
Tuyên bố nói trên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu sau khi nhiều nước, trong đó Nhật Bản, trong những tuần gần đây đã đưa ra các biện pháp can thiệp để ngăn không cho đồng nội tệ tăng giá đến mức có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu.
Theo một số nhà phân tích, những phát biểu của ông Ôn Gia Bảo là có cơ sở. Đồng thời, họ cũng cảnh báo sự biến động tỷ giá quá lớn của đồng NDT sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc mà còn cả nền kinh tế thế giới vốn đang phải vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Nhà kinh tế Ian Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng tỷ giá đồng NDT đột ngột thay đổi có thể dẫn đến làn sóng đóng cửa các nhà máy và thất nghiệp gia tăng trong các hệ thống có sự đan xen, vốn là động lực của nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của Trung Quốc. Ông nói: "Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể dùng pháp, ngành ngân hàng và các đòn bẩy an sinh xã hội để vực dậy các ngành công nghiệp cũng như những lĩnh vực kinh tế chủ lực. Nhưng về dài hạn, những biện pháp này không đủ để bảo toàn sự ổn định xã hội".
Nhà phân tích Lu Ting của Merrill Lynch cũng nhận định: "Nếu đồng NDT đột ngột tăng giá mạnh (20-40%) trong vòng vài tháng tới, hầu hết các công ty xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụp đổ". Tuy ủng hộ những lới kêu gọi của giới hoạch định chính sách Âu-Mỹ đòi Trung Quốc phải cải tổ sâu rộng hơn nữa cơ chế tỷ giá, nhưng ông cho rằng những yêu sách hiện nay của họ là quá đáng. Hồi tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu chính quyền Obama coi chính sách tiền tệ của Bắc Kinh như là một biện pháp trợ cấp thương mại trái phép, đồng thời cho phép Bộ Thương mại áp đặt các mức thuế mang tính trả đũa đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông Lu Ting nói: "Việc các chính trị gia Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc là đúng, nhưng đòi hỏi điều gì đó không khả thi hoặc thậm chí là có hại thì lại hoàn toàn không tốt".
Ông Tao Dong, nhà kinh tế thuộc Credit Suisse ở Hồng Công, nói mọi nước đều có lỗi trong làn sóng hạ giá đồng nội tệ, “chứ không riêng gì Trung Quốc". Bất chấp những chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang lừng khừng trong việc thực hiện những cải cách tỷ giá, ông Tao Dong cho rằng Bắc Kinh đang âm thầm tiến hành các biện pháp kiềm chế khoản thặng dư thương mại đang ngày càng gia tăng. Ông nhận định những bước đi chính thức mà Trung Quốc thực hiện trong năm nay nhằm tăng mức lương tối thiểu sẽ tăng giá thành sản xuất và điều này cuối cùng sẽ giúp giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đồng thời gia tăng nhu cầu nhâp khẩu. Ông cho rằng tăng mức lương tối thiểu “cũng đạt được mục tiêu tương tự như tăng giá trị đồng NDT". Trong tháng 8/2010, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã giảm xuống 20,03 tỷ USD, do nhập khẩu đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến 35,2%, trong khi tăng trưởng xuất khẩu lại giảm xuống 34,4%.
Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cam kết sẽ cho phép tỷ giá đồng NDT linh hoạt hơn so với đồng USD, đồng thời bác bỏ bất kỳ sự biến động lớn nào về tỷ giá. Kể từ đó, đồng NDT mới chỉ tăng khoảng 2% so với đồng USD và gây bất bình trong giới hoạch định chính sách ở Mỹ, châu Âu. Giới này cho rằng đồng NDT đang bị định giá thấp hơn giá trị thực tới 40%, mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc lợi thế không đáng có.
(Báo Điện tử doanh nhân toàn cầu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com