Từ đầu năm đến nay, nguồn cung ngoại tệ có được từ xuất khẩu vàng đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định theo tín hiệu thị trường của tỉ giá hối đoái.
Thế nhưng sự biến động của giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế trong hai tuần qua lại đang gây hiệu ứng ngược đến tỉ giá, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho nhập khẩu vàng để giải tỏa tâm lý thị trường.
Hàng tỉ đôla từ xuất khẩu vàng
Nhìn lại diễn biến của thị trường vàng sáu tháng đầu năm 2010 giá vàng nội địa thường xuyên thấp hơn giá quốc tế từ 300.000 – 800.000 đồng/lượng. Điều này đã tạo điều kiện cho các Cty kinh doanh vàng bạc, đá quý xuất khẩu vàng. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu vàng, đá quý trong tháng 5.2010 tăng đột biến lên 884 triệu USD và nâng giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ ngày 1.1 đến ngày 24.6.2010 lên 1,343 tỉ USD.
Sang tháng 8.2010, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày cuối tháng 8 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đá quý, vàng tăng thêm 768 triệu USD và tháng 9 ước đạt 450 triệu USD. Còn Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thì đưa ra con số tám tháng đầu năm xuất khẩu vàng, đá quý lên tới 2,4 tỉ USD.
Cho dù các con số liên quan đến xuất khẩu vàng mà các cơ quan quản lý nhà nước công bố còn có thể chênh lệch nhau ít nhiều, nhưng quan trọng là xuất khẩu vàng đã mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần giảm nhập siêu và tạo cung cầu ngoại tệ cân bằng trong những thời điểm nhất định. Trong vòng 5 tuần từ 17.8 đến 25.9.2010, kể từ khi NHNN điều chỉnh tỉ giá USD/VND theo hướng VND mất giá 2,09% so với USD, tỉ giá tương đối ổn định quanh mức 19.500 đồng/USD. Khoảng 1,2 tỉ USD ngoại tệ thu về từ xuất khẩu vàng trong tháng 8 và 9 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan) là một trong những nguyên nhân giúp tỉ giá ổn định.
Phản ứng chậm
Bất ngờ đã xảy ra vào cuối tháng 9 khi giá vàng quốc tế tăng cao và giá vàng nội địa bắt đầu cao hơn giá quốc tế. Có nhiều nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn giá thế giới, như một bộ phận dân cư thấy giá vàng tăng mạnh lại mua vào thay vì bán ra; không ít người vay vàng mua để trả nợ do e ngại giá còn tăng tiếp; một số nhà đầu tư đã bán vàng vì dự báo giá giảm, nay phải mua vào cắt lỗ...
Trong chưa đầy hai tuần từ 27.9 đến 10.10, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới từ 500.000 – 1 triệu đồng/lượng. Hiện tượng gom đôla mặt nhập vàng lậu diễn ra và đẩy tỉ giá thị trường tự do tăng vọt. Điều đáng nói là trong khi đó trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn dương và theo ước tính của một ngân hàng là khoảng 350 – 400 triệu USD.
Sự biến động tỉ giá thị trường tự do như nước ngấm dần dần bắt đầu gây tâm lý chờ đợi nơi ngân hàng, doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ. Đó là chưa kể tâm lý của không ít người dân thấy tiền đồng mất giá so với vàng đã quay sang mua ngoại tệ để bảo toàn tiền tiết kiệm vì ngoại tệ so với vàng còn... rẻ. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đánh tiếng về việc cho nhập vàng, nhưng NHNN vẫn im lặng. Và chỉ đến ngày 7.10 khi giá vàng nội địa lên trên 33 triệu đồng/lượng, giá USD chợ đen ngày càng bỏ xa giá niêm yết của ngân hàng thương mại, có thời điểm tới 19.900 đồng/USD, NHNN mới cấp quota nhập vàng với khối lượng nhỏ, chừng 3 tấn. Cùng với sự giảm nhẹ của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm, giá USD tiền mặt trên thị trường tự do cũng giảm.
Cần một chiến lược trong quản lý vàng
NHNN giải thích quyết định cho nhập khẩu vàng là nhằm giải tỏa yếu tố tâm lý, nhưng rõ ràng quyết định này đã chậm hơn biến động thị trường. Nếu hạn ngạch nhập vàng được cấp kịp thời ngay vào lúc giá vàng nội địa bắt đầu cao hơn giá thế giới, thì đã có thể chặn được việc thu gom USD mặt nhập vàng lậu và sự biến động tỉ giá thị trường tự do đã không xảy ra.
Mặt khác, lượng vàng được cấp để nhập quá nhỏ và các doanh nghiệp phải nhập ngay trong vài ngày, chỉ giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng nội địa – quốc tế tại thời điểm hiện tại và có lẽ là tín hiệu chưa đủ mạnh để chặn đứng nhập vàng lậu, kéo tỉ giá thị trường tự do sát với tỉ giá niêm yết của ngân hàng.
Khi nhập siêu vẫn đang gia tăng, NHNN có lý do để không cấp, hoặc chỉ cấp nhỏ giọt quota nhập khẩu vàng. Đó là tầm nhìn ngắn hạn. Ở tầm dài hạn, một cơ chế điều hành, quản lý giá vàng để ngăn chặn nguy cơ nhập vàng lậu từ trong trứng nước, dập tắt những đợt thu gom đôla mặt trên thị trường tự do, từ đó tạo niềm tin cho người dân vào sự ổn định của tỉ giá là cấp bách. Việc cấp quota xuất - nhập khẩu vàng cũng như số lượng và cân đối nguồn ngoại tệ cho quá trình xuất, nhập đó phải được tính toán theo chiều dài cả năm, thậm chí 2 -3 năm.
Trong số nguồn thu hàng tỉ USD từ xuất khẩu vàng, một tỉ lệ nhất định và linh hoạt theo từng giai đoạn, thí dụ 10% - 20% - 30%...., phải được dành để cung ứng cho nhập khẩu vàng khi cần thiết. Đó là một sự đánh đổi, nhưng là sự đánh đổi tối ưu nhằm đạt được cái lớn hơn nhiều là xóa bỏ tâm lý kỳ vọng tỉ giá tăng theo giá vàng, xóa bỏ cơ hội “tát nước theo mưa” để trục lợi của những kẻ đầu cơ ngoại tệ. Ngoài ra, những đơn vị được chọn xuất, nhập khẩu vàng phải là những doanh nghiệp tiềm lực mạnh, đủ sức bình ổn thị trường, đủ năng lực cân đối nguồn thu - chi ngoại tệ.
Sức ép lên tỉ giá mà biến động giá vàng tạo ra không phải bây giờ mới xuất hiện. Nó đã từng xảy ra nhiều năm trước và lặp đi lặp lại, nhưng chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm và rốt ráo. Hiện tại sức ép này cần một liều thuốc chiến lược toàn diện để “cắt cơn”. Pha chế liều thuốc ấy ra sao, đắng đến mức nào là do tay bốc thuốc của NHNN!
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com